Bưu điện văn hóa xã: Đầu tư không cẩn thận sẽ lãng phí!

27/05/2010
Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ & Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày tại Quốc hội chiều qua (26/5), UBTVQH thấy rằng, không nên quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trong Luật, mà sẽ quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ để đảm bảo sự linh hoạt và tính khả thi.

Nhất trí với báo cáo giải trình, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận xét, với sự phát triển của xã hội hiện nay thì BĐVHX ngày càng mất vai trò. Vì vậy, “nếu không xem xét đầu tư cẩn thận thì sẽ lãng phí”. Hơn nữa, các hình thức sinh hoạt cộng đồng ở xã như trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa... cũng đều thực hiện chức năng tuyên truyền pháp luật, chính sách. "Nếu BĐVHX tiếp tục làm nhiệm vụ này thì sẽ chồng lấn” - ĐB Tâm lưu ý.

Một lý do khác được ĐB Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định) đưa ra giải thích cho vai trò ngày càng hạn chế của BĐHVX là “nhiều nơi do giao thông khó khăn nên người dân chú trọng sinh hoạt văn hóa thôn nhiều hơn đến các điểm BĐVHX”.

Nhưng ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lại tỏ ra mong muốn “có điều khoản hỗ trợ cho điểm BĐVHX” vì  “về xã rất đáng buồn. Ở đó hầu như không có báo. Báo nông nghiệp rất thiết thực với người dân nhưng không được, dù nhiều lần đã đề nghị chính quyền dành ngân sách cho BĐVHX “. Ông Dũng còn trăn trở : “Sống trong thời đại thông tin, người dân không được hưởng tiến bộ của công nghệ thông tin, bưu chính như thư điện tử vì thiếu cơ sở vật chất”.

Các ĐB cũng nhất trí tập trung nguồn lực, đầu tư cho hệ thống bưu chính công để phục vụ cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhất là trong điều kiện đang “không có cạnh tranh, thường xuyên phải bù lỗ”. Song các ĐB cũng lưu ý phải kiểm soát chặt để đầu tư hiệu quả, tránh Doanh nghiệp được chọn cung cấp dịch vụ bưu chính công ỷ lại Nhà nước, lợi dụng thu lợi mà vẫn cung cấp cho người dân dịch vụ kém chất lượng./.

H.Giang