Thi hành hình phạt tử hình: Lựa chọn biện pháp nhân đạo nhất!

26/05/2010
Trong phiên thảo luận dự thảo Luật Thi hành án hình sự (THAHS) sáng ngày 24/5, (ĐBQH) rất quan tâm đến hình thức thi hành hình phạt tử hình, cho phép thân nhân người bị THA tử hình nhận thi hài, hài cốt hay chế độ thăm hỏi, học tập, lao động, học nghề của phạm nhân, chế độ cho các đối tượng đặc thù, trách nhiệm của UBND cấp xã trong THAHS...

Bắn, tiêm hay ghế điện...?

Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc để THA tử hình cũng dễ thực hiện. Bên cạnh đó, hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp THA. Tuy nhiên, dù đã qua 2 kỳ họp, các ĐBQH cũng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức thi hành án tử hình (Điều 56).

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nhận thấy, trong điều kiện hiện nay chúng ta muốn dùng biện pháp nào thi hành án tử hình để “thời gian tử tù chịu đau đớn hành quyết ngắn nhất”. Biểu hiện của pháp trường trong và sau khi thi hành hành quyết sạch sẽ và kín đáo nhất, ít ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của người thi hành án. Nên xét về mặt khách quan thì phương pháp tiêm thuốc độc sẽ tránh được nhiều khía cạnh tiêu cực của phương pháp hành quyết khác.

    Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đánh giá, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm tình hình của Việt Nam, dự án luật “có một bước tiến tôi cho đó là tiến bộ rất tốt khi qui định về hình thức thi hành án tử hình”. Xuất phát từ quan điểm “được quyền chọn cái chết”, ĐB Nhơn đề nghị, ngoài tiêm thuốc độc thì nên có hình thức sử dụng bằng điện, để người phải THA tử hình được quyền chọn một trong hai hình thức áp dụng hình phạt tử hình.

Góp ý là về hình thức thi hành án tử hình, ĐB Phạm Xuân Thường  (Thái Bình) lại ủng hộ duy trì hình thức xử bắn với lý do “thời gian gần đây tình hình tội phạm của chúng ta rất nghiêm trọng, nhất là các vụ án giết người, ma túy. Nếu thay đổi hình phạt xử bắn bằng tiêm thuốc đốc thì có thể sẽ tác động tiêu cực đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay”. ĐB Thường đề nghị, xây dựng trường bắn tập trung, áp dụng hình thức bắn tự động... sẽ giải quyết những áp lực về đất đai cho địa phương và tâm lý cho người THA.

Thống nhất với phân tích của ĐB Tuyết, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) khẳng định, việc nghiên cứu thay đổi hình thức THA tử hình sang hình thức tiêm thuốc độc không phải vấn đề chúng ta mới đặt ra ở thời gian gần đây, mà đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Thêm vào đó, chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc không ảnh hưởng gì đến phòng ngừa chung của hình phạt tử hình. “Khoảng vài chục năm gần đây để đảm bảo an toàn chúng ta thường tổ chức xử bắn không thông báo rộng rãi cho nhân dân đến xem. Và việc xử bắn thường được tổ chức trước khi trời sáng, do đó tính răn đe giáo dục của hình thức xử bắn không còn đáng kể” – ĐN Nga lý giải.

Trả tử thi hay hài cốt?

Đa số các ĐBQH tán thành cho người nhà được nhận tử thi của những người phải THA tử hình về mai táng, song “kèm” điều kiện, đối tượng bị tử hình không phải là những đối tượng trộm cốt cán cầm đầu các băng đảng mà khi cho nhận có thể gây mất an ninh trật tự, không được tổ chức tang lễ, phải mai táng ngay... ĐB Trần Bá Thiều (TP.Hải Phòng) phân tích rằng: “Vì đối tượng đã bị tử hình rồi phải khác với người dân thường chết, không thể nào cứ đòi được tang lễ một cách bình thường”.

Hơn nữa, các ĐB đã bảy tỏ lo ngại khi thực tế cho thấy, có đường dây lấy trộm hài cốt, có địa phương 90% hài cốt của người bị THA tử hình bị lấy trộm, còn lại thì rất ít gia đình bỏ hài cốt. Như vậy sẽ đặt ra vấn đề trách nhiệm của người quản lý nghĩa trang nơi chôn cất những người phải THA tử hình trong 3 năm đầu tiên, trước khi cho gia đình nhận hài cốt theo qui định hiện nay. Không ít ĐB băn khoăn “Nếu mất hài cốt thì phải giải quyết như thế nào?”.

Quan tâm đến nguồn hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người phục vụ cho ngành y tế và phát triển y học, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị nên mở một điều về hiến mô tạng của người phải THA tử hình để có thêm nguồn cho và sau này có lợi hơn cho y học. “Hiện nay, các công nghệ kỹ thuật về ghép tạng như thận, gan kể cả tim của Việt Nam chúng ta có thể làm được và hoàn toàn làm chủ để cứu sống rất nhiều người nhưng khó khăn là từ lúc luật Hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người được ban hành không thực thi được vì không có nguồn cho, không có người cho” – Thứ trưởng Tiến “trình bày”. /.

Nhóm PV

Bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm UBTP: “Thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc là phù hợp!”

PV: Trong tình hình hiện nay, có  nên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa  án trong thi hành án hình sự  không, thưa bà?

Bà  Lê Thị Thu Ba: Nhiệm vụ của Toà án trong thi hành án hình sự không phải bây giờ mới đặt ra, vấn đề này đã được Pháp luật hiện hành và cụ thể là Bộ Luật tố tụng hình sự quy định. Ở các nước trên Thế giới, Toà án làm nhiệm vụ ra các quyết định thi hành án chứ không phải cơ quan Thi hành án quyết định. Cơ quan Thi hành án chỉ có nhiệm vụ chấp hành và tổ chức thi hành các quyết định thi hành án của Tòa án. Theo tôi, vấn đề thi hành án hình sự phải gắn trách nhiệm của người xét xử bản án đó, kể cả miễn giám án thì Tòa án cũng quyết định. Chính vì vậy, quy định trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án hình sự là rất cần thiết!

PV: Theo bà, nên quy định thế  nào cho phù hợp với thực tiễn?

Bà  Lê Thị Thu Ba: Việc quy định liên quan đến nhiều vấn đề, ví như khi Tòa án có bản  án có hiệu lực thi hành thì Chánh án phải ra quyết định thi hành án, gửi các cơ quan có trách nhiệm thi hành và tuỳ theo loại đối tượng đó mà chấp hành hình phạt gì, thì gửi đến nơi chấp hành đó.

PV: Trong điều kiện hiện nay, nên thi hành án tử hình theo cách nào là  phù hợp, thưa bà?

Bà  Lê Thị Thu Ba: Trong nhiều năm qua, nước ta thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Với xu hướng thế giới đang dần bỏ hình thức tử hình, Việt Nam trong điều kiện hiện nay chưa bỏ được, nhưng phải nghiên cứu hình thức tử hình thế nào cho phù hợp, nhân đạo hơn. Tôi nghĩ rằng, thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc là phù hợp.

PV: Có nên quy định cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi của người bị thi hành án về mai táng không, thưa bà?

Bà  Lê Thị Thu Ba: Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang để Quốc hội thảo luận thêm. Theo tôi, nếu cho phép người thân của người bị thi hành án tử hình nhận tử thi về mai táng cũng là một cách đảm bảo quyền của thân nhân người bị tử hình, đồng thời đây là vấn đề phục vụ yêu cầu mang tính tâm linh của người Việt Nam. Nếu pháp luật quy định chặt chẽ, chỉ cho thân nhân người bị thi hành án tử hình nhận tử thi về an táng, chứ không được tổ chức tang lễ thì tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

      H.G