Dự án đường cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh: Gánh nặng tài chính “quá sức chịu đựng”

24/05/2010
Đó là nhận xét của đại biểu Quốc hội Đặng Văn Khanh (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác trong phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 21/5 về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Cần có quy hoạch tổng thể

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhất trí cao về chủ trương phải xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, bởi hiện nay các tuyến giao thông không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách, trong khi hệ thống đường sắt hiện có đã xuống cấp và không được đầu tư cải tạo nhiều. Tuy nhiên, đại biểu Loan cho rằng Chính phủ chỉ mới chú trọng đến quy hoạch giao thông mà chưa có quy hoạch tổng thể (mạng lưới giao thông đường sắt, thủy, hàng không, các khu đô thị, khu công nghiệp…). “Nếu quy hoạch giao thông liên hoàn với các khu vực khác sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư”. Đây cũng chính là lý do để bà Loan đề nghị xem lại phương án huy động vốn (hiện đề xuất là vay ODA và ngân sách nhà nước). Theo bà Loan, nếu thực hiện theo phương án kêu gọi đầu tư thì vấn đề về vốn sẽ được giải tỏa.

Đồng tình, đại biểu Đặng Văn Khanh cho rằng “gánh nặng về tài chính của dự án là “quá sức chịu đựng”, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu rất lớn (56 tỷ USD) mà phải mất 45 năm sau mới thu hồi được vốn.

Cũng cho rằng nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế chưa được làm rõ, ông Khanh đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thậm chí cả Ủy ban các vấn đề xã hội phải cùng vào thẩm tra dự án này để làm rõ các vấn đề về ngân sách, hiệu quả kinh tế, và cả để thăm dò dư luận.

Tuy nhiên, “nếu cứ lo gánh nặng ngân sách thì sẽ không thể làm được đường sắt cao tốc”, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác. “Quốc hội chỉ nên quyết định chủ trương đầu tư, còn tính toán căn cơ về các vấn đề cụ thể như vốn đầu tư, hiệu quả, phương thức làm nên giao cho Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp sau” ông Đào nói.

Cũng lưu ý vấn đề bội chi ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh cho rằng cần hết sức thận trọng khi đầu tư không dư nợ sẽ tăng cao. Ông Lịch đồng ý với kết luận của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường, trong đó có việc đề nghị Chính phủ giải trình, cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội những nội dung về hiệu quả kinh tế, tính khả thi của công tác quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch đô thị, quy hoạch của các tỉnh, thành phố; tính hợp lý trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư...

Tài chính có hạn, phải làm từng tuyến

Với khả năng tài chính, và điều kiện thực tế hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên xây dựng các tuyến có lượng hành khách lớn để giải quyết tình trạng quá tải. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, TP Hồ Chí Minh cho rằng đến năm 2020 nếu đưa vào sử dụng hai tuyến Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang là tốt nhất. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành toàn tuyến.

Nhiều đại biểu đồng tình với ông Tùng, tuy nhiên theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà thì do Chính phủ chưa làm rõ hiệu quả của hệ thống vận tải hiện có (đường sắt, đường bộ, hàng không), nên khó có thể tính đến một phương án tối ưu. “Trước đây chúng ta làm đường Hồ Chí Minh cũng đã tính toán đến hiệu quả kinh tế nhưng thực tế lưu lượng khách trên tuyến đường này rất ít”. Ông Hà đánh giá, “Với dự án này cần đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và các nhà khoa học”, ông Hà đề nghị.

Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì với dự án lớn như đường sắt cao tốc Hà Nội - Hồ Chí Minh thì không thể đầu tư đồng loạt toàn tuyến, cần thực hiện phân kỳ đầu tư từng đoạn tuyến cho phù hợp. Việc Chính phủ lựa chọn phương án 2 (đến năm 2020 cần đưa vào khai thác đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và đoạn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang) là hợp lý để giải quyết cơ bản yêu cầu vận tải hành khách ở 2 trung tâm lớn của đất nước. Sau đó đầu tư xây dựng tiếp đoạn tuyến Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến vào năm 2035.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường cũng cho rằng thực hiện theo phương án này cần chú ý tới việc điều tiết hợp lý với các loại phương tiện giao thông khác, gia tăng các đôi tàu phục vụ chuyên chở hành khách để tránh dồn ứ cục bộ tại Vinh và Nha Trang cũng như việc phát huy lợi ích toàn cục của Dự án.

Thu Hằng