Thường vụ Quốc hội thảo luận Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội: Nhiều đại biểu lo lắng…

12/05/2010
Hàng loạt vấn đề bức xúc trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được các thường vụ Quốc hội bàn thảo gay gắt trong phiên họp thứ 31 diễn ra hôm qua (11/5).

Trung tâm chính trị ở Ba Đình, Trung tâm hành chính ở Ba Vì!

Theo Đồ án được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân báo cáo trước UBTVQH, Trung tâm hành chính quốc gia tương lai sẽ đặt tại Ba Vì, còn Trung tâm chính trị (gồm Trụ sở Trung ương Đảng, nhà nước, Quốc hội) sẽ vẫn nằm ở Ba Đình. Chính phủ cũng dự kiến sẽ hình thành trục Thăng Long. Trục này với vai trò chính là trục giao thông phục vụ cho các loại phương tiện đi lại, được xây dựng kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến Quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây - Ba Đình. Đoạn đi qua chuỗi khu đô thị mới phía Đông dọc đường vành đai 4 sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc lập và hệ thống công viên cảnh quan… Kết thúc trục Thăng Long là khu vực đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hoá và sẽ có các khu dân cư.

Nhiều thường vụ tỏ rõ lo lắng với cách đặt vấn đề của Chính phủ.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng đặt câu hỏi. Trung tâm hành chính và trung tâm chính trị có gì khác nhau? Mối liên hệ giữa chúng thế nào? “Trung tâm chính trị đặt tại Ba Đình là đương nhiên rồi, nhưng Chính phủ chưa làm rõ cơ sở vì sao đặt Trung tâm hành chính ở Ba Vì”. Ông Vượng nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình đều băn khoăn khi Chính phủ “chia” ra hai Trung tâm và đặt ở hai vị trí khác nhau. Trong khi thực tế một số Bộ, ngành đang làm thủ tục xây dựng ở các vùng ven đô Hà Nội cũ (ví dụ Bộ ngoại giao đang xây dựng ở Mỹ Đình, Từ Liêm). Ủy viên thường vụ Lê Quang Bình cho rằng Trung tâm hành chính phải gắn với Trung tâm chính trị.

Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho biết: có ý kiến cho rằng, nếu đặt Trung tâm hành chính ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh. Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Ủy ban Kinh tế cũng nhận định Đồ án chưa thể hiện rõ nét sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay.

Cần có chính sách tài chính đặc thù

Theo tính toán, dự kiến Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Đồ án từ năm 2010 đến 2050  khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030, có từ 20 đến 30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, mặt khác trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng, do vậy cần làm rõ tính khả thi khi xây dựng tổng vốn xây dựng các hạ tầng khung của Hà Nội.

Nguồn lực tài chính để thực hiện Đồ án theo Chính phủ gồm hai nguồn chủ lực: đất nuôi công trình và đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển thì điều này thực sự đáng lo. Ông Hiển dẫn chứng: mỗi năm Hà Nội thu khoảng 72 ngàn tỷ, cứ cho là mỗi năm tăng thêm 15- 20% nữa thì tòan bộ số đó cũng không đủ để đầu tư. Còn “trông” vào ngân sách nhà nước hiện cũng không còn tích lũy. Nhiều công trình lớn của đất nước hiện cũng đang phải đi vay, không vay thêm được nữa. “nếu không có cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô thì nguồn ngân sách không thể lo đủ”, ông Hiển khẳng định.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, về nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng cần được tính toán kỹ hơn nữa trong Đồ án để đáp ứng các yêu cầu: Một là sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch; Hai là nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án cần đặt trong tổng thể cân đối vốn đầu tư của toàn quốc cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh v.v...).

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu: dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với thủ đô mà cả nước, do đó đừng vì tiến độ thời gian mà ảnh hưởng chất lượng. Đồng thời phải hạn chế tối đa sự lãng phí của cải của nhà nước và xã hội.

Thu Hằng

“Đừng biến Hà Nội thành “ốc đảo”

Một trong những vấn đề các thường vụ không đồng tình với Chính phủ là việc khống chế nhập cư vào thành phố (dân số chủ yếu tăng tự nhiên) giai đoạn từ năm 2010 đến 2020. Các ý kiến này lập luận quy định như vậy là biến Hà Nội thành “ốc đảo”, là ảo tưởng “Hà Nội là của riêng người Hà Nội”, trong khi thực tế lao động nông thôn đang “chảy” về Hà Nội làm nông nghiệp dịch vụ. Nếu có, nên chăng chỉ hạn chế nhập cư trong vùng “lõi” (nội đô), còn các vùng ven thì không có lý do gì để hạn chế nhập cư.