Dự thảo 4 Luật Thủ đô: Cần mạnh dạn hơn nữa

11/05/2010
Mới đây, Ban Soạn thảo Dự án Luật Thủ đô đã có phiên họp thứ 5 để cho ý kiến đối với dự thảo mới nhất của Luật. Theo nhận xét của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, dự thảo này đã có “bước tiến” dài song vẫn cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề nghị những cơ chế đặc thù.

Xử phạt nặng để quản lý

Đại diện thường trực Tổ Biên tập, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long khẳng định, cùng rất nhiều điểm mới, dự thảo 4 đã tập trung làm rõ một số mục tiêu cụ thể và chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, bao gồm cả “thoáng” hơn và “chặt” hơn. Chẳng hạn, đối với ngân sách nhà nước, Thủ đô được áp dụng định mức phân bổ ngân sách cao hơn các địa phương khác trong cả nước, được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt kế hoạch hàng năm để đầu tư. Về quản lý giao thông vận tải, dự thảo mới quy định thu phí lưu thông một số phương tiện giao thông, dự kiến là xe máy và ô tô, ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Hay trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú, dự thảo 4 cho phép Hà Nội áp dụng mức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn không quá 5 lần mức xử phạt chung cho cả nước…

Ghi nhận cố gắng lớn của Ban soạn thảo trong việc thể chế hóa các chính sách đặc thù cho Thủ đô, Bí thư Phạm Quang Nghị cũng nêu vấn đề: “Những gì Ban soạn thảo thấy cần phân cấp, phân quyền, thấy đặc thù, cần đề cao trách nhiệm thì nên mạnh dạn đề nghị”. Ông Nghị phân tích, một Nhà nước mạnh không phải chỉ ở cấp Trung ương mà phải ở cả 3 cấp địa phương. Nếu Trung ương phân cấp mạnh cho Thủ đô thì đó là cách để Trung ương tập trung vào những vấn đề vĩ mô đồng thời tăng tính chủ động cho Thủ đô. Thẳng thắn thừa nhận quản lý Nhà nước vẫn còn yếu kém nhưng ông Nghị quan niệm, xử phạt nặng như quy định của dự thảo 4 chính là một biện pháp quản lý chứ không phải thể hiện sự bất lực của các cơ quan Nhà nước.

Phải tăng cường giám sát

Điều 30 dự thảo 4 Luật Thủ đô quy định, định kỳ 5 năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chung việc thi hành Luật, còn Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc thi hành các quy định có liên quan. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND TP. Hà Nội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng nhận định, đây là một nội dung mới so với Pháp lệnh Thủ đô và rất cần Ban soạn thảo giải trình cụ thể để đạt sự đồng thuận cao. Theo ông Thắng, hoạt động giám sát về nguyên tắc tuân theo Luật Tổ chức Quốc hội nên phải có cách xử lý làm sao đảm bảo tính hài hòa. Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, quy định trên nằm trong Luật Thủ đô là không phù hợp.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo cho biết, ngoài quy định chung là định kỳ 5 năm, hoạt động giám sát theo Luật Thủ đô còn được diễn ra hàng năm và tiến tới có cả giám sát của nhân dân. “Pháp lệnh Thủ đô trải qua 9 năm thi hành rồi nhưng có ai giám sát đâu. Phải tăng cường giám sát, cũng là để Quốc hội yên tâm khi giao các đặc thù cho Thủ đô”, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Thục Quyên

Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô là phần thưởng: Theo dự thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có thể quyết định tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cho công dân Việt Nam không thường trú ở Thủ đô, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có công lao đặc biệt trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô. Tuy nhiên, ông Luyến băn khoăn, danh hiệu này liệu có “ổn” không khi vốn chỉ có khái niệm công dân của một đất nước, một quốc gia. Còn theo Ban soạn thảo, danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô chỉ là một phần thưởng.