Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng: “Sắp đặt” để kiểm soát!

11/05/2010
Tình trạng “nở rộ” văn phòng công chứng (VPCC) đã đặt ra nhiều vấn đề về xã hội, nên cần “vẽ được bản đồ CC” để “kiểm soát sự phát triển, thành lập, tồn tại của các tổ chức hành nghề CC”, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Trăm sự tại... thiếu quy hoạch

Trong khi quy hoạch chung tổ chức hành nghề CC chưa có thì mới chỉ có 33/63 tỉnh, thành phố có quy hoạch tổ chức hành nghề CC. Theo nhận định của bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp), nhìn chung, trên cả nước, các VPCC đang được “vô tư” thành lập.

Tại Hà Nội, dù đã trong tình trạng “chóng mặt” vì sự ra đời của các VPCC, thậm chí có cả những “phố CC” thì một “phong trào” nộp hồ sơ để được thành lập VPCC vẫn đang ngầm diễn biến “ghê gớm”, thậm chí đã có câu chuyện “mua bán những VP hoạt động yếu kém” do thiếu quy hoạch như lo ngại của ông Đặng Mạnh Tiến (Trưởng PCC số 4 Hà Nội).

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Đỗ Xuân Hòa cho biết, Bắc Ninh hoàn toàn đang “duy ý chí” khi quyết định “Nếu muốn thành lập tiếp phải đi vùng sâu vùng xa. Trước mắt “phủ kín” 2 tổ chức hành nghề CC/huyện, rồi tính tiếp”, cũng vì chưa có quy hoạch. Trong khi phải “kiềm chế” để TP.Bắc Ninh hay huyện Từ Sơn không có đến 4 VPCC/địa bàn, thì có những xã cách trung tâm huyện lỵ 20km thì muốn cũng chẳng có VPCC.

Ông Hòa quan niệm, miền núi là “địa chỉ đỏ” để xác định Nhà nước (các phòng CC) phải đảm trách nên PCC cần có “cơ chế mở” để không tăng biên chế, nhưng vẫn phục vụ được ở những địa bàn không được các VPCC “để ý đến”. Nhưng Trưởng PCC số 3 Hà Nội Tuấn Đạo Thanh lại cho rằng, xã hội hóa “không tạo mảnh đất màu mỡ cho VPCC. Không thể cứ để Nhà nước “ôm” Ba Vì, Sóc Sơn, còn Hoàn Kiếm, Ba Đình để VPCC “tung hoành”, mà nên hỗ trợ thành lập VPCC ở những địa bàn khó khăn

Không thể dựa vào doanh thu

Đó là quan điểm của “giới CC” về căn cứ để quy hoạch tổ chức hành nghề CC tại các địa phương. CC viên Nguyễn Tú (VPCC Nguyễn Tú) nhận thấy: “VPCC có mức thu khác nhau vì tự quy định theo luật, nên khó có thể xác định doanh thu, cũng như giữa doanh thu, công việc và nhu cầu CC không thực sự tương đồng”. Do đó, nếu căn cứ vào doanh thu 100-300 triệu thì nhiều quận ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... số tổ chức hành nghề CC sẽ tăng lên rất nhiều.

Tiêu chí doanh thu ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều vấn đề, khó xác định vì rất “vô cùng”. Có những tổ chức CC doanh thu cao dù lượng việc không nhiều hơn so với các tổ chức khác. Để hình dung nhu cầu thành lập tổ chức hành nghề CC trên mỗi địa bàn thì căn cứ chính xác nhất là lượng việc hàng năm của các tổ chức hành nghề CC, hệ thống các đơn vị ngân hàng, các văn phòng đăng ký nhà đất trên địa bàn đó.

Trưởng PCC số 2 Hà Nội Nguyễn Văn Hạnh cũng nhận thấy, lượng việc phản ánh khả năng CC viên, tổ chức hành nghề CC và nhu cầu CC ở địa phương, nhưng “cần tính đến đặc thù của một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM”.

Một thực tế đang diễn ra là các CC viên “chuyên nghiệp” có thâm niên (từng làm ở PCC) phải “đi làm thuê cho những CCV “chuyển ngành”. Hậu quả là xã hội phải gánh chịu là những CC viên chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp, thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi đạo đức nghề nghiệp của họ. Vì vậy, ông Nguyễn Tú cho rằng, nên ưu tiên các CC viên “chuyên nghiệp” thành lập VPCC trên cùng địa bàn, thời điểm thành lập./.

Huy Anh

Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng hệ tiêu chí quy hoạch tổ chức hành nghề CC, dự kiến tháng 6 sẽ hoàn thành, bao gồm:

- Tiêu chí về đơn vị quy hoạch: cấp huyện. Bảo đảm đến năm 2020, mỗi địa bàn cấp huyện có ít nhất 2 tổ chức hành nghề CC, những địa bàn có nhu cầu CC cao có không quá 5 tổ chức hành nghề CC.

- Tiêu chí về nhu cầu CC của xã hội.

Hoặc:

- Tiêu chí về doanh thu của tổ chức hành nghề CC theo nguyên tắc: nếu doanh thu trung bình của các tổ chức hành nghề CC hiện tại vượt quá 100 triệu đồng thì thành lập thêm 1 VPCC (không quá 5 tổ chức hành nghề CC/địa bàn cấp huyện).

- Tiêu chí về diện tích đơn vị quy hoạch (khoảng cách tối thiểu (3-5km) giữa trụ sở các tổ chức hành nghề CC trên cùng địa bàn).

- Tiêu chí về sự phân bố dân cư: đảm bảo tỷ lệ hợp lý người dân/tổ chức hành nghề CC.