Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Sẽ thông qua Dự án Luật Nuôi con nuôi

20/05/2010
Sáng nay, theo dự kiến chương trình, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, những tháng đầu năm 2010. Cùng đó là báo cáo của UBTWMTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội. Phiên khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Quy hoạch thủ đô: cần lắng nghe dân

Theo TWMTTQ Việt Nam, vấn đề quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch Hà Nội nói riêng cũng được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Cử tri cho rằng nhiều dự án, nhiều công trình trọng điểm quốc gia triển khai còn chậm, việc đầu tư chưa đồng bộ. Đặc biệt, nhiều cử tri rất quan tâm việc cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài của đất nước. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi phê duyệt đồ án.

Bên cạnh đó là Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh cũng được rất nhiều cử tri quan tâm, nhất là các vấn đề về sự cần thiết đầu tư dự án, giải pháp công nghệ, nguồn vốn đầu tư, di dân tái định cư, tác động của dự án đến môi trường tự nhiên….Cử tri kiến nghị Quốc hội cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án này.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, cử tri còn phản ánh tình trạng phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng còn diễn ra ở một số địa phương. Rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ở gia súc, nhất là dịch lợn tai xanh lan nhanh không kiểm soát kịp thời, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm nhưng các cơ quan chức năng xử lý chậm, xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm.

Đông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng.

Xem xét thông qua dự án Luật Nuôi con nuôi

Tại kỳ họp thứ 6 dự án luật nói trên đã được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự luật là về đối tượng và độ tuổi nhận làm con nuôi. Dự thảo hiện nay được chỉnh lý theo hướng quy định đối tượng được nhận nuôi về nguyên tắc là trẻ em dưới 16 tuổi; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu được cô cậu, dì, chú bác ruột hoặc bố dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi. Đồng thời, dự thảo quy định điều kiện của người được nhận làm con nuôi áp dụng chung đối với nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài.

Liên quan đến quy định về độ tuổi của người nhận nuôi con nuôi, dự thảo quy định: người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 25 tuổi trở lên; nếu nhận trẻ em dưới 6 tuổi thì người nhận con nuôi phải không quá 60 tuổi; đồng thời bổ sung quy định người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, người đang chấp hành hình phạt tù không được nhận con nuôi.

Dự thảo cũng dành điều luật quy định chuyển tiếp việc nuôi con nuôi thực tế. Theo đó, nếu việc nuôi con nuôi thực tế đáp ứng các điều kiện của luật thì sẽ được đăng ký trong thời gian sớm nhất, nhưng không kéo dài quá 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực; đồng thời giao Chính phủ quy định về thủ tục đăng ký cho thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân tại các vùng, miền.

Thu Hằng

Trong số 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do TWMTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tập hợp tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính, đó là về công tác xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội; Về việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát; Vấn đề lao động và việc làm; giáo dục, đào tạo, y tế và xã hội; Công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường; Về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.