Tầm nhìn trợ giúp pháp lý đến năm 2030: 40% dân số được miễn, giảm phí

13/05/2010
Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đang được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển TGPL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, TGPL phải trở thành công cụ hiệu quả và thuận tiện để giúp người dân có điều kiện kinh tế khó khăn và những người thuộc diện yếu thế khác trong xã hội bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có vướng mắc pháp luật.

Miễn, giảm phí TGPL cho 40% dân số

Dự thảo Chiến lược chia thành 2 giai đoạn với những mục tiêu rất cụ thể: Trong giai đoạn 2010-2020, 100% số người thuộc hộ nghèo được TGPL miễn phí khi có nhu cầu, đào tạo 2.000 luật sư công nhằm giải quyết được 60% nhu cầu TGPL của người dân… Còn tầm nhìn đến năm 2030, 40% dân số được TGPL miễn phí hoặc giảm phí và đội ngũ luật sư công lúc này đáp ứng tới 80% nhu cầu…

Tuy nhiên, đã có không ít băn khoăn về những mục tiêu trên của dự thảo Chiến lược. Bà Trần Thị Thúy (Trung tâm Thông tin - Thư viện - Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội) cho rằng cần thiết phải tổ chức nghiên cứu, điều tra, tính toán, cân nhắc kỹ và đánh giá tác động của các số liệu được ghi nhận trong Chiến lược. “Người dân đến với hoạt động TGPL thì họ phải hiểu về hoạt động này và quyền của họ. Vậy liệu có hợp lý không khi dự thảo Chiến lược đề xuất mục tiêu đến năm 2020 có 80% số người được TGPL biết về quyền được TGPL của họ và đến năm 2030, tỷ lệ đó đạt 90%”, bà Thúy thắc mắc.

Đồng tình, ông Hà Quan Giai (Sở Tư pháp Tuyên Quang) nhấn mạnh, các mục tiêu này sẽ không khả thi, nhất là đối với những tỉnh mà địa hình đi lại khó khăn. “Chẳng nói đâu xa, Quyết định số 792/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015 được ban hành ngày 23/6/2008 nhưng một số tỉnh còn chưa áp dụng, thực hiện được”, ông Giai thẳng thắn.

Thu phí TGPL hay không?

Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý khẳng định, dự thảo Chiến lược đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến phát triển mạng lưới Chi nhánh của các Trung tâm TGPL ở cấp huyện; tăng cường năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người thực hiện TGPL; mở rộng hợp tác quốc tế về TGPL… Để đảm bảo được các nội dung, dự thảo Chiến lược đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó đáng chú ý là giải pháp huy động nguồn vốn. Ngoài việc chú trọng đầu tư ngân sách nhà nước, tăng cường kêu gọi đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho Quỹ TGPL Việt Nam, dự thảo Chiến lược đề xuất phương án có thể thu phí một phần với nhóm đối tượng thuộc diện có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo

Ông Trần Ngọc Công (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An) tán thành việc thu phí một phần vì cho rằng đây là phương án linh hoạt, vừa mở rộng diện được TGPL vừa có thêm một khoản đóng góp cho ngân sách TGPL. Ông phân tích: “Nói nôm na, việc cung cấp dịch vụ pháp lý giá thấp sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với một bộ phận dân cư không nhỏ là những người có điều kiện khó khăn, thu nhập không đủ để được tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư”.

Ngược lại, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương Vũ Văn Tỉnh chọn giải pháp không thu phí mọi đối tượng thuộc diện được TGPL vì ở Việt Nam, đối tượng được TGPL rất đặc thù, bản chất TGPL thì gắn liền với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN. Bên cạnh đó, để thể hiện chính sách nhất của nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ TGPL từ khi ra đời, TGPL cần tiếp tục được phát triển với hình thức một loại hình dịch vụ công hoàn toàn miễn phí.

Hoàng Thư