Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiếu chế tài xử lý

26/05/2010
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào sáng qua (25/5).

Đồng ý với quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng tiết kiệm phải tính từ khâu lựa chọn thiết bị, nguyên liệu chứ không chỉ gói trong công đoạn sử dụng. “Cần quy định đây là điều kiện bắt buộc”. Ông Danh đề nghị. Riêng về quy trình dán nhãn năng lượng, ông Danh cho rằng cần có chế tài xử lý đối với hành vi không dán nhãn.

Đồng quan điểm, đại biều Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chỉ rõ: dự thảo “nặng” cơ chế khuyến khích mà thiếu chế tài xử lý, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. “Theo dự thảo, cơ sở sử dụng năng lượng có nghĩa vụ kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần nhưng chưa làm rõ cơ sở lý luận đây là “tần suất” hợp lý, mà không phải một năm một lần hay hơn nữa”, ông Hải đặt câu hỏi “Nếu không thực hiện kiểm toán thì cơ sở phải chịu trách nhiệm như thế nào?”

Riêng vấn đề  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các dự án đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, tại kỳ họp thứ 6, khi thảo luận dự án luật này, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể và rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, vì đây là những đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước và tiêu thụ nhiều năng lượng; các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đi đầu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, trong dự thảo Luật mới đã bổ sung thêm một chung quy định vấn đề nói trên.

Bình An