Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi

25/05/2010
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp đang là chủ trương lớn của Chính phủ. Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn TS.Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Tính được tiền tiết kiệm từ mỗi thủ tục hành chính

PV: Thưa ông, sau khi kết thúc giai đoạn II Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, các Bộ, ngành, địa phương đều công bố những con số rất ấn tượng, tiết kiệm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp. Ông có thể cho biết, những con số đó được tính trên cơ sở nào?

TS. Ngô Hải Phan: Trước hết, chúng ta phải tiếp cận vấn đề này trên cơ sở mục tiêu của Đề án 30 và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án. Thực hiện Đề án này, Thủ tướng giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, địa phương phải đơn giản hóa, kiến nghị đơn giản hóa được tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30. Đồng thời, đối với Bộ, ngành, Thủ tướng còn yêu cầu cắt giảm được 30% chi phí thuân thủ thủ tục hành chính.

Đối với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% quy định hiện hành về thủ tục hành chính, có 4 nội dung quan trọng đáng quan tâm. Một là, bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý và không hợp pháp. Hai là, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ba là, pháp lý hóa những thủ tục hành chính cần thiết hợp lý nhưng chưa hợp pháp. Bởi vì, trong thực tiễn, nhiều khi có những quy định trung ương ban hành nhưng khi xuống đến địa phương lại không phù hợp. Để giải quyết công việc nhanh, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thì địa phương có thể đặt ra những thủ tục hành chính mới - do đó, khi rà soát nếu chúng ta chứng minh được những thủ tục đó cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp thì phải kiến nghị cấp có thẩm quyền để pháp lý hóa những thủ tục hành chính này. Nội dung thứ tư là phải phân cấp việc thực hiện thủ tục hành chính hoặc áp dụng các biện pháp thay thế. Mục tiêu cuối cùng là giảm vòng quay của các hồ sơ, giảm thời gian giải quyết công việc cho người dân, cấp nào sát dân nhất thì giao cho cấp đó thực hiện.

Đáng mừng là tới nay các Bộ, ngành, địa phương đều chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết thúc giai đoạn 2, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tính trung bình, các Bộ, ngành đạt 81% việc kiến nghị đơn giản hóa, các địa phương đạt 66% kiến nghị đơn giản hóa. Con số này tính là trên tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành cũng như là trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương.

Về chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mà Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, không quá khó để người dân và doanh nghiệp có thể hiểu được số tiền có thể tiết kiệm được. Chi phí tiết kiệm được mà các Bộ, ngành công bố chính là chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính mà có được, chưa tính tới chi phí cơ hội, chưa tính tới cắt giảm chi phí cho phía cơ quan nhà nước.

Nói cụ thể hơn, từ một thủ tục hành chính, chúng ta có thể lượng hóa được để thực hiện thủ tục đó, người dân và doanh nghiệp phải chi bao nhiêu phí và lệ phí, hồ sơ yêu cầu bao nhiêu loại giấy tờ, có phải công chứng, chứng thực hay không, chi phí bỏ ra để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để thực hiện một thủ tục hành chính là bao nhiêu….Những công việc để hoàn thiện hồ sơ đó đều có thể lượng hóa được. Từ đó, chúng ta tính được nếu cải cách, bớt đi trong hồ sơ được bao nhiêu loại giấy tờ, giảm thiểu việc công chứng, chứng thực, bỏ đi những yêu cầu không cần thiết, giảm phí, lệ phí… thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho người dân và doanh nghiệp. Có thể hiểu một cách đơn giản như vậy về số tiền tiết kiệm mà các Bộ, ngành công bố sau khi kiến nghị phương án đơn giản hóa TTHC.

Theo tôi, cách tính này là đảm bảo tính khoa học và khách quan vì các Bộ, ngành tính toán dựa trên cơ sở tiếp cận cẩn trọng. Chẳng hạn, về số liệu để tính, chúng tôi yêu cầu các Bộ, ngành phải lấy số liệu trung bình về các đối tượng tuân thủ TTHC trong 3 năm liền nhau. Khi phỏng vấn các đối tượng về chi phí tài chính gián tiếp tuân thủ các yêu cầu, điều kiện thì phải lựa chọn số lượng đối tượng được phỏng vấn phải tương đối lớn, sau đó chia trung bình chứ không lấy số cao nhất và cũng không lấy số thấp nhất. Như vậy sẽ bảo đảm được tính chính xác và tính khả thi của việc tính toán.

PV: Có nghĩa là những con số nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp nhờ đơn giản hóa thủ tục hành chính hoàn toàn có thể trở thành hiện thực chứ không phải là con số tính toán trên giấy, thưa ông?

TS. Ngô Hải Phan: Kết thúc giai đoạn 2, các Bộ, ngành đã xây dựng được phương án đơn giản hóa. Vì vậy, thông tin mà các Bộ, ngành cắt giảm, tiết kiệm được số tiền về chi phí hành chính là trên cơ sở phương án đơn giản hóa mà các Bộ, ngành địa phương đưa ra và trên cơ sở hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách. Tôi tin chắc, khi phương án đơn giản hóa được triển khai và các thủ tục hành chính được sửa đổi theo phương án tối ưu thì chi phí mà người dân và doanh nghiệp bỏ ra sẽ giảm. Đây chính là việc tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Nhiều người vẫn chưa rõ số tiền tiết kiệm này có phụ thuộc vào thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức không?

TS. Ngô Hải Phan:  Không. Vì số tiền tiết kiệm được mà các Bộ, ngành công bố sau giai đoạn 2 là con số tính toán từ phương án đơn giản hóa TTHC và trên cơ sở các phương án này được thực thi thông qua việc bãi bỏ, hủy bỏ, sửa đổi các quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp. Trong việc này, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức là vế khác.

Gần 200 nghìn phương án đơn đang được xem xét

PV: Kết quả giai đoạn 2 khả quan như thế, liệu giai đoạn 3 của Đề án 30 có đơn giản khi thực hiện, thưa ông?

TS. Ngô Hải Phan: Chúng tôi cho rằng giai đoạn 3 là giai đoạn có rất nhiều khó khăn vì đây là giai đoạn đưa các phương án đơn giản hóa, các kiến nghị đó vào cuộc sống và người thụ hưởng Đề án 30 chính là người dân và doanh nghiệp. Nếu các TTHC đơn giản, thông thoáng, chi phí thấp thì chúng ta tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi để giải phóng sức lao động sản xuất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Hiện Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính đang cùng hơn 200 cán bộ của các Bộ, ngành, các luật sư và các chuyên gia xem xét gần 200 nghìn phương án đơn giải hóa TTHC được các bộ, ngành, địa phương kiến nghị sau khi hoàn thành việc tự rà soát (giai đoạn 2 của Đề án 30).

PV: Tại sao có con số khổng lồ như vậy về các phương án đơn giản hóa TTHC, thưa ông?

TS. Ngô Hải Phan: Có con số lớn như vậy vì hiện nay trong hơn 5.500 thủ tục hành chính thì có khoảng 2.500 thủ tục hành chính là do các Bộ, ngành đang trực tiếp thực hiện giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Còn lại gần 3.000 thủ tục hành chính được phân cấp cho các địa phương. Làm phép tính, cứ mỗi 1 thủ tục hành chính thì 63 địa phương lại có 63 phương án đơn giản hóa, nên chúng ta có tổng số gần 200 ngàn phương án đơn giản hóa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng tới ngày 30/5 này, chúng tôi sẽ chốt lại lần cuối phương án đơn giản hóa của trên 5.500 thủ tục hành chính và gửi về cho Bộ, ngành để hoàn thiện nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối quý II/2010. Đồng thời, chúng tôi sẽ đưa công khai các phương án này lên website của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cũng như Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Như vậy, sẽ có 30 ngày lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành.

PV: Người dân và doanh nghiệp là người hưởng lợi từ Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo ông, họ có cần phải lưu ý gì để góp phần cùng Chính phủ thực hiện chủ trương này?

TS. Ngô Hải Phan: Chúng tôi rất mong người dân quan tâm tới các phương án đơn giản hóa THHC mà chúng tôi công khai lấy ý kiến và chúng tôi cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp trực tiếp phản ánh lại với Tổ Công tác xem các phương án đó đã phù hợp chưa, nếu chưa phù hợp thì cần phải tiếp tục đơn giản hóa theo hướng nào, nếu cần cải cách sâu hơn thì có kiến nghị để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện. Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới sẽ chính thức có văn bản đề nghị và nêu rõ cách thức người dân, doanh nghiệp tham gia ý kiến về các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Theo dự kiến, đến ngày 30/6, chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa. Khi đó, mỗi một Bộ, ngành sẽ có một Nghị quyết về phương án đơn giản hóa của Bộ, ngành đó.

Quan trọng là tìm ra phương án tốt

PV: Như ông nói thì sẽ có trên 5.500 phương án đơn giản  hóa TTHC sẽ được công khai trong thời gian tới, liệu đó có là con số quá lớn cho những người quan tâm, góp ý?

TS. Ngô Hải Phan: Tôi cho rằng việc này cũng không quá khó khăn, người dân quan tâm đến phương án nào thì tham gia vào phương án đó. Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thì người ta quan tâm, góp ý vào các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, để sao cho thủ tục xuất nhập khẩu nhanh, xuất được nhiều lô hàng chẳng hạn. Rồi người liên quan đến sở hữu trí tuệ thì góp ý tới thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ… Tất cả phản hồi của người dân, doanh nghiệp sẽ được chúng tôi tiếp thu để chọn ra phương án tối ưu.

PV: Ông có cho rằng việc không hề đơn giản khi sửa nhiều thủ tục hành chính như vậy?

TS. Ngô Hải Phan: Đương nhiên thủ tục hành chính là quy định pháp luật của nhà nước, sửa cái đó phải đúng quy trình. Tôi cho rằng không quan trọng việc sửa phải nhanh chóng hay chậm trễ mà quan trọng là chúng ta phải tìm ra được phương án sửa tốt nhất. Có phương án tốt rồi chúng ta sửa thì mới mang lại lợi ích cho xã hội, chứ phương án của chúng ta không tốt thì chúng ta có sửa thì cũng tiếp tục phải sửa tiếp, cái đó mới là cản trở.

PV: Thực tế vẫn còn tình trạng chính sách ban hành mà chậm triển khai, Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ thông tư…, rất lâu sau các thủ tục hành chính thuận lợi mà người dân mong chờ mới được triển khai. Có giải pháp gì khắc phục không thưa ông?

TS. Ngô Hải Phan: Chúng tôi cũng đã nhìn nhận về vấn đề đó. Trong dự thảo Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính, chúng tôi nêu rõ yêu cầu 1 thủ tục hành chính phải có bao nhiêu bộ phận cấu thành thì trong Nghị định của Chính phủ phải quy định gần như đầy đủ. Trừ trường hợp một số quy định đặc thù mới giao cho Bộ, ngành, địa phương quy định. Như thế sẽ hạn chế tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư..

Tôi tin rằng sau khi giai đoạn 3 Đề án 30 kết thúc, người dân và doanh nghiệp sẽ thấy rõ những lợi ích mà quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính mang lại.

Pv: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy