Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Chất lượng “mời gọi” khách hàng!

26/05/2010
Đó là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về một số vấn đề còn chưa thống nhất trong dự thảo Luật Trọng tài thương mại (TTTM) tại hội trường chiều ngày 24/5.

Đa số các Đại biểu tán thành báo cáo thẩm định của Uỷ ban Tư pháp đối với dự thảo Luật TTTM. Tuy nhiên, Đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) đề nghị bỏ qui định Tòa án cấp trên yêu cầu xem xét lại phán quyết trọng tài theo thủ tục giám đốc thẩm, còn  Đại biểu Lê Văn Công (TP.Cần Thơ) đề nghị giao quyền cho trọng tài viên (TTV) hay Hội đồng trọng tài được thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giống như Chủ tọa phiên toà.

Các Đại biểu Quốc hội còn bàn nhiều về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp của trọng tài, tăng tính “hấp dẫn” của phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng này, giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài, quản lý nhà nước về trọng tài, tiêu chuẩn TTV…

Huy Anh

Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Chú trọng đến nâng cao năng lực Trọng tài viên

“Xu hướng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiện nay ở nước ta là lựa chọn TTV là người nước ngoài vì năng lực TTV trong nước còn yếu. Rất may là qua 5 năm thi hành Pháp lệnh TTTM chất lượng TTV được nâng lên.

Vì vậy, khi xây dựng Luật TTTM, chúng tôi rất chú trọng đến nâng cao năng lực TTV nên đã bàn với một số tổ chức quốc tế: trọng tài London, HongKong, Singapore… Họ cũng đặt vấn đề hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng TTV. Nhưng vấn đề là Nhà nước nên khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Hiện đã có 7 trung tâm trọng tài, sắp tới sẽ có Hiệp hội trọng tài. Riêng Hội Luật gia cũng có ý định thành lập Viện Trọng tài để chuyên sâu đào tạo, nâng cao trình độ TTV và có những trung tâm cần thiết theo luật định để góp phần giảm gánh nặng của TA khi giải quyết các tranh chấp vừa tốn kém, vừa kéo dài.

Bên cạnh đó, để phát triển đội ngũ TTV, chúng tôi đã làm việc với Singapore. Tại đây có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học trọng tài sẵn sàng về nước hoặc cộng tác với các trung tâm trọng tài ở Việt Nam. Hy vọng với kinh nghiệm đã học và tiếp thu ở nước ngoài họ sẽ đóng góp tích cực hơn, góp phần nâng cao chất lượng TTV, hoạt động trọng tài của nước ta.

Để sớm đi vào cuộc sống, dự kiến Hội Luật gia sẽ mở nhiều lớp tập huấn, mời các chuyên gia nước ngoài sang, nâng cao chất lượng TTV. Đối với các trung tâm trọng tài thì sau khi có luật phải tuyên truyền giới thiệu cho các doanh nghiệp, phải làm tốt một số vụ việc để tạo niềm tin vì  không thể bắt ép chọn trọng tài.

VCCI có vai trò rất lớn, nắm đội ngũ doanh nghiệp, sẽ khuyến khích cho doanh nghiệp lựa chọn hình thức trọng tài (qua Trung tâm trọng tài quốc tế - VIAC, đặt cạnh VCCI) để giải quyết tranh chấp. Nhờ đó có thể mở đường cho việc phát triển hình thức trọng tài trong thực tế”.