Pháp điển quy phạm pháp luật: Tiện lợi và không thay thế văn bản gốc

26/05/2010
Để tạo thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng, thi hành pháp luật, việc pháp điển các quy phạm pháp luật của Việt Nam đang được tính tới. Tuy nhiên, những quy phạm nào sẽ được pháp điển, Bộ pháp điển có giá trị đến đâu… là những câu hỏi rất cần được trả lời.

Không quy định “cứng” chủ đề

Theo dự thảo ban đầu của Pháp lệnh Pháp điển quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp được giao chủ trì, có khoảng 54 chủ đề pháp điển như bầu cử, bộ máy nhà nước, xây dựng thể chế, đầu tư và đấu thầu, hải quan, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án… Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung các chủ đề trong Bộ pháp điển.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Nguyễn Văn Cường phân vân, trong trường hợp các lĩnh vực đan xen lẫn nhau thì các quy phạm sẽ phải xử lý ra sao, đưa vào chủ đề nào. Vì vậy, theo ông Cường, chủ đề pháp điển có thể nhiều hơn, chứ không nên ấn định dừng lại ở con số 54 cho dù “mở” thẩm quyền bổ sung của Ủy ban thường vụ Quốc hội. PGS - TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nghi ngại, nếu chỉ có từng ấy chủ đề và chỉ pháp điển những quy phạm thì sẽ không toàn diện. Chẳng hạn, Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội sẽ được xếp vào đâu.

Khẳng định việc quy phạm pháp luật phải được sắp xếp theo chủ đề nhưng Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho rằng, đặc thù của Việt Nam hiện nay là mới bắt tay làm Bộ pháp điển đầu tiên trong khi có rất nhiều văn bản mới ban hành cũng như sửa đổi, bổ sung. Pháp điển được hết hàng chục chủ đề trên là quá tốt nhưng e quá đồ sộ. Nên chăng tính toán nhu cầu xã hội để xây dựng các chủ đề thiết thực và hiệu quả.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tán thành phải cân nhắc xem liệu có đưa hơn 50 chủ đề pháp điển trên vào Pháp lệnh không. Để tránh tình trạng “lạc hậu”, Bộ trưởng đề nghị chỉ đưa ra các tiêu chí xác định chủ đề pháp điển trong Pháp lệnh rồi giao lại cho Chính phủ.

Mới dừng ở pháp điển hình thức

Dự thảo Pháp lệnh nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc pháp điển là không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển. Bà Nguyễn Thị Hạnh (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ pháp điển của các nước như Mỹ, Pháp tuy có xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy phạm nhưng chỉ là chỉnh sửa câu chữ rườm rà, chứ không đi vào nội dung vốn rất phức tạp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định, về giá trị pháp lý, Bộ pháp điển không phủ nhận và không thay thế văn bản gốc.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, nếu như vậy thì việc thực hiện pháp điển sẽ không đem lại nhiều ý nghĩa xã hội. Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Mạnh Cường nhất trí việc xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam chủ yếu là theo hình thức. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng không sửa đổi về mặt nội dung song vẫn phải hài hòa về hình thức và chỉnh sửa các điều không phù hợp với nhau. Bởi thế, ông Nguyễn Mạnh Cường mong muốn, Bộ pháp điển của Việt Nam phải có một giá trị pháp lý nào đó, và để có giá trị pháp lý thì Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thông qua Bộ pháp điển

Thục Quyên

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Pháp điển quy phạm pháp luật sẽ là bước đột phá lớn”

“Tôi cho rằng, pháp điển quy phạm pháp luật là một việc hệ trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội. Hiểu một cách đơn giản, chúng ta có thể đạt được nhiều hiệu quả thông qua 1 công việc. Chẳng hạn, để phục vụ pháp điển, đương nhiên chúng ta phải tiến hành rà soát hệ thống quy phạm pháp luật, từ đó phát hiện, đề xuất xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn của quy phạm pháp luật. Nếu làm được việc này, tôi cho rằng đó sẽ là một bước đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, tạo ra một bước ngoặt trong nền nếp xây dựng pháp luật. Có lẽ khi đó, Quốc hội không phải “khổ” như hiện nay là thỉnh thoảng lại phải mang luật ra sửa. Hơn nữa, thông qua sắp xếp, tổng rà soát, chúng ta có thể kiến nghị “phát quang”, “làm sạch” hệ thống pháp luật hiện hành. Một hiệu quả nữa mà tôi cho rằng cũng cần nhấn mạnh là việc pháp điển quy phạm pháp luật sẽ là bước nối tiếp Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Rõ ràng, trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, việc pháp điển quy phạm pháp luật là rất cần thiết và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cả về kinh tế cũng như xã hội”.

H.Thúy