Giới thiệu tóm tắt về đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang

29/03/2010
Giới thiệu tóm tắt về đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang
Văn phòng Bộ Tư pháp xin giới thiệu tóm tắt về sự hình thành và chủ chương đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử địa điểm Bộ Tư pháp tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên quang để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tư pháp được biết các nội dung cơ bản về Khu Di tích, trên cơ sở đó tạo điều kiện ủng hộ kinh phí để Bộ Tư pháp có đủ điều kiện tốt hơn cho việc xây dựng Khu Di tích, góp phần gìn giữ, tôn vinh, giáo dục truyền thống lịch sử của ngành Tư pháp Việt Nam.

          1. Lịch sử hình thành Khu Di tích 

          Từ cuối năm 1946, cách đây hơn 60 năm, Bộ Tư pháp đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhiều Bộ, ngành Trung ương rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuyên Quang là địa danh đã từng vinh dự được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chọn làm Trung tâm cách mạng của cả nước, và đã được đồng bào cả nước gọi là "Thủ đô kháng chiến".  Đây cũng là nơi Bộ tư pháp đặt trụ sở làm việc (giai đoạn 1949 - 1951) và cũng là nơi mà các thế hệ cán bộ Ngành tư pháp vinh dự, tự hào là đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền Cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng một nền tư pháp của một nước độc lập, dân chủ.

          Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp và nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của Bảo tàng ATK, các Cụ lão thành Cách mạng, các nhân chứng lịch sử và cấp uỷ, chính quyền địa phương tiến hành lập hồ sơ Khu Di tích và đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định công nhận là Di tích quốc gia. 

          2. Chủ trương của Bộ tư pháp về xây dựng Khu Di tích          

          Để xây dựng, tôn tạo Khu Di tích xứng tầm quốc gia, góp phần gìn giữ, tôn vinh, giáo dục truyền thống lịch sử của Ngành, đồng thời là cơ hội tốt để mỗi cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được vinh dự thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình đối với sự phát triển của Ngành tư pháp Việt Nam, ngày 13/10/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2270/QĐ-BTP phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Khu Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chủ trương xây dựng Khu Di tích đã và đang được cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trên cả nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và cấp uỷ, chính quyền,  nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương nhiệt tình ủng hộ bằng cả tấm lòng và trách nhiệm, thể hiện sự tôn vinh vị thế Ngành tư pháp trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.   

          3. Lộ trình và quy mô đầu xây dựng 

          Theo lộ trình, Bộ Tư pháp sẽ từng bước xây dựng, tôn tạo từng hạng mục, phù hợp với lịch sử và truyền thống của Ngành, có tính đến việc hỗ trợ về công trình phục vụ thiết thực cho đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Trước mắt trong tổng thể xây dựng giai đoạn 2010, Bộ Tư pháp có chủ trương xây dựng một số hạng mục chính gồm:

          - Quy hoạch tổng thể mặt bằng với diện tích 5.049 mét vuông;

          - Xây hạng mục nhà bia trung tâm với cốt nền 45,15m, một tầng, hai mái, bia di tích của Bộ;

          - Nhà khách hai tầng với tổng diện tích 298 mét vuông;

          - Sân hành lễ với diện tích 825 mét vuông;

          - Đường lên sân hành lễ;

          - Tường rào, cổng;

          - Trồng cây xanh;

          - Xây dựng đập tràn qua Suối Lê (công trình ủng hộ phục vụ cho giao thông đi lại của nhân các dân tộc xã Minh Thanh, khắc phục khó khăn trong mùa mưa, lũ).  

          4. Kinh phí xây dựng Khu Di tích 

          Tổng kinh phí cho các hạng mục trên ước tính theo dự toán đã được phê duyệt gần 7 tỷ đồng. (nguồn kinh phí này chủ yếu là kinh phí huy động đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành Tư pháp và các tổ chức cá nhân trong nước, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ theo quy định của Luật di sản văn hoá)

          Trong thời gian qua, sau khi có công văn kêu gọi ủng hộ của Bộ tư pháp, bước đầu Văn phòng Bộ đã nhận được kinh phí ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tư pháp với số tiền (khoảng gần một tỷ  đồng). Trong đó: Tổng công ty thuốc lá Việt Nam là đơn vị thành viên của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã ủng hộ 20 triệu đồng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ 200 triệu đồng.  

          Hiện nay, công trình đang được giao cho Văn phòng Bộ Tư pháp làm chủ đầu tư và giao cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư xây lắp và thương mại 36 thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, tôn tạo các khu di tích tổ chức thi công để kịp thời chào đón sự kiện 65 năm ngày truyền thống Ngành tư pháp; Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ III và các ngày lễ lớn của đất nước. Với ý nghĩa to lớn đó, Bộ Tư pháp tin tưởng sẽ nhận được sự giúp đỡ đầy tình cảm và trách nhiệm của các Tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tư pháp để công trình xây dựng khu Di tích lịch sử địa điểm Bộ Tư pháp sớm được đưa vào sử dụng.

Văn phòng Bộ Tư pháp