Chất vấn tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Nhiều Bộ trưởng nhận “lỗi”

22/03/2010
Giá điện, than, xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng, các vấn đề về an toàn lao động, quản lý chung cư, quy hoạch; xung quanh giải quyết các vụ án oan sai, đào tạo thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử…là những vấn đề được đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn trong ngày 19/3.

Điện sẽ không tiếp tục tăng giá trong năm 2010

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là người “mở màn” trong phiên chất vấn. Báo cáo trước phiên họp, Bộ trưởng cho biết: CPI 2 tháng đầu năm tăng ở mức hợp lý, trong tầm kiểm soát”.

Riêng về giá điện, từ 01/3/2010 thực hiện điều chỉnh giá điện, điều chỉnh giá than bán cho điện nhưng sau khi điều chỉnh, giá than bán cho điện cũng mới chỉ bằng 79-86% của giá thành, bằng 60% so với giá thị trường. Bộ trưởng Ninh khẳng định “Từ nay đến hết năm 2010, không điều chỉnh giá điện”.

Về giá xăng, Bộ trưởng cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp cần kịp thời giảm giá nếu giá trên thế giới giảm. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu cần tính toán khoảng cách giữa các lần điều chỉnh giá để tạo sự đồng thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, theo quy định hiện tại, một số doanh nghiệp được phép quyết định giá thành. Trong đó có Petrolimex (doanh nghiệp chiếm tới 70% thị phần). Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn DN này đã tăng giá 4 lần. “liệu có tạo ra vừa độc quyền vừa tự quyết định giá” ông Hiển chất vấn.

Bộ trưởng Ninh cho rằng việc tăng giá là phù hợp với diễn biến thị trường, và Bộ Tài chính đã có kiểm tra, còn độc quyền hay không phải xem nhiều góc độ.

Kết thúc chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý: giá cả có tính tác động liên hoàn, giá than tăng thì giá điện tăng, tác động đến giá các mặt hàng khác. Việc điều chỉnh giá phải cân nhắc mức độ và thời gian cho phù hợp.

“Không thể kiểm tra hết các công trình xây dựng”

Mở đầu chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, đại biểu mã Điền Cư (Quảng Ngãi) mở đầu: theo báo cáo của Bộ Xây dựng 5 năm gần đây các vụ tai nạn trên các công trường rất lớn, có năm chiếm trên 51%. “Nguyên nhân thì nhiều nhưng tôi chưa thấy nêu trách nhiệm của Bộ Xây dựng, đặc biệt trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng”

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận tai nạn lao động còn nhiều dù Bộ đã ban hành hàng ngàn quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn lao động. “Hiện nay với 2 cấp quản lý, vấn đề xây dựng lại diễn ra ở cơ sở (cấp huyện) mà mỗi huyện chỉ có 1 người,  kiểm tra không xuể”, Bộ trưởng giải trình. Lấy ví dụ vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra ở tòa nhà Keangnam, Bộ trưởng phân trần “trách nhiệm của những vụ việc trên thuộc về nhà thầu chính (Keangnam) nhưng đến nay sau hàng loạt vụ việc xảy ra vẫn chưa xử lý được ai “Tôi cảm giác có vấn đề trong chế tài”.

Đại biểu Mã Điền Cư chưa bằng lòng: đề nghị Bộ trưởng nói rõ những hạn chế yếu kém trong việc xây dựng và ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng “bồi” thêm “tôi chưa thấy bóng dáng trách nhiệm của cơ quan quản lý”

 Trước cật vấn ráo riết của các đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận: “tôi còn nhiều cái kém”

Chia lửa với Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn hơn: Việc kiểm tra, thanh tra hiện mới chỉ tập trung một số công trình trọng điểm, vì các cơ quan nhà nước chưa đủ năng lực, con người để làm, “nhiều vụ xảy ra hậu quả rồi mới có mặt cơ quan chức năng”.

Với con số 75% nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động là do lỗi của chủ sử dụng lao động, Bộ trưởng Ngân cho rằng phải tăng cường quản lý nhà nước, rà lại các quy định và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nhất là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động.

Riêng về an toàn cho các chung cư, trước câu hỏi của nhiều đại biểu về hàng loạt vụ cháy nổ trách nhiệm của Bộ Xây dựng ra sao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: vấn đề chính là chủ các công trình không tuân thủ các quy chuẩn xây dựng. Ví dụ vụ cháy JSC ở Hà Nội, hệ thống khói làm bằng vật liệu nhựa, trong khi theo quy định tuyệt đối cấm. “Các ngành cần tăng cường kiểm tra để có biện pháp xử lý”.

Cần “mạnh tay” với án tuyên không rõ

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình là người trả lời chất vấn cuối cùng xung quanh các vấn đề nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán; Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp và thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của TAND.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Ủy ban Tư pháp Quốc hội chất vấn: nhiều vụ do Hội đồng thẩm phán đã xét xử nhưng sau đó mới phát hiện sai lầm, TATC có chỉ đạo và kiến nghị về vấn đề này không.

Trả lời, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận thực tế có các vụ việc đó, dù không nhiều (chỉ có 2 vụ). Theo quy định không còn cấp nào để xem xét. Tuy nhiên, đảm bảo quyền lợi cho công dân, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tối cao cũng sẽ đề nghị có một cơ chế xem xét lại các vụ việc này.

“Truy” về các vụ án tuyên không rõ, không khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba quyết liệt “Tại kỳ họp Quốc hội trước, Chánh án có hứa sẽ ngồi lại với các ngành liên quan để giải quyết tình trạng này, giờ đã làm đến đâu?”

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: trong Hội nghị triển khai công tác năm của ngành Tòa án đã có kế hoạch, hiện đang chỉ đạo Tòa án địa phương phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, VKS cùng cấp để phân loại, xử lý “Cái nào giải thích được, Tòa sẽ làm, còn nếu sai phải xem lại bản án” ông Bình tỏ thái độ kiên quyết.

Kết luận ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã có nhiều cố gắng trong trả lời, tập trung vào những bức xúc được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, các Bộ trưởng cần phải nỗ lực trong việc thực hiện các chủ trương, biện pháp đã đề ra.

Thu Hằng