Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Nuôi con nuôi: Băn khoăn việc thu “chi phí”

19/03/2010
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Nuôi con nuôi. Hôm qua 18/3, trong phiên họp thứ 29, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về những nội dung lớn sau khi Dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Phải hơn con nuôi 25 tuổi

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình phương án khoảng cách tuổi giữa người nhận nuôi và con nuôi là 20. Tuy nhiên, khi thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị nâng khoảng cách này lên 25 hoặc 30 tuổi để đảm bảo “an toàn”.

Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong điều kiện chất lượng cuộc sống nâng lên, người dân có xu hướng lập gia đình muộn như hiện nay thì tuổi của người nhận con nuôi cần được quy định cao hơn để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc nhận con nuôi. Bên cạnh đó, để bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt con nuôi, việc quy định tuổi tối đa của người nhận con nuôi là cần thiết, đặc biệt là khi nhận trẻ em còn nhỏ tuổi làm con nuôi. Tham khảo pháp luật về nuôi con nuôi một số nước cũng có quy định về vấn đề này.

Đo đó, Dự thảo mới đã quy định người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 25 tuổi trở lên; nếu nhận trẻ em dưới 6 tuổi thì người nhận con nuôi phải không quá 60 tuổi.

Dự thảo cũng bổ sung các  trường hợp không được nhận con nuôi: đó là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Người đang chấp hành hình phạt tù; Người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác…

Thu chi phí, sợ “biến tướng”

Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong buổi thảo luận về Dự án luật nêu trên là vấn đề quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Theo Dự thảo Luật, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài bao gồm: Chi phí cho việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi; Chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi; Chi phí làm hồ sơ, công chứng, chứng thực, dịch thuật, thủ tục hộ chiếu, visa, xuất nhập cảnh cho người được nhận làm con nuôi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc Hội Trần Đình Nhã băn khoăn: chi phí cho việc giới thiệu giống như là chi phí môi giới.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng chung lo lắng: thu chi phí giới thiệu mà người giới thiệu lại là Sở Tư pháp, như vậy nghĩa là cơ quan nhà nước đứng ra thu tiền này, như vậy không ổn. Thực tế, ông Vượng nhấn mạnh: nếu không làm chặt sẽ rất dễ bị lợi dụng để mua bán trẻ. Còn chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc… đối với những trẻ ốm đau, tật nguyền sẽ không nhỏ, nhưng cứ kê ra từng khoản mà thu thì sẽ không phù hợp với chủ trương nhân đạo của việc nuôi con nuôi.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình: nếu không “kê” cụ thể các khoản chi phí mà gộp lại thành “chi phí khác” thì càng thấy không minh bạch. Bà Mai cho rằng nếu Sở Tư pháp giới thiệu thì không nên thu khoản tiền “giới thiệu con nuôi”.

Nhiều thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn chuyện thu các khoản chi phí như Dự thảo luật dễ gây biến tướng, không thể kiểm soát.

Trước những ý kiến trái chiều của các thường vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi giải trình thêm về vấn đề này đã khẳng định: các quy định trong dự thảo là phù hợp với Công ước La Hay và thông lệ quốc tế (Công ước La Hay cho phép được thu 5 loại chi phí -NV). Bộ trưởng cũng cho biết thêm: năm 2009 có gần 1 ngàn trẻ được nhận làm con nuôi nước ngoài. Trước đây khi một số nước chưa chấm dứt Hiệp định với ta, cao điểm mỗi năm có 4,5 ngàn trẻ được nhận làm con nuôi người nước ngoài. Bộ trưởng cho rằng: không thu “chi phí” là lý tưởng, nhưng nếu không thu thì rất khó duy trì hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng (thời gian qua nhiều cơ sở đã phải ngừng hoạt động vì không có nguồn tài chính) và thiệt thòi cho trẻ sau này. Người đứng đầu Bộ Tư pháp đề nghị: nếu không liệt kê quá tủn mủn thì cần một quy định mang tính khái quát. Còn thu những khoản gì giao Chính phủ quy định theo hướng thật rõ ràng minh bạch.

Kết thúc buối thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu: phải rà soát lại xem cần phải thu những chi phí gì để cụ thể hóa, tránh gây hiểu lầm nhưng cũng bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn hiện nay.

Thu Hằng