Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII: Sẽ xem xét Đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội

17/03/2010
Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Cùng ngày, thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội: tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 12 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến vào 10 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn và một số vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp thứ bảy, được dự kiến sẽ làm việc trong 29,5 ngày, khai mạc ngày 20/5/2010.

Về tiến độ chuẩn bị các dự án luật, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn cho biết, đối với 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội. UBTVQH đã cho ý kiến sơ bộ tại các phiên họp. Đến nay đã có 6 dự án luật được gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tổ chức thảo luận tại địa phương (trong đó có Luật Nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo)

Đối với 2 dự án luật, 2 Nghị quyết và 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến sẽ trình UBTVQH trong phiên họp 29 và 30 tuy nhiên có 11 dự án luật do chưa được Chính phủ cho ý kiến nên sẽ khó đảm bảo việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi về họp.

Đối với các nội dung khác, Văn phòng Quốc hội cho biết đang khẩn trương chuẩn bị. Tuy nhiên, để chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương trong việc chuẩn bị các dự án, đặc biệt là dự án Luật Biển Việt Nam và Luật Thủ đô; khẩn trương hoàn chỉnh việc chuẩn bị Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Trước đề nghị bổ sung hai đồ án và đề án nói trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý: đây là những vấn đề trọng đại do đó nên giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường chủ trì và phải báo cáo trực tiếp. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, 2 nội dung này nên đưa ra thảo luận ở Hội trường; về chất vấn và trả lời chất vấn, ông cho rằng, không nên dừng lại ở việc cử tri hỏi gì, trả lời ra sao mà phải tiến xa hơn là tính khả thi của các lời hứa.

Cho rằng, kỳ họp tới sẽ là kỳ họp rất “nặng”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình nêu ý kiến: cần rà soát lại các dự án để quyết định có trình ra Quốc hội hay không, tránh việc vì “chạy” tiến độ mà đưa những dự án kém chất lượng. Ông Bình cũng lên tiếng về cách thức thảo luận tổ mà ông cho là cần xem lại trong nhiều kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Kết thúc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Thu Hằng

12 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ bảy gồm:

Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Thi hành án hình sự; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn thực phẩm; Luật Trọng tài, Luật Bưu chính; Luật Thủ đô, Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội chủ trương đầu tư và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

10 dự án luật cho ý kiến lần đầu bao gồm: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Viên chức, Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đầu tư công.