Pháp luật về khoáng sản trên thế giới và khu vực: Vẫn ít quan tâm đến “quyền lợi” của môi trường

10/03/2010
Khác với nhiều vấn đề khác, khoáng sản được coi sự ưu đãi mà thiên nhiên chỉ dành cho một số quốc gia nhất định tùy theo điều kiện địa lý, địa chất. Vì thế, nên đạo luật về khoáng sản không phải quốc gia nào cũng có. Ở một số nước có tiềm năng khoáng sản dồi dào như Canađa, Úc, Philippin, Chilê, Trung Quốc..., pháp luật về khoáng sản rất hoàn thiện và được chú trọng. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý báu để các nhà làm luật Việt Nam tham khảo trên bước đường sửa đổi Luật Khoáng sản của mình.

Quyền tự do khai khoáng được đảm bảo

Năm 2008, một cuộc điều tra quy mô rộng đã phát hiện ra rằng các quy định và chính sách về khai khoáng của Quebec (Canađa) được coi là hấp dẫn nhất thế giới. Sở dĩ có kết luận như thế bởi vì, Luật Khai khoáng Quebec tuân theo nguyên tắc “tự do khai khoáng”. Nguyên tắc này quy định rằng bất cứ ai quan tâm đều có thể tiếp cận với các nguồn khoáng sản bất kể năng lực hay khả năng tài chính của người đó như thế nào. Nguyên tắc này cũng cho phép người đầu tiên xin phép được độc quyền khai thác và bảo đảm cho người đó được quyền khai thác các mỏ khoáng sản tìm thấy với một số điều kiện nhất định. Theo Luật Khai khoáng Quebec, quyền và giấy phép khai thác khoáng sản cho phép người sở hữu giấy phép được độc quyền thăm dò, khảo sát và khai thác bất cứ khoáng chất nào trong một khu vực nhất định, trừ một số loại như dầu, khí...Sau khi thăm dò, nếu phát hiện khoáng sản, chủ sở hữu giấy phép được quyền khai thác khoáng sản đó với một số điều kiện và phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Thời hạn hiệu lực được quy định là 2 năm đối với quyền và 5 năm đối với giấy phép khai thác khoáng sản.

    Cách đây 15 năm, năm 1995 Philippin đã thông qua luật khai thác khoáng sản mới. Tuy được đánh giá là quốc gia đứng thứ 5 trong số các nước có nhiều khoáng sản nhất trên thế giới nhưng môi trường luật pháp và chính sách của Philippin lại bị chỉ trích rất nhiều vì tính không nhất quán trong luật và tính không chắc chắn liên quan đến áp dụng các điều khoản của luật. Cụ thể, Luật Khai khoáng Philippin quy đinh rằng cả đất công và đất tư, kể cả đất rừng đều có thể được đưa vào khai thác mỏ. Thế nhưng điều khoản trên đã bị chỉ trích rằng luật dường như cho phép thực hiện các hoạt động khai khoáng trên toàn bộ diện tích đất nước không loại trừ cả các khu vực được coi là thiết yếu về sinh thái. Giấy phép thăm dò ở Philippin được cấp với thời hạn 2 năm và có thể gia hạn. Luật quy đinh rằng, giấy phép thăm dò sẽ đảm bảo cho chủ giấy quyền vào, chiếm giữ và thăm dò khu vực liên quan. Tiếp theo trong phần này, luật lại quy định chủ giấy phép thăm dò có thể xin ký một hợp đồng phân chia sản phẩm, hợp đồng liên doanh...đối với diện tích được cấp phép. Theo nhiều chuyên gia, cách diễn đạt này không nói gì đến độc quyền nào liên quan đến thăm dò, chính vì vậy mà sự độc quyền thăm dò không được khẳng định rõ ràng

Chỉ được ưu tiên chứ không được độc quyền

   Là quốc gia láng giềng với Việt Nam, pháp luật về khoáng sản của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu. Trước hết, lĩnh vực khai thác mỏ của Trung Quốc được đặc thù bởi sự can thiệp khá lớn của Nhà nước trong các hoạt động khai thác và thăm dò khoáng sản của các công ty nhà nước. Tình hình này có căn nguyên xuất phát từ pháp luật tài nguyên khoáng sản Trung Quốc quy định rằng tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản đều thuộc về sở hữu nhà nước và sự thay đổi về quyền sở hữu đất trên đó có khoáng sản cũng không hề ảnh hưởng gì đến sự sở hữu khoáng sản vì chúng luôn thuộc về nhà nước.

   Trong pháp luật về khoáng sản của Trung Quốc quyền khai thác cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, điều luật quy định rằng chủ giấy phép “có quyền tiến hành hoạt động thăm dò trong khu vực được chỉ định và được ưu tiên có quyền khia thác trong khu vực thăm dò”. Cách diễn đạt này khác với nhiều luật khai khoáng khác dùng thuật ngữ “độc quyền” – là khái niệm mạnh hơn so với “quyền ưu tiên”. Để tránh tình trạng đầu cơ, luật cũng quy định nghiêm cấm việc trục lợi bằng đầu cơ quyền thăm dò và khai thác. Hơn nữa, chủ giấy phép phải đầu tư chi phí thăm dò tối thiểu.

Bảo vệ và cải thiện môi trường khi khai khoáng – mỗi quốc gia một kiểu

   Như đã nói ở trên, Luật Khai khoáng Philippin bị chỉ trích rằng dường như cho phép thực hiện các hoạt động khai khoáng trên toàn bộ diện tích đất nước không loại trừ cả các khu vực được coi là thiết yếu về sinh thái. Thế nhưng, nếu so với nhiều quốc gia khác thì những điều khoản về bảo vệ và cải thiện môi trường khi khai khoáng của Philippin lại khá hoàn chỉnh. Cụ thể, Phần 69 Luật Khai khoáng quy định rằng tất cả các nhà thầu đều phải thực hiện chương trình bảo vệ và cải thiện môi trường trong thời hạn của giấy phép hay hợp đồng. Chương trình môi trường phải là một phần trong chương trình hoạt động được trình khi xin ký hợp đồng khai khoáng. Chương trình này phải có các điều khoản, nội dung liên quan đến phục hồi khu vực khai thác, kể cả biện pháp trồng lại rừng, khôi phục thảm thực vật. Phần 70 của luật quy định chi tiết nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trừ thời gian thăm dò, ĐTM cần được trình và duyệt trước khi tiến hành hoạt động khai thác và ĐTM phải bao gồm hồ sơ sinh thái hoàn chỉnh của khu vực khai thác.

   Cho đến tận năm 1994, khung pháp lý về môi trường của Chilê vẫn bao gồm hàng trăm luật, sắc lệnh, quy định được áp dụng không thống nhất bởi các bộ, ngành khác nhau. Điều này đã làm nảy sinh rất nhiều sự lẫn lộn, không biết cơ quan nào của Chính phủ đóng vai trò như là cơ quan ra quyết định cuối cùng về các vấn đề môi trường ở Chilê. Tình trạng này dẫn đến việc mỗi bộ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường khác nhau. Bản thân Luật Khai khoáng của Chilê hiện nay cũng không có các điều khoản về môi trường trừ Điều 17.6 nói rằng bất cứ hoạt động khái khoáng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn hay di sản thiên nhiên đều phải được phép bằng văn bản của cấp thẩm quyền liên quan.

   Về các điều khoản và quy định liên quan đến môi trường, Luật Tài nguyên Trung Quốc chỉ có một số ít điều khoản. Trừ Điều 32 quy định các đơn vị khai thác cần tuân thủ điều khoản về bảo vệ môi trường để phòng ngừa ô nhiễm, còn các điều khoản môi trường đặc thù về khai khoáng nhất là các điều khoản liên quan đến phục hồi khu vưch khai thác, quản lý chất thải mỏ...đều không được tìm thấy trong luật. Ngoài ra, luật cũng không yêu cầu đặt cọc để khắc phục các tổn thất môi trường xảy ra trong hay sau hoạt động khai thác.

   Hồng Minh

  

Chú trọng quyền lợi người bản địa

Pháp luật về khai khoáng của Nam Úc và Chilê khẳng định quyền sở hữu tất cả các khoáng sản thuộc về nhà nước (Nam Úc) và nhà nước không phụ thuộc vào bất kỳ thể nhân hay pháp nhân nào đối với khu đất có khoáng sản (Chilê). Khác với nhiều quốc gia khác, Luật Khai thác khoáng sản của Chilê quy định rằng giấy phép khai khoáng chỉ được cấp sau khi có quyết định của tòa án, trong khi đó ở nhiều nước giấy phép khai khoáng do Bộ phụ trách tài nguyên khoáng sản cấp. Ở Úc, quyền của người bản địa là một vấn đề rất quan trọng. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu bảo vệ các quyền của người dân bản địa, nhất là các quyền về đất đai và tài nguyên, Luật Khai khoáng Nam Úc có các điều khoản về vấn đề người bản địa. Theo đó, trái ngược với hồ sơ đăng ký hoạt động khai khoáng nói chung, hồ sơ đăng ký quyền khai khoáng của người bản địa không phải là hồ sơ công khai và chỉ có những người đã được luật định là được tiếp cận, trong số này có thể kể đến Bộ trưởng Bộ phát triển tài nguyên khoáng sản và người được quy định trong hợp đồng.

 

Khi luật không có quy định về môi trường...

Theo Luật Khai khoáng của Tasmania (Úc), để được cấp giấy phép thăm dò, chủ đơn cần cung cấp thông tin đầy đủ liên quan đến các ảnh hưởng có thể xảy ra đối với môi trường. Các thông tin này bao gồm cả các biện pháp phục hội dự kiến. Ở giai đoạn thăm dò, luật không bắt buộc phải có ĐTM nhưng sẽ được yêu cầu nếu thấy cần thiết. Còn Luật Khai khoáng Nam Úc lại không hề có bất kỳ điều khoản nào liên quan đến môi trường, cũng như không đề cập đến một đạo luật nào khác phải áp dụng khi các vấn đề về môi trường bị vi phạm. Các yêu cầu về môi trường do Bộ trưởng Bộ phát triển tài nguyên khoáng sản tùy ý quy định và biện pháp tùy ý này cho thấy một sự không đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường ở mức tối thiểu được áp dụng một cách công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân khai thác.