Xây dựng mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng

08/03/2010
Quỹ bảo lãnh tín dụng là một tổ chức tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, để Quỹ bảo lãnh tín dụng phát huy được vai trò đối với doanh nghiệp đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế thị trường, dưới đây là một số nội dung về việc xây dựng mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam để Quỹ bảo lãnh tín dụng phát huy đúng vai trò.

I. Vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng thương mại để tăng cường nhanh năng lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh.

Hạn chế lớn nhất của các DNNVV là vốn ít, từ đó hạn chế đến việc trang bị máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến, đồng thời cũng rất khó khăn trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Với chính sách bảo lãnh vay vốn tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng huy động thêm vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải sử dụng vốn chủ sở hữu đồng thời phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài. Nhưng đối với các DNNVV, khả năng vay vốn trên thị trường vốn và các tổ chức tín dụng rất hạn chế. Một mặt, do vốn chủ sở hữu của các DNNVV thường ít, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng rất nghi ngờ khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này. Mặt khác, một trong những điều kiện bắt buộc để vay vốn là phải có tài sản thế chấp, trong khi đó phần lớn các DNNVV không có tài sản thế chấp.

Khắc phục những khó khăn nói trên và tạo điều kiện thuận lợi, bổ sung khả năng vay vốn cho DNNVV, ở nhiều nước đã thực hiện hình thức bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo hình thức này, Chính phủ đứng ra thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoặc các DNNVV thông qua Hiệp hội tự thành lập quỹ. Quỹ bảo lãnh tín dụng do Chính phủ thành lập hoạt động với tư cách là một tổ chức tài chính của Nhà nước. Nguồn hình thành quỹ là từ vốn ngân sách và sự tài trợ, đóng góp của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và quốc tế. Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ góp phần khơi thông thêm nguồn vốn tín dụng, tăng khả năng vay vốn cho các DNNVV, giúp các doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các phương án đầu tư, tăng cường năng lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh.

2. Góp phần quan trọng định hướng và điều tiết các hoạt động của DNNVV, hướng các hoạt động của DNNVV vào các ngành nghề và khu vực cần phát triển theo định hướng của Nhà nước.

Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu của mỗi nước. Nhà nước là người hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và trên cơ sở đó sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô để điều hành nền kinh tế vận động theo định hướng đã đề ra, chính sách bảo lãnh của Nhà nước cũng là một trong những công cụ đó.

Nhà nước có thể sử dụng chính sách bảo lãnh để hướng các DNNVV phát triển ở những ngành nghề cần ưu tiên phát triển, những vùng hải đảo, miền núi xa xôi hẻo lánh để khai thác tiềm năng nhỏ bé tại địa phương, góp phần xoá bỏ sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi....

3. Góp phần thúc đẩy các tập đoàn kinh tế trong nước phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh quá trình phân công lao động, hướng tới một nền công nghiệp phát triển.

Các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay trên thế giới đều được cấu thành từ hàng trăm DNNVV độc lập trên toàn thế giới. Mỗi DNNVV chỉ chuyên sản xuất một chi tiết nào đó của một sản phẩm hoàn chỉnh. Quá trình chuyên môn hoá này sẽ tạo ra năng suất, lợi nhuận cao cho cả Tập đoàn và cho từng DNNVV. Do đó, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế cho thấy để hình thành các Tập đoàn kinh tế mạnh, cần phải phát triển khu vực DNNVV. Trong thời kỳ đầu DNNVV cần phải có sự hỗ trợ về vốn và bảo lãnh vay vốn tín dụng từ Nhà nước, Hiệp hội và từ các Tập đoàn Mẹ.

4. Khuyến khích, thúc đẩy các tầng lớp dân cư bỏ vốn đầu tư trực tiếp tạo lập doanh nghiệp mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động của các DNNVV, góp phần tích cực vào việc phát triển nền kinh tế.

Bảo lãnh tín dụng phát triển sẽ dẫn tới DNNVV có thể vay được nhiều vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. DNNVV phát triển tạo niềm tin, khuyến khích các tầng lớp dân cư bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Đây là tác động gián tiếp của chính sách bảo lãnh tới thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, khơi thông các nguồn lực tài chính ở dạng tiềm năng, giảm bớt đầu tư vào những ngành không tạo ra giá trị thăng dư như đất đai, vàng, ngoại tệ (không gửi ngân hàng).

II. Thực trạng hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam:

1. Tình hình hoạt động của các Quỹ BLTD:

(1) Số lượng Quỹ BLTD: đến nay, cả nước có 6 Quỹ BLTD được thành lập: Quỹ BLTD Trà Vinh (21/12/2002); Quỹ BLTD Yên Bái (4/3/2005); Quỹ BLTD Đồng Tháp (20/5/2005); Quỹ BLTD Hà Nội (14/4/2006); Quỹ BLTD Tp. Hồ Chí Minh (8/3/2006); Quỹ BLTD Vĩnh Phúc (11/5/2007).

(2) Phương thức hoạt động:

- Quỹ BLTD Hà Nội, Quỹ BLTD Tp. Hồ Chí Minh giao cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương quản lý và điều hành.

- Quỹ BLTD Yên Bái, Vĩnh Phúc, Trà Vinh hoạt động độc lập.

- Quỹ BLTD Đồng Tháp giao cho Ngân hàng phát triển tỉnh Đồng tháp quản lý và điều hành.

(3) Cơ cấu tổ chức, cán bộ:

- Các Quỹ hoạt động độc lập và Quỹ BLTD Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức theo mô hình có Hội đồng Quản lý và Ban điều hành. Tuy nhiên, cán bộ thuộc Hội đồng Quản lý và Ban điều hành chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm của UBND và các Sở, ban ngành của Tỉnh. Chủ tịch Hội đồng Quản lý là Phó Chủ tịch UBND (Vĩnh Phúc, Trà Vinh), hoặc Giám đốc Sở Tài chính (Yên Bái). Đặc biệt, 100% cán bộ của Quỹ BLTD Trà Vinh là cán bộ kiêm nhiệm, giám đốc Quỹ do trưởng phòng tài chính của Sở Tài chính kiêm nhiệm.  

- Các Quỹ giao cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Ngân hàng Phát triển thì 1 đồng chí lãnh đạo của các tổ chức này sẽ kiêm Giám đốc Quỹ BLTD, một phòng chức năng của các tổ chức sẽ kiêm xử lý các hoạt động của Quỹ BLTD.

- Cán bộ chuyên môn của các Quỹ chủ yếu được điều động từ các Sở, Ban ngành của tỉnh, chủ yếu là có chuyên môn về quản lý tài chính nhà nước, chuyên môn về tín dụng và bảo lãnh là rất thấp.

(4) Vốn điều lệ của Quỹ BLTD:

- Quĩ BLTD Yên Bái là 20,98 tỷ đồng (vốn điều lệ được phê duyệt là 30 tỷ đồng), trong đó Ngân sách địa phương cấp 14,18 tỷ, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam góp 3,6 tỷ đồng, các doanh nghiệp trên địa bàn góp 3,2 tỷ đồng.

- Quĩ BLTD Trà Vinh là 38,7 tỷ đồng (vốn điều lệ được phê duyệt là 30 tỷ đồng), trong đó Ngân sách địa phương cấp 35,35 tỷ, DNNN và các Công ty cổ phần 3,35 tỷ đồng.

- Quỹ BLTD Tp. Hồ Chí Minh là 24,3 tỷ đồng tỷ đồng (vốn điều lệ được phê duyệt là 50 tỷ đồng), trong đó Ngân sách địa phương cấp 20 tỷ, các ngân hàng trên địa bàn góp 4,3 tỷ đồng.

- Quỹ BLTD Hà Nội là 30 tỷ đồng (vốn điều lệ được phê duyệt là 50 tỷ đồng), do NSĐP cấp.

- Quỹ BLTD Vĩnh Phúc là 30 tỷ đồng (vốn điều lệ được phê duyệt là 50 tỷ đồng), do NSĐP cấp.

- Quỹ BLTD Đồng Tháp là 30 tỷ đồng, do NSĐP cấp.

(5) Hoạt động sản xuất kinh doanh:

Đến thời điểm Đoàn kiểm tra tiến hành khảo sát chỉ có 2 Quỹ BLTD có hoạt động bảo lãnh tín dụng:

a.          Quỹ BLTD Yên bái:

- Tổng số tiền bảo lãnh từ khi thành lập Quỹ tới 30/6/2007 là 21,9 tỷ đồng cho 15 doanh nghiệp, trong đó: 1 DNNN, 4 doanh nghiệp tư nhân, 6 công ty cổ phần và 4 công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngân hàng cấp tín dụng là NHĐTPT chi nhánh Yên Bái (14,48 tỷ đồng) NHNN&PTNT chi nhánh Yên Bái (7,42 tỷ đồng). Số dư bảo lãnh đến 30/6/2007 là 12,4 tỷ đồng, trong đó số dư bảo lãnh ngắn hạn chiếm 61,7% và dài hạn là 38,3%.

- Các chỉ tiêu tài chính:                                           

Đơn vị: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2005

Năm 2006

6 tháng năm 2007

1. Tổng thu nhập

913,7

1835,9

1005,3

- Thu phí bảo lãnh tín dụng

4,3

75,6

51,6

- Thu phí thẩm định hồ sơ xin cấp bảo lãnh

 

 

 

- Thu lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng

909,4

1760,3

953,6

2. Tổng chi phí

381,4

571,7

419,8

- Chi phí cho hoạt động BLTD (trích quỹ dự phòng nghiệp vụ)

2,2

37,8

25,8

- Chi cho người lao động

196,7

284,9

226,8

- Chi cho hoạt động công vụ

77,2

101,7

76,8

- Chi về tài sản

105,3

147,3

89,1

3. Chênh lệch thu chi

532,3

1264,3

585,8

4. Kinh phí đầu tư trang bị tài sản

84,8

95,7

146,6

- Chi mua sắm công cụ dụng cụ

31,8

52,1

52,7

- Chi mua sắm tài sản cố định

53,0

43,6

93,9

  - 6 tháng đầu năm 2007, Quỹ đã tiến hành phân phối chênh lệch thu chi năm 2005, năm 2006 cho các đối tượng tham gia góp vốn với tổng số tiền là 514,1 triện đồng, trong đó:                                                                                                                                                             Đơn vị: triệu đồng   

Đơn vị góp vốn

Đã phân phối

Đã thanh toán

1. Các doanh nghiệp

82,1

80

2. Các Ngân hàng thương mại

80,0

80

3. Ngân sách tỉnh

352,0

 

Tổng cộng

514,1

160

b.          Quỹ BLTD Trà Vinh:

- Tổng số tiền bảo lãnh từ khi thành lập Quỹ tới 30/6/2007 là 16,97 tỷ đồng. Số dư bảo lãnh đến 30/6/2007 là 8,07 tỷ đồng.

- Các chỉ tiêu tài chính:

  + Tổng thu nhập:                                         1603,26 triệu đồng

  + Tổng chi phí                                                 95,84 triệu đồng

  + Chênh lệch thu chi                                    1507,42 triệu đồng

  (6) Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện:

  a. Khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách:

  - Đối với Quyết định sô 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001, 115/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ BLTD và Thông tư 93/2004/TT-BTC ngày 29/9/2004 hướng dẫn thực hiện 2 Quyết định trên:

+ Điều 9, Chương III có qui định Hội đồng Quản lý có 2 thành viên chuyên trách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch, các thành viên còn lại bán chuyên trách thuộc các Sở ban ngành của tỉnh, đại diện các tổ chức tham gia góp vốn. Trong thực tế hoạt động, các thành viên bán chuyên trách khó có điều kiện để phối hợp triển khai tốt các nhiệm vụ được giao cho Hội đồng Quản lý.

+ Điều 15 và Điều 16, Chương IV qui định điều kiện được bảo lãnh và mức bảo lãnh “Quỹ BLTD chỉ cấp bảo lãnh tối đa bằng 80% phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp... Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ BLTD”. Trong quá trình thực hiện, bên khách hàng gặp phải khó khăn là luôn bị thiếu hụt một khoản vốn khi thực hiện 1 dự án. Ví dụ: doanh nghiệp xây dựng dự án cần vay 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có tài sản thế chấp là 3 tỷ đồng mới được xét cấp bảo lãnh tín dụng. Sau đó, Quỹ chỉ bảo lãnh 5,6 tỷ đồng ((10 tỷ đồng - 3 tỷ đồng)*80%). Tổng số vốn doanh nghiệp có thể vay ngân hàng là 8,6 tỷ đồng (3 tỷ đồng + 5,6 tỷ đồng), số vốn còn thiếu cần thiết cho dự án là 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, để có được tài sản thế chấp được ngân hàng đánh giá là 3 tỷ đồng thì giá trị thực trên thị trường của tài sản đó 5 tỷ đồng (ngân hàng chỉ cho vay khoảng 60% tài sản thế chấp). 

+ Điều 18 qui định phí bảo lãnh gồm: Phí thẩm định hồ sơ 50.000 đồng/hồ sơ. Phí bảo lãnh tính bằng 0,8%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh tín dụng. Mức phí qui định như vậy là thấp và chưa tính đến rủi ro khi Quỹ BLTD phải chi trả các khoản bảo lãnh tín dụng.

+ Điều 21 Chương IV quy định “đề nghị TCTD chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện thấy khách hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng”. Trong thực tế, các ngân hàng gặp phải vướng mắc tại cụm từ “khách hàng có những dấu hiệu vi phạm pháp luật”, ngân hàng khó xác định và bị động khi gặp phải những trường hợp này để thực hiện chấp dứt việc cho vay.

+ Thông tư 93/2004/TT-BTC qui định trích lập dự phòng rủi ro bằng 50% trên số phí bảo lãnh là thấp, khó bảo đảm nguồn bù đắp nếu xảy ra rủi ro.

- Các hướng dẫn về nghiệp vụ bảo lãnh (quy chế bảo lãnh, quy trình bảo lãnh, mẫu hợp đồng bảo lãnh....), nghiệp vụ kế toán chưa được Bộ Tài chính ban hành.

b. Khó khăn vướng mắc trong mối quan hệ giữa Quỹ BLTD với các Tổ chức tài chính:

  - Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tham gia góp vốn vào Quỹ BLTD đối với các NHTM thực hiện chưa rõ ràng, theo văn bản số 1070/NHNN-TD ngày 3/10/2002; Thông tư số 01/2006/TT-NHNN ngày 20/02/2006 của Thống đốc NHNN về việc yêu cầu các NHTM tham gia góp vốn vào Quỹ BLTD nhưng hiện nay hầu hết các NHTM chưa góp vốn vào Quỹ BLTD.

  - Về phía các NHTM, các ngân hàng này cho rằng Quỹ BLTD hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên cần phải cân nhắc kỹ lợi ích khi tham gia góp vốn, vì vốn góp sẽ không tạo ra thu nhập. Riêng các NHTM dùng vốn điều lệ và Quỹ dự trữ để góp vào Quỹ là rất khó khăn, với số lượng Quỹ BLTD tại tất cả các tỉnh, thành phố thì tổng nguồn vốn cần góp cũng là con số rất lớn so với khả năng của các NHTM. Mặt khác chưa có qui định của Chính phủ về việc rút vốn, chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức, cá nhân sau khí tham gia góp vốn.   

c. Khó khăn vướng mắc nội tại của Quỹ BLTD: Hầu hết cán bộ của Quỹ không có kinh nghiệm trong hoạt động bảo lãnh tín dụng nhưng Bộ Tài chính chưa có các hoạt động hỗ trợ như tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giới thiệu tham quan học tập.

d. Khó khăn vướng mắc từ phía DNNVV:

- DNNVV chủ yếu là thiếu vốn, vốn cho sản xuất kinh doanh còn không đủ thì vốn góp vào Quỹ là rất khó khăn.

- Hiệu quả hoạt động của các DNNVV chưa thực sự bền vững (quy mô nguồn vốn nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh hạn chế, năng lực quản trị điều hành, quản trị tài chính còn nhiều bất cập...) chưa đáp ứng đủ điều kiện để được bảo lãnh theo qui định. 

3. Đánh giá thực trạng hoạt động của các Quỹ BLTD:

(1) Tất cả các cơ quan thuộc tỉnh (UBND, Sở, Ban, ngành) đều nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc hình thành Quỹ BLTD nhằm phát triển nhanh kinh tế của Tỉnh thông qua phát triển DNNVV.

(2) Sự phát triển nhanh hay chậm của Quỹ phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và cách triển khai của Tỉnh. Yên Bái là 1 tỉnh nhỏ, nhưng vốn góp vào Quỹ đã đủ 3 thành phần (NSNN – TCTD – doanh nghiệp), triển khai được việc xây dựng qui trình, nghiệp vụ và đã có hoạt động bảo lãnh tín dụng ngay. Cách làm của Yên Bái theo phương thức vừa vận động, thuyết phục vừa dùng biện pháp hành chính quyết liệt.

(3) Việc mới chỉ thành lập được 6 Quỹ BLTD trong cả nước sau 7 năm có chính sách của Chính phủ là quá chậm, trong đó chỉ có 2 quỹ thực sự hoạt động, nhưng hoạt động cầm trừng và ngày càng yếu. Ngoài các yếu tố khách quan thì chắc chắc có các yếu tố thuộc về chủ quan (cơ chế chính sách, phương thức triển khai).

(4) Theo qui định của Quyết định 193/2001/QĐ-TTg và Quyết định 115/2004/QĐ-TTg thì điều hành hoạt động của Quỹ  thực hiện uỷ thác cho Quỹ hỗ trợ phát triển; giao hoặc ủy thác cho Quỹ tài chính địa phương. Trong thực tế đã có 3 Quỹ không theo phương thức này mà thành lập Quỹ hoạt động độc lập, nhưng 2 Quỹ thực sự hoạt động là Trà Vinh và Yên Bái thì đều thực hiện theo mô hình độc lập, còn các Quỹ thực hiện uỷ thác và giao đều chưa đi vào hoạt động. Thực tế việc qui định điều hành tác nghiệp Quỹ BLTD được uỷ thác cho Quỹ hỗ trợ phát triển; giao hoặc ủy thác cho Quỹ tài chính địa phương chỉ tiết kiệm được chi phí ban đầu do tận dụng được bộ máy của 2 tổ chức này, nhưng sẽ làm cho Quỹ BLTD không phát triển được, vì: thiếu tính chủ động, ban điều hành không chuyên trách, phải cân đối với lợi ích chung của Quỹ hỗ trợ phát triển hoặc Quỹ tài chính địa phương; nghiệp vụ chuyên môn ít được chú trọng phát triển; tâm lý của cán bộ làm việc cho Quỹ BLTD không ổn định, giảm bớt nhiệt huyết và tính sáng tạo, do luôn có sự so sánh về lợi ích với các cán bộ làm việc trong Quỹ hỗ trợ phát triển hoặc Quỹ tài chính địa phương.

Tuy nhiên, 3 Quỹ hoạt động độc lập nhưng thực chất vẫn chưa độc lập hoàn toàn vì bộ máy kiêm nhiệm là chủ yếu, dẫn tới cán bộ phải làm 2 nhiệm vụ sẽ không toàn tâm toàn ý với việc phát triển hoạt động của Quỹ BLTD.

(5) Mức vốn điều lệ tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các tỉnh là không phù hợp, chưa xuất phát từ khả năng, điều kiện kinh tế của từng tỉnh. Chính quyền các tỉnh đều thấy rằng việc thành lập Quỹ BLTD cho DNNVV là cần thiết, nhưng vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng đối các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình dương, Hải phòng là quá ít, nhưng đối với các tỉnh còn lại chiếm tới 2/3 trong tổng số 64 tỉnh, thành phố là chưa tự cân đối được ngân sách thì khó có thể bố trí đủ vốn góp từ ngân sách. Nhiều tỉnh có khối lượng doanh nghiệp rất nhỏ (các tỉnh miền núi phía bắc bình quân chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp, có tỉnh như Đồng Tháp chỉ có 17 doanh nghiệp) nên khó có thể có đủ vốn góp với ngân sách cho đủ 30 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu xét theo thành phần doanh nghiệp thì các doanh nghiệp lớn có khả năng tài chính thì không phải là đối tượng được bảo lãnh của Quỹ BLTD, DNNVV thuộc các Tổng công ty lớn thì không cần bảo lãnh của Quỹ BLTD vì các doanh nghiệp này được chính các Tổng công ty bảo lãnh vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng, còn DNNVV là đối tượng được bảo lãnh và cần được bảo lãnh thì lại không thừa vốn để góp vào Quỹ BLTD.

(6) Rủi ro trong hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng là rất cao, do các nguyên nhân sau:

- Có sự can thiệp trực tiếp của Chính quyền địa phương vào hoạt động của Quỹ. Quỹ BLTD là một tổ chức tài chính công do địa phương thành lập nên thực tế hoạt động thẩm định bảo lãnh có chịu sự chi phối, chỉ định của Tỉnh. Mà hoạt động bảo lãnh thực chất là hoạt động tín dụng, quá trình thẩm định không căn cứ vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp thì rủi ro bảo lãnh sẽ rất cao. Thực tế ở Yên Bái đã xảy ra rủi ro như vậy.

- Cán bộ của Quỹ không có kinh nghiệm trong việc thẩm định tín dụng, nên việc thẩm định sai là rất có khả năng xảy ra.

- Các Quỹ hiện nay trả lương cho cán bộ như trả lương cho công chức, không đảm bảo cuộc sống rất dễ dẫn tới rủi ro đạo đức.

- Rủi ro trong qui trình thẩm định. Qui trình đúng của hoạt động bào lãnh là: doanh nghiệp nộp Hồ sơ xin bảo lãnh tới Quỹ → Quỹ trực tiếp thẩm định → Nếu đủ điều kiện thì Quỹ cấp chứng thư bảo lãnh → Ngân hàng căn cứ vào chứng thư bảo lãnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay qui trình thẩm định tại các Quỹ lại rất trái ngược với qui luật: TCTD thấy những khoản vay không chắc chắc không có tài sản đảm bảo, TCTD mới cùng với doanh nghiệp chuyển sang Quỹ BLTD → Quỹ BLTD yêu cầu Ngân hàng thẩm định → Sau đó, Quỹ và Ngân hàng mới thẩm định vòng 2 → Quỹ cấp chứng thư bảo lãnh → Ngân hàng căn cứ vào chứng thư bảo lãnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Như vậy, trách nhiệm chi trả nếu khoản tín dụng rủi ro thuộc về Quỹ BLTD, nhưng quá trình thẩm định thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng, qui trình này dẫn tới rủi ro rất lớn. 

Chính nguy cơ rủi ro cao của Quỹ BLTD và mục tiêu hoạt động của Quỹ không vì mục tiêu lợi nhuận nên các TCTD không hào hứng khi góp vốn vào Quỹ BLTD.

(8) Lãi suất các khoản vay có bảo lãnh tín dụng cao hơn so với các khoản vay thế chấp thông thường. Hiện nay, ngân hàng vẫn chưa coi các khoản tín dụng có bảo lãnh là các khoản tín dụng có tài sản thế chấp, nên khi Quỹ BLTD có chứng thư bảo lãnh, ngân hàng giải ngân vốn tín dụng nhưng vẫn với lãi suất như lãi suất cho vay thông thường, tức là doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất đi vay cao hơn mức lãi suất vay có tài sản thế chấp, do doanh nghiệp phải chịu phí báo lãnh là 0,8%/năm. Đây là điểm vô lý vì khi Ngân hàng không phải thẩm định và gánh chịu rủi ro thì ngân hàng phải hạ lãi suất đối với những khoản tín dụng có bảo lãnh từ Quỹ.

  III. Giải pháp phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam:

1. Quan điểm và mục tiêu hoạt động: Quỹ BLTD là một tổ chức tài chính do Nhà nước thành lập và đóng góp vốn chủ yếu, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua bảo lãnh cho doanh nghiệp. Quỹ BLTD hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

  2. Về mô hình hoạt động: Tiếp tục thực hiện theo mô hình Quỹ phân tán tại các tỉnh như hiện này.

  3. Giải pháp:       

  (1) Giải pháp về nguồn vốn:

- Vốn điều lệ:

  + NSTW sẽ đóng góp đủ vốn điều lệ ban đầu cho các Quỹ BLTD thuộc các tỉnh chưa cân đối được ngân sách.

  + NSĐP sẽ đóng góp đủ vốn điều lệ ban đầu cho các Quỹ BLTD thuộc các tỉnh, thành phố đã cân đối được ngân sách.

- Vốn bổ sung hàng năm:

+ NSĐP đóng góp vốn hoạt động hàng năm cho Quỹ BLTD. Tỷ lệ đóng góp phụ thuộc vào qui mô hoạt động của Quỹ. Vốn góp được đưa vào cân đối ngân sách hàng năm của Tỉnh, Thành phố.

+ TCTD trên địa bàn phải đóng góp bắt buộc cho Quỹ BLTD bằng một tỷ lệ tính trên dự nợ bảo lãnh.

+ Nguồn vốn của các nhà tài trợ.

+ Trong 5 năm đầu hoạt động, doanh nghiệp không phải đóng góp vốn vào Quỹ BLTD trừ trường hợp tự nguyện.

(2) Giải pháp mở rộng danh mục bảo lãnh Quỹ BLTD: mở rộng loại hình bảo lãnh sang các lĩnh vực sau:

- Bảo lãnh vay vốn ngân hàng, đặc biệt quan tâm tới các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn.

- Bảo lãnh thanh toán ngân hàng, trái phiếu, thuế;

- Bảo lãnh thuê mua tài chính;

- Bảo lãnh nghĩa vụ nợ trong giao dịch thương mại.

(3) Giải pháp về nghiệp vụ bảo lãnh:

-  Quỹ BLTD tuyệt đối tuân thủ đền bù ngay cho tổ chức tín dụng nếu như doanh nghiệp không trả được nợ đúng hạn.

-  Khi doanh nghiệp xin cấp bảo lãnh tại Quỹ BLTD thì không cần phải có tài sản thế chấp, Quỹ sẽ thẩm định dựa vào tiềm lực tài chính, tính hiệu quả của dự án vay và chính năng lực thẩm định của Quỹ.  

- Tỷ lệ bảo lãnh: từ 50% - 100% giá trị khoản đề nghị bảo lãnh, mức bảo lãnh tùy thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng doanh nghiệp. 

  - Phí bảo lãnh: sẽ có khung giao động, không cố định 0,8% như hiện nay, mức phí phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

  - Trần bảo lãnh tín dụng: sẽ qui định trần bảo lãnh tối đa cho 1 doanh nghiệp.

  - Bội số bảo lãnh: giai đoạn đầu bội số bảo lãnh chỉ giao động trong khoảng 8 – 10 lần.

(4) Giải pháp về chế độ tiền lương: của Quỹ BLTD theo chế độ đặc biệt, được xác định bằng với mức lương bình quân của chi nhánh 5 NHTM lớn nhất trên địa bàn. Đồng thời, Quỹ BLTD sẽ phải xây dựng qui trình thẩm định và ra quyết định bảo lãnh rõ ràng và minh bạch. Trường hợp cán bộ vi phạm các qui định này sẽ bị sa thải ngay.

(5) Giải pháp hỗ trợ của Bộ Tài chính:

- Ban hành Điều lệ mẫu áp dụng chung cho tất cả các Quỹ BLTD.

- Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ Bảo lãnh tín dụng

- Tổ chức tập huấn, đào tạo lại nguồn nhân lực cho các Quỹ BLTD.

- Tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của các Quỹ BLTD.

- Chủ động tìm các nguồn vốn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các Quỹ BLTD./.

Minh Đức