Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên: Nơi có, nơi không

02/03/2010
Theo Điều 32 Luật Công chứng năm 2006, một trong nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng là văn phòng công chứng (VPCC) phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên (CCV) của tổ chức mình. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này của các VPCC là rất khác nhau.

nhiều nước, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không chỉ bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, của người có liên quan mà còn giúp người hành nghề yên tâm hơn trong nghề nghiệp có nhiều bất trắc. Đặc biệt, đối với các tổ chức hành nghề công chứng, việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên là một điều cần thiết. Giả sử hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng nhưng nội dung đó trái luật mà công chứng viên không phát hiện được (có thể do sơ suất hay do nhận thức pháp lý hạn chế) thì theo Luật, VPCC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Còn đối với văn phòng công chứng đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV, khoản bồi thường này sẽ do công ty bảo hiểm chi trả.

Khoản 7 Điều 32 Luật Công chứng đã quy định rất rõ ràng, các VPCC phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của mình. Do vậy, phải hiểu việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bắt buộc đối với các VPCC. Nhưng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội và cũng chỉ mới quy định loại hình bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với hoạt động tư vấn pháp luật chứ chưa quy định bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. Đồng thời, vì chưa có những hướng dẫn cụ thể (dù đã ban hành văn bản hướng dẫn một số điều của Luật Công chứng - Nghị định số 02/2008/NĐ-CP) nên các tổ chức hành nghề công chứng, các Sở Tư pháp và kể cả doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều gặp không ít lúng túng trong việc triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. 

Các VPCC thường tự quyết theo khả năng của mình. Chẳng hạn, VPCC Thăng Long (Hà Nội) mua mức bảo hiểm là 3 tỷ đồng hay VPCC Việt (Hà Nội) ký hợp đồng với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh với mức bồi thường tối đa trong một năm cho mỗi tổn thất là 3,5 tỷ đồng. Thậm chí, VPCC Hồ Gươm (Hà Nội) hiện đang mua ở mức cao nhất - 6 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 VPCC tại TP.HCM đang bàn bạc với một công ty bảo hiểm về ký hợp đồng bảo hiểm chung cho CCV. Dự kiến mức bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm chung chỉ có hai tỷ đồng trong một năm, theo đó mỗi VPCC phải nộp phí 12 triệu đồng/năm.

Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP. Hà Nội) Phạm Thanh Cao nhận định, việc mua bảo hiểm của các VPCC vẫn chưa nhiều. Còn các công ty bảo hiểm lại chưa “mặn mà” với loại hình này khiến cho các VPCC khó khăn trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng cho các CCV. Một số công ty bảo hiểm cho rằng vấn đề bán bảo hiểm cho CCV quá mới. “Bây giờ, nếu các VPCC đến đề nghị mua bảo hiểm thì tôi cũng không biết bán ra sao”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm thú thật.

Cả nước hiện vẫn còn hàng trăm tổ chức hành nghề công chứng chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng cần có những hướng dẫn kịp thời việc mua bảo hiểm nghề nghiệp công chứng nhằm bảo đảm an toàn cho CCV khi hành nghề và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Cẩm Vân