Dự thảo Luật Phổ biến giáp dục pháp luật: Xã hội chung tay cùng Nhà nước

26/02/2010
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội vì PBGDPL chính là khâu đầu tiên trong tổ chức thực thi PL. Xây dựng Luật PBGDPL cũng là một biện pháp để cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về PBGDPL, cũng như nâng cao vị thế của hoạt động này trong đời sống xã hội.

Nhà nước giữ vai trò nòng cốt

Dự thảo Luật PBGDPL được xây dựng gồm 6 Chương, khẳng định PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Chính sách này là nền tảng điều chỉnh toàn bộ mọi hoạt động PBGDPL, nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò chủ động của nhà nước trong tổ chức và thực hiện PBGDPL đối với mọi đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, chính sách này là sự tiếp nối, khẳng định những chính sách đã được nhà nước ban hành trong những năm qua để tổ chức thực hiện PBGDPL.

Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tự giác tìm hiểu PL; có chính sách hỗ trợ cần thiết cho hoạt động PBGDPL tại những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo đầu tư nguồn lực cho công tác PBGDPL, chú trọng và ưu tiên việc đầu tư cho cấp cơ sở. Dự thảo xác định hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PBGDPL trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp theo qui định PL.

Ngày Hiến pháp Việt Nam

Đây là vấn đề không mới nhưng trong lịch sử lập pháp của Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về nội dung này. Trong thực tiễn triển khai công tác PBGDPL thì mô hình “Ngày Hiến pháp” hay “Ngày PL” đã và đang được nhiều địa phương áp dụng, nhân rộng và phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Với mục đích có một ngày tôn vinh PL, trong ngày này mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu PL, đưa các quy định của PL đi vào cuộc sống, quy định về vấn đề này đã được đề cập trong dự thảo Luật PBGDPL.

Tăng cường GDPL trong nhà trường

Thực tiễn cho thấy GDPL trong nhà trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành ý thức PL, nâng cao hiểu biết PL cho người học, giúp đào tạo và hình thành ý thức PL của cá nhân công dân. Vì vậy, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và cụ thể hóa hoạt động giáo dục PL trong nhà trường, dự thảo đã quy định một chương riêng để điều chỉnh về vấn đề giáo dục PL trong nhà trường với ý nghĩa là một phương thức không thể thiếu, đặc trưng riêng của hoạt động PBGDPL.

Theo dự thảo, hoạt động giáo dục PL không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, mà còn mở rộng cả hoạt động giáo dục, đào tạo của của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm của nhà trường trong hoạt động giáo dục PL, một số tiêu chuẩn đặt ra đối với đội ngũ giáo viên dạy môn học PL, giáo dục công dân nhằm chuẩn hóa, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của đội ngũ này; về việc xây dựng chương trình khung, chuẩn kiến thức của giáo dục PL…

Có nên qui định về Quỹ PBGDPL?

Dự thảo Luật không quy định về vấn đề này nhưng trong quá trình soạn thảo, có nhiều ý kiến trái ngược về việc qui định quỹ PBGDPL. Xét trên khía cạnh cơ quan quản lý Quỹ và nguồn hình thành Quỹ thì không đưa qui định này vào trong Luật, vì những khó khăn nội tại của việc thành lập Quỹ như: cơ chế quản lý Quỹ, nguồn hình thành Quỹ sẽ khó khăn nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, cân nhắc khi chúng ta đã có Quỹ trợ giúp pháp lý…

Hoặc quy định về Quỹ PBGDPL nhưng nên xem xét việc hình thành Quỹ với tư cách như là một loại hình quỹ xã hội tham gia và phục vụ cho hoạt động PBGDPL được khuyến khích thành lập tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu có điều kiện và có nhu cầu để đảm bảo nguồn kinh phí ổn định, tăng cường việc xã hội hoá PBGDPL đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc thành lập quỹ xã hội trong cơ quan là không hợp lý, còn các tổ chức chính trị - xã hội thành lập quỹ thì thực hiện theo quy định về quỹ xã hội.

Thực hiện PBGDPL có thu tiền

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên quy định về việc thực hiện PBGDPL có thu tiền, với ý nghĩa rằng đây là bước đầu thể chế hóa quy định về cơ chế xử lý tài chính cho các tổ chức tham gia PBGDPL (như việc doanh nghiệp trả tiền khi được PBGDPL). Quan điểm này cũng cho rằng bên cạnh quy định về những quyền mà tổ chức, cá nhân có khả năng được thụ hưởng khi tham gia PBGDPL, các chủ thể này cũng cần phải có những nghĩa vụ nhất định khi hoạt động PBGDPL đã gián tiếp mang lại lợi ích nhất định cho họ (lợi nhuận cho doanh nghiệp là ví dụ).

Thực tế là nhiều tổ chức, cá nhân luôn có nhu cầu được nâng cao kiến thức PL, và họ sẵn sàng trả một khoản phí nhất định nếu như những thông tin PL mà họ được tiếp cận qua phổ biến là hữu ích. Vì vậy, việc trả tiền của tổ chức, cá nhân khi được phổ biến PL (như trả tiền để tham gia vào các hội thảo, toạ đàm, tập huấn về qui định PL mới, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp…) nên được hiểu một cách tích cực, thể hiện thái độ nghiêm túc của các chủ thể này trong việc coi trọng hiệu quả của hoạt động PBGDPL.

Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có cơ chế, cách thức như thế nào để đáp ứng nhu cầu pháp lý cho các đối tượng khi có yêu cầu, để một mặt phát huy tính chủ động của tổ chức, cá nhân, mặt khác cũng tạo nguồn thu để đầu tư cho công tác này. Hiện, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã qui định về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo tinh thần là nhà nước chủ động tổ chức các hoạt động.

Tuy nhiên, việc các tổ chức, cá nhân (cụ thể là doanh nghiệp) trả tiền khi được PBGDPL là một cách tiếp cận mới, tạo ra một cơ chế mới, và nếu không qui định chặt chẽ sẽ dễ tạo ra cách hiểu không đúng hoặc mâu thuẫn với bản chất cũng như vai trò của Nhà nước khi xác định: PBGDPL là trách nhiệm của nhà nước. Việc đưa ra quy định này nhằm bù đắp một phần chi phí cho hoạt động PBGDPL, giảm bớt nguồn chi từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn thu của các tổ chức, cá nhân có yêu cầu được PBGDPL.

Ngược lại có ý kiến đề nghị không nên đưa quy định này vào trong Luật vì sẽ mâu thuẫn với chính sách của nhà nước về công tác này, đồng thời ở góc độ nào đó đây còn là hoạt động đặc thù thể hiện bản chất của nhà nước ta, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Có ý kiến đề nghị chỉ giới hạn việc thu tiền đối với các tổ chức kinh tế. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng thu tiền là cá nhân nếu xét về mặt lợi ích, việc PBGDPL sẽ mang lại cho họ những giá trị kinh tế nhất định...

Dự thảo Luật PBGDPL đang được lấy ý kiến tổ chức, cá nhân đến ngày 10/3, trước khi tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ làm công tác PBGDPL để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ cho ý kiến./.

Huy Long