Cùng “gỡ vướng” cho tư pháp địa phương

24/02/2010
Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và triển khai công tác năm 2010 vừa qua đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tư pháp ở địa phương, nhất là trong các lĩnh vực như hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, theo dõi thi hành pháp luật, pháp chế, tổ chức cán bộ…

Chuyển giao công chứng chứng thực: chậm

Qua thực tiễn hoạt động, các đại biểu tư pháp địa phương không khỏi “khó nghĩ” khi các Luật liên quan đến nhà, đất và công chứng chưa có qui định thống nhất về công chứng, chứng thực (CCCT) các hợp đồng (HĐ), giao dịch liên quan đến bất động sản (BĐS). Việc chuyển giao việc CT các HĐ, giao dịch về BĐS từ UBND cấp xã sang tổ chức CC thực hiện hiện còn chưa thực hiện được ở một số địa phương, gây ra sự không thống nhất. Ông Lê Chí VỊnh (Giám đốc STP tỉnh Ninh Bình) đề nghị “Bộ nên mạnh dạn chỉ đạo chuyển giao CCCT ở các tỉnh đã có tổ chức CC”.

Bà Đỗ Hoàng Yến – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp – đã lý giải rất cụ thể về những qui định pháp luật liên quan đến vấn đề này (ở điểm b khoản 4 điều 26 NĐ 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009) và cho biết, việc chậm chuyển giao ở một số địa bàn còn là do tình hình thực tế chưa cho phép. Việc chuyển giao sẽ hiệu quả với điều kiện trong vòng bán kính 10 km từ trung tâm huyện có 1 tổ chức CC. Nhưng có những địa bàn cách trung tâm đến 70-80km, giao thông khó khăn, nếu chuyển hết việc CC HĐ, giao dịch về BĐS sang tổ chức CC thì sẽ không thể đạt mục tiêu “giảm tải” trong hoạt động này.

Do vậy, trước mắt, vẫn phải qui định cho phép UBND cấp xã, huyện CT và đợi UBND cấp tỉnh qui hoạch mạng lưới CC ở địa phương, xem xét các điều kiện cần thiết để chuyển giao. Hiện Bộ Tư pháp đang và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật liên quan để đảmt bảo việc áp dụng thống nhất về CCCT các HĐ, giao dịch liên quan đến BĐS. Tuy nhiên, bà Yến cũng cho rằng đây là cơ hội tốt để các Sở Tư pháp phát huy tính chủ động, hiệu quả cho chủ trương chuyển giao trong thời gian sớm nhất ở các địa phương.

Pháp chế: sửa đổi Nghị định 122

Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế (PC) ở Bộ, ngành. Ông Nguyễn Văn Việt (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT) lấy ví dụ về công tác pháp chế của ngành NN&PTNT để minh họa cho “hậu quả” của việc thiếu hiệu quả trong hoạt động PC ở địa phương. Hiện rất ít Sở NN&PTNT có bộ phận về PC, hay cán bộ chuyên trách về công tác PC, thậm chí một số lãnh đạo Sở còn không hiểu hết vai trò của PC nên là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ văn bản được thực thi ở địa phương còn thấp. “Nếu Bộ có ý định mở các lớp tập huấn cho những người làm công tác PC ở các Sở thì rất hay bị các cơ quan khác “tuýt còi” nên PC ngành ở địa phương đã thiếu lại không thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ” – ông Việt đề nghị.

Trước yêu cầu này, ông Lê Thành Long (Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật) cung cấp thông tin, trong năm 2010, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập huấn tăng cường nghiệp vụ cho cán bộ PC. Đồng thời, mở 3-5 lớp tập huấn cho cán bộ PC Bộ, ngành về công tác xây dựng báo cáo đánh giá tác động văn bản (RIA), phối hợp với Tổ chức nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) phát hành cẩm nang về xây dựng báo cáo RIA và sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt về xây dựng báo cáo RIA để giúp các bộ, ngành chuẩn bị báo cáo này khi xây dựng văn bản pháp luật (VBPL).

Trả lời ý kiến của ông Dương Khánh (Giám đốc STP tỉnh Thanh Hóa) về việc xem xét sửa đổi NĐ 122 về công tác PC, đưa vấn đề PC ngành thành quy định bắt buộc, ông Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị sửa đổi NĐ 122  theo hướng cụ thể hóa những qui định về PC trong các VBPL khác, yêu cầu cao hơn đối với công tác PC để PC thực sự là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp ở Bộ, ngành, tăng cường đội ngũ cán bộ, biên chế cho công tác PC. Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong quí 3/2010.

Theo dõi thi hành PL: Cần VB hướng dẫn

Đây là chức năng, nhiệm vụ rất mới của Bộ Tư pháp và đã được cụ thể hóa bằng Đề án Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành PL” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2009). Nhưng ông Lê Chí Vịnh (Giám đốc STP tỉnh Ninh Bình) cho rằng, công tác này đang chậm được triển khai ở địa phương. Do đó, cùng nhiều đại biểu khác, ông Vịnh kiến nghị “Bộ Tư pháp sớm có các VB hướng dẫn thực hiện kịp thời, thống nhất về công tác này để các Sở triển khai thực hiện theo qui định. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần thống nhất với Bộ Nội vụ có VB hướng dẫn giao biên chế cho công tác theo dõi thi hành PL ở địa phương”.

Cũng theo ông Lê Thành Long (Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng PL), để hình các Bộ, ngành có cơ sở triển khai thực hiện công tác này, Bộ Tư pháp đã xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành PL. Dự kiến trong tháng này, Thông tư sẽ được ban hành.

Ông Long lưu ý, khi thí điểm thực hiện Đề án, 6 địa phương được chọn thí điểm sẽ thành lập các phòng công tác theo dõi thi hành PL. Tuy nhiên, những địa phương khác vẫn phải thực hiện hỗ trợ để hoàn thành báo cáo chung của Bộ Tư pháp về công tác theo dõi tình hình thi hành PL, trình Chính phủ.

Đó chỉ là một phần rất nhỏ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp đã được đưa ra để bàn luận, tìm giải pháp khắc phục.  Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm được không phải là điều dễ dàng mà đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của tập thể CBCC ngành Tư pháp để tiếp tục tìm ra những hướng đi mới, đưa công tác tư pháp gần hơn với dân, với cuộc sống.

H.Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng  

Muốn hội nhập tốt, muốn dân hiểu luật lệ, muốn đưa đất nước đi lên nhanh và bền vững thì cần một hệ thống VBPL. Các VB đó tuy không phải tất cả đều do Bộ Tư pháp soạn thảo, nhưng đều do Bộ Tư pháp thẩm định nên vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình này là rất lớn. Nên thành công của năm 2009 có công lao rất lớn của ngành Tư pháp. Năm 2010 muốn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X thì công lao của các đồng chí cũng sẽ rất lớn. Do vậy các đồng chí phải thấy để biến những nhận thức đó thành sức lực, tình cảm của mình để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ”.

(Trích bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và triển khai công tác năm 2010)