Việt Nam – An-giê-ri tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

21/02/2010
Từ ngày 27/2 đến 4/3/2010, đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sẽ sang công tác tại Anger - thủ đô An-gê-ri để đàm phán 4 Hiệp định/ Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân An-giê-ri:

1) Hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự; 2) Hiệp định về Dẫn độ; 3) Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự - thương mại và 4) Nghị định thư/ Thoả thuận về hợp tác pháp luật.

Việc đàm phán để hoàn tất 4 văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên là một trong các hoạt động nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Cộng hoà An-giê-ri của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, dự kiến sẽ sớm được tổ chức trong năm 2010. Hoạt động này cũng là bước triển khai kết quả tốt đẹp việc trao đổi các đoàn cấp cao Việt Nam thăm An-giê-ri và các đoàn cấp cao An-giê-ri thăm Việt Nam[i] mà cụ thể gần đây nhất - tháng 1 năm 2010 - là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân An-giê-ri Abdelaziz Ziari (18-23.1.2010[ii].

Quan hệ giữa hai dân tộc An-giê-ri và Việt Nam – lâu đời và có truyền thống lịch sử - đã được rèn rũa trong cuộc đấu tranh anh dũng của hai đất nước để giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ thực dân và hưởng độc lập hoàn toàn. Mối quan hệ đó - vẫn như trước đây – là sự đoàn kết mạnh mẽ, sự tham vấn chặt chẽ và là sự chia sẻ những giá trị chung, nguyện vọng hoà bình và khát vọng chính đáng về sự tiến bộ, phát triển và thịnh vượng. Việt Nam luôn coi trọng những thành tựu mà Nhà nước và nhân dân An-giê-ri đã đạt được trong thời gian qua; đặc biệt là thành tựu trong việc giữ vững ổn định đất nước, thực hiện hoà hợp dân tộc và công cuộc cải cách, xây dựng đất nước. An-giê-ri ngày càng đóng vai trò quan trọng ở châu Phi cũng như trong nhiều tổ chức quan trọng ở châu Phi và thế giới như Phong trào Không liên kết, cuộc đấu tranh cho một trật tự thế giới mới công bằng, hợp lý, chống sự áp đặt và chi phối của các nước lớn. An-giê-ri được coi là một trong bốn nền kinh tế đang nổi ở châu Phi và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì phát triển, hoà bình và ổn định ở khu vực Bắc Phi và châu Phi.

Hiện các nước Châu Phi nói chung và An-giê-ri nói riêng đều là đối tác của Việt Nam cả về chính trị và kinh tế.[iii] Về chính trị, hai nước Việt Nam và An-giê-ri luôn thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống; dành cho nhau tình đoàn kết, sự giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm (năm 1962)[iv]. Hai nước cũng đã có bề dầy hợp tác sâu rộng từ nhiều năm qua trên các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế… Khía cạnh cần tăng cường hơn nữa là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Lãnh đạo Nhà nước, Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế để đáp ứng mong đợi của nhân dân hai nước. Hợp tác về pháp luật và tư pháp, trong đó có hợp tác về tương trợ tư pháp chính là một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quan hệ giao lưu về mọi mặt, đặc biệt là quan hệ về lao động, thương mại, đầu tư ... giữa Việt Nam và An-giê-ri. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư…tại nước sở tại là cần thiết và đồng thời còn tạo lập cơ sở pháp lý  góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. 

Thông tin về quá trình và kết quả đàm phán 2 Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ giữa hai quốc gia và Nghị định thư về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước sẽ tiếp tục được cập nhật từ Thủ đô Anger của Cộng hoà An-giê-ri./.


[i] Các đoàn cấp cao Việt Nam thăm An-giê-ri: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1976), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (2005), ….. Các đoàn cấp cao An-giê-ri thăm Việt Nam gồm các Tổng thống Boumédienne (1974), Zeroual (1996), Abdelaziz Bouteflika (2000), Chủ tịch Hạ viện Amar Saadani (2005)…, Chủ tịch  Quốc Hội Abdelaziz Ziari (tháng 1.2010) . Những năm gần đây, quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp; lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên sang thăm lẫn nhau; hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực.

[ii] Tại các cuộc hội đàm chính thức (tháng 1.2010) với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân An-giê-ri với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc Hội  Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng…, các bên đều khẳng định mong muốn củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nhau. Việt Nam coi quan hệ hợp tác toàn diện với Algeria và các nước bè bạn truyền thống là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.

[iii] Trên phương diện kinh tế, mặc dù có những khó khăn, cách trở về địa lý, nhưng thời gian qua đã chứng kiến những bước tiến không ngừng trong quan hệ Việt Nam với Châu Phi nói chung và An-giê-ri nói riêng. Nếu như năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai bên mới đạt 1 tỷ USD thì năm 2008 đã là 2 tỷ USD. Đó là sự tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2010 dự kiến sẽ đạt 3 tỷ USD. Các nước Châu Phi mong muốn hợp tác với Việt Nam từ đó thúc đẩy, mở rộng sang thị trường các nước Châu Á khác. Riêng với An-giê-ri, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đạt gần 80 triệu USD, tăng 87% so với năm 2007. Việt Nam và Algeria có nhiều điểm tương đồng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Với Algeria là thế mạnh về dầu lửa, khí ga, sắt thép…, trong khi Việt Nam có kinh nghiệm phát triển  lâm nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm… Ngoài các chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp, hiện nay Petro Việt Nam còn đưa hàng trăm lao động sang An-giê-ri để thực hiện các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.  Đây là những điều kiện thuận lợi để hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, làm nền tảng phát triển quan hệ trên các lĩnh vực khác. Algeria là cửa ngõ để Việt Nam đưa hàng hóa vào châu Phi và ngược lại, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa An-giê-ri vào khu vực Đông Nam Á.

iv.  Ngày lập quan hệ ngoại giao: 28/10/1962. Tháng 11/1962, Việt Nam mở Sứ quán thường trú tại Alger và tháng 4/1968, An-giê-ri mở Sứ quán thường trú tại Hà nội.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ AN-GIÊ-RI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1) Khái quát 

-     Vị trí địa lý: An-giê-ri nằm ở Bắc Phi, trên bờ Nam Địa Trung hải, có 1200 km bờ biển và giáp Tuy-ni-di, Li bi, Niger, Mali, Mauritanie, Tây Sahara và Ma-rốc.

-     Diện tích:   2.381.741 Km2 (87% diện tích là sa mạc).

-     Dân số:     33.769.000 người (5/2008) 

-     Ngôn ngữ chính thức: tiếng A-rập, ngoài ra có tiếng Pháp. Ngày 5/7/1998 An-giê-ri bắt đầu thực hiện luật phổ cập tiếng A-rập.

-     Tôn giáo:  Đạo Hồi là quốc đạo, chiếm 90% dân số, ngoài ra có đạo Thiên chúa.

-     Thủ đô:    Alger

-     Khí hậu: Phía Bắc Algérie chịu ảnh hưởng của khí hậu Địa Trung hải, mùa đông lạnh và mưa, mùa hè nóng và khô; phía nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và sa mạc, chênh lệch nhiệt độ càng đi về phía Nam càng lớn (ban ngày 360C, ban đêm 50C). Tại thủ đô Alger nhiệt độ trung bình tháng Giêng là 12,20C, tháng 7 là 24,50C.

-     Đơn vị tiền tệ:  Dinar An-giê-ri ( 1USD = 69,9 dinar (năm 2007))

-     Quốc khánh:  1/11/1954 (ngày khởi nghĩa vũ trang)

-     Tổng thống:   Abdelaziz Bouteflika (từ 4/1999, được bầu lại 4/2004)

-     Thủ tướng:    Abdelaziz Belkhadem (từ 5/2006)

-     Bộ trưởng Ngoại giao:  Mourad Medelci (từ tháng 6/2007)

2) Lịch sử

-     Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 16- thời kỳ A-rập xâm chiếm

-     Từ thế kỷ 16 đến 1830- thời kỳ đế quốc Ottoman (Thổ) chiếm đóng

-     Từ 1830 đến 1962- thực dân Pháp đô hộ

-     Từ khi giành độc lập (1962) đến nay An-giê-ri đã qua các thời kỳ Tổng thống: Ben Bella (1962-1965), Boumédienne (1965-1978), Mohamed Chadli Benjedid (1978-1991), Liamine Zeroual (1994-1999), Abdelaziz Bouteflika (từ 4/1999 đến nay). Từ 1991 đến 1994 đất nước do Ủy ban Nhà nước tối cao (HCE) điều hành.

3) Chính trị

-     Thể chế: Cộng hòa Tổng thống, dân chủ đa nguyên

-     Đảng phái chính trị: Mặt trận giải phóng dân tộc (FLN-Đảng cầm quyền), Tập hợp quốc gia dân chủ (RND), Phong trào xã hội vì hòa bình (MSP), Tập hợp vì văn hóa và dân chủ (RCD), Phong trào cải cách quốc gia (MRN), Mặt trận các lực lượng xã hội (FFS), Đảng lao động (PT), Mặt trận quốc gia An-giê-ri (FNA).

-     Tình hình chính trị-xã hội hiện nay: Từ khi ông A.Bouteflika lên làm Tổng thống (4/1999), tình hình An-giê-ri dần đi vào ổn định. Chính sách hòa giải dân tộc và các cải cách kinh tế, xã hội của Tổng thống được thực hiện đã làm tình hình có những chuyển biến tích cực, đem lại nhiều kết quả khả quan, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, An-giê-ri vẫn còn có khó khăn: các vụ khủng bố tuy đã giảm đi rất nhiều song vẫn chưa thể sớm loại trừ hoàn toàn khỏi đời sống xã hội, các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói nghèo, tham nhũng còn nặng nề.     

4) Kinh tế

-     Tài nguyên: An-giê-ri có thế mạnh về dầu lửa (trữ lượng khoảng 11,35 tỷ thùng, sản lượng 1,45 triệu thùng/ngày-năm 2007), khí gas (trữ lượng 5000 tỷ m3, nước xuất khí gas thứ 3 thế giới), ngoài ra có sắt, phốt phát, than, đồng, chì, kẽm.

-     Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 8,1%, Công nghiệp 61%, Dịch vụ 30,9% (năm 2007).

-     Mặt hàng xuất khẩu chính là: dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm từ dầu. Mặt hàng nhập khẩu chính là: đồ dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng, lương thực-thực phẩm.

-     Bạn hàng chính: Pháp, Ý, Mỹ, Đức, Tây ban nha, Trung quốc, Canada, Bỉ (năm 2007)

-     Năm 2007: GDP đạt 125,9 tỷ USD, Tăng trưởng bình quân GDP 4,6%; Thu nhập bình quân/đầu người 3968 USD, Lạm phát 4,6%, Thất nghiệp 14,1%, Nợ nước ngoài 3,358 tỷ USD.

5) Quan hệ với Việt Nam 

-     Ngày lập quan hệ ngoại giao: 28/10/1962. Tháng 11/1962, Việt Nam mở Sứ quán thường trú tại Alger và tháng 4/1968, An-giê-ri mở Sứ quán thường trú tại Hà nội.

-     Trao đổi đoàn: các đoàn cấp cao Việt Nam thăm An-giê-ri: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1976), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (2005). Các đoàn cấp cao An-giê-ri thăm Việt Nam gồm các Tổng thống Boumédienne (1974), Zeroual (1996), Abdelaziz Bouteflika (2000) và Chủ tịch Hạ viện Amar Saadani (2005). 

-     Hai nước đã ký nhiều Hiệp định và Thoả thuận hợp tác, trong đó có: Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1974), Hiệp định thương mại (1994), Hiệp định miễn thị thực với hộ chiếu ngoại giao và công vụ (1994), Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông tin (1996), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1996), Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (1999), Thoả thuận về hợp tác nông nghiệp (2004), Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội (2005),  Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai công ty dầu khí PetroVietnam của Việt Nam và Sonatrach của Algeria (2009)…..

                                                                      (Nguồn trích: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

 

 

Bài viết có liên quan:

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

Đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) 

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Anh đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Việt Nam

Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Hong Kong sẽ sớm được xúc tiến

Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tiếp Ngài Chhuon Chantha, Phó Tổng Chưởng lý Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia

Tiếp tục tăng cường hợp tác tư pháp Việt Nam - Ca-dắc-xtan