Văn phòng Công chứng dưới góc nhìn của cá nhân, tổ chức: Hay - dở vẫn song hành

01/02/2010
Là một trong những nét nổi bật của Luật Công chứng, tư tưởng xã hội hóa công chứng là một chủ trương đúng đắn giúp hóa giải hiện tượng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng đã tồn tại trong nhiều năm liền. Tại các địa phương, sự phát triển nhanh chóng của các Văn phòng Công chứng đã góp phần phục vụ kịp thời, đầy đủ nhu cầu công chứng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh vui mừng thì các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công chứng tại Văn phòng công chứng cũng đã sớm nhận thấy những bất cập...

Cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo câu khách

Sau hai năm triển khai Luật Công chứng, đã có 32/63 tỉnh, thành phố có VPCC theo mô hình xã hội hóa với tổng số là 123 Văn phòng và 244 Công chứng viên. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM số lượng các VPCC tập trung khá dày (HN có 42 VPCC, TPHCM có 12 VPCC). Tại Hội nghị hai năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 79/NĐ-CP, ông Phạm Xuân Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã lên tiếng về hiện tượng phân biệt giữa “công chứng nhà nước” và “công chứng tư”  của khách hàng. Mặc dù ngành Tư pháp đã có hướng dẫn, giải thích về vấn đề này qua nhiều văn bản nhưng tâm lý phân biệt trên cho đến nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến ngay cả trong giới doanh nghiệp và ngân hàng vốn là những khách hàng thường xuyên của dịch vụ công chứng. Lý giải của tâm lý này là “cho chắc ăn” và “đỡ trách nhiệm” – ông Phương cho biết.

Từ sự lên tiếng của lãnh đạo Tư pháp Hà Nội – thành phố có tốc độ phát triển VPCC đứng đầu trong cả nước, có thể thấy phải chăng bên cạnh những lý do khác, thì chính việc có gì đó không ổn trong hoạt động của các VPCC đã gây ra tâm lý phân biệt trên ở khách hàng? Cũng là khách mời của Hội nghị sơ kết, dưới góc độ của một ngân hàn thương mại, người đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế nảy sinh của các VPCC sau một thời gian phối hợp. Theo đó, trước hết là sự ra đời và phát triển quá nhanh của VPCC đã dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo câu khách (mặc dù theo quy định, VPCC chỉ hoạt động trong giờ hành chính, việc công chứng ngoài giờ phải thực hiện theo Luật Công chứng thế nhưng có VPCC lại quảng cáo hoạt động 24/24h), biểu hiện thương mại hóa (giảm giá)...Cũng vì vấn đề này, có nhiều văn bản ở VPCC A không công chứng được thì sang VPCC khác lại được tiếp  nhận và thực hiện công chứng. Sự thiếu kinh nghiệm của một số CCV, người giúp việc cho CCV chưa qua đào tạo đã khiến cho tình trạng công chứng còn sai sót và nhiều văn bản công chứng bị cơ quan quản lý Nhà nước trả lại. Thậm chí, đã có sự câu kết giữa CCV, người giúp việc cho CCV và khách hàng để có những hành vi gian dối trong công chứng nhằm vay bằng được vốn ngân hàng dù không đủ điều kiện...

Hay như người đại diện của Công ty cổ phần xây dựng số 2 – TCT Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, thì việc đào tạo và phát triển CCV, nhân viên nghiệp vụ tại các VPCC chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Bằng chứng là trong nhiều trường hợp có những CCV đã tham gia công tác pháp luật lâu năm và chuyên môn nghiệp vụ trước đây của họ rất tốt nhưng lại rất lúng túng khi tác nghiệp.

Bị lợi dụng vì thiếu chia sẻ thông tin

   Thiếu sự chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng không chỉ là vấn đề mà các CCV nhận thức được và kiến nghị, mà bản thân các khách hàng cũng đã nhận ra, thậm chí trong nhiều trường hợp họ còn trở thành “nạn nhân” của chính cái sự thiếu này. Nhận định của Chi nhánh Sở giao dịch 2 – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho thấy, cho đến nay vì các PCC và VPCC chưa thiết lập được mối liên kết, chính thức nào, nên việc chia sẻ thông tin chỉ là tự phát, riêng lẻ, dẫn đến thiếu nhất quán, thậm chí bị lợi dụng. Có trường hợp một hợp đồng được đưa đến tổ chức hành nghề công chứng này bị từ chối do chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật, lẽ ra người dân phải hoàn chỉnh, bổ sung giấy tờ thì lại tiếp tục mang hợp đồng đó đến tổ chức hành nghề công chứng khác thì lại được giải quyết.

Vì vậy, đã xảy ra tình huống một thửa đất và tài sản gắn liền với đất được chủ tài sản công chứng nhiều lần ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng khác nhau lừa bán cho hai người, hoặc thế chấp tại hai ngân hàng khác nhau. Đây là một rủi ro lớn ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, tạo khả năng tranh chấp cao khi phải xử lý tài sản thu hồi nợ...

Minh Dương 

Nên sớm có Quy tắc hành nghề công chứng

Những bất cập mà cá nhân, tổ chức nêu đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng cũng đã được nhìn nhận, phát hiện dưới góc độ quản lý Nhà nước. Vì thế, có thể nói gốc rễ nguyên nhân của những bất cập chính là việc hoạt động quản lý Nhà nước về công chứng còn nhiều hạn chế, sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng thiếu quy hoạch cụ thể, hợp lý, chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều...Trong thời gian không xa, những vấn đề này sẽ được khắc phục khi hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng được đồng bộ và chuyên nghiệp hóa. Dưới góc độ của mình, nhiều cá nhân, tổ chức cũng rất mong muốn bên cạnh các vấn đề khác, thì bộ Quy tắc hành nghề công chứng cũng cần sớm ra đời để có quy định, chế tài nghiêm khắc với CCV, người giúp việc cho CCV thiếu đạo đức nghề nghiệp. Cùng với đó là sự ra đời của Hiệp hội công chứng nhằm thúc đẩy hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp hơn.