Nhân lực cho ngành Tư pháp: Nhọc công tìm giải pháp

24/02/2010
Hàng năm, ngành Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết như dịp để đánh giá lại hoạt động của một năm và chuẩn bị hành trang cho năm mới. Và năm nào cũng vậy, câu chuyện về nguồn nhân lực luôn là “điểm nóng” của Hội nghị.

Cán bộ vẫn “dứt áo ra đi”

Tiếp theo năm 2008, năm 2009 vẫn được xác định là “Năm tổ chức cán bộ” của Ngành. Ngoài việc chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, quy hoạch, hướng dẫn, đào tạo, sắp xếp bổ nhiệm, ngành Tư pháp đã tập trung vào công tác luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng từ TƯ (Bộ Tư pháp) về địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn vùng sâu vùng xa, cũng như tạo nguồn lãnh đạo kế cận cho Bộ, Ngành; luân chuyển cán bộ từ địa phương về TƯ nhằm tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn cho các đơn vị quản lý của Bộ.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể toàn ngành thì số lượng và chất lượng đội ngũ công chức chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ tư pháp (CBTP) cơ sở nhiều nơi còn mỏng, chuyên môn, nghiệp vụ còn nhiều hạn chế trong khi nguồn tuyển dụng lại thiếu đa dạng, chính sách cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu thu hút được người tài. Trong khi nhiều cán bộ đã xin ra khỏi Ngành để đi tìm một “chân trời mới” nhiều triển vọng và đáp ứng tốt hơn cuộc sống của họ thì ở nhiều địa phương lại chưa quan tâm đến việc kiện toàn biên chế cho ngành Tư pháp (nhất ở cấp huyện và xã, các tổ chức pháp chế sở, ngành).

Vì thế, tình trạng thiếu cán bộ càng trở nên khó giải quyết nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Thêm vào đó, sự tăng thêm của nhiệm vụ với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và tiến độ, càng khiến cho tình trạng quá tải công việc của CBTP cơ sở “ngang nhiên” tồn tại từ năm này qua năm khác mà chưa có một biện pháp giải quyết dứt điểm.

Tăng chất lượng CBTP cấp xã

Đầu tư hợp lý, thích đáng vào con người là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác. Từ thực tế hoạt động ở địa phương, các Giám đốc Sở Tư pháp đều đề nghị phải xem xét lại chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ CBCC ngành Tư pháp, nhất là tăng chất lượng cho CBTP cấp xã.

Giám đốc STP tỉnh Lào Cai Hoàng Kim Thái cho rằng, hai vấn đề cần chú trọng đối với công tác tư pháp xã phường chính là bố trí cán bộ có trình độ luật và tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho họ. Hiện tại, ở Lào Cai có khoảng 30% CBTP cấp xã chưa qua đào tạo luật, do đó dẫn đến tình trạng là nhiều CB lẫn về thẩm quyền giữa CBTP và CB địa chính. Nhiều người chỉ căn cứ vào những nội dung mà dân kê khai rồi đóng dấu mà không hiểu rõ về thể thức văn bản, nội dung, thẩm quyền đã đúng hay chưa. Thậm chí là việc thu phí, lệ phí nhiều nơi cũng chưa chuẩn. Do đó, cũng cần có phải chức danh cụ thể cho các CBTP cấp xã để không ngừng nâng cao trình độ cũng như trách nhiệm của đội ngũ này.

Đồng tình với quan điểm của ông Thái, Giám đốc STP TP. Hà Nội Phan Hồng Sơn bổ sung, có chức danh cho các CBTP cấp xã còn đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên sâu khi làm việc cho họ. Hơn nữa, CBTP cấp xã phải được bố trí làm chuyên trách về tư pháp mới có thể hoạt động hiệu quả. Hiện nay, trong khi trình độ các CBTP cấp xã còn nhiều hạn chế thì họ còn phải kiêm nhiệm làm công việc khác, công việc nào cũng đòi hỏi nhiều thời gian nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động của CBTP cấp xã.

Theo kết quả khảo sát năm 2009, những sai sót của CBTP cấp xã chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hộ tịch. Do đó, Giám đốc STP tỉnh Thừa Thiên Huế Dương Quang Tương thấy rằng, cần có một CB chuyên trách về hộ tịch, một CB chuyên trách về tư pháp để giảm thiểu áp lực công việc cho CBTP cấp xã, đảm bảo chất lượng phục vụ dân. Hiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế, 152 phường, xã đều đã có CBTP chuyên trách nhưng tỷ lệ những người chưa qua đào tạo luật là khoảng 15%.  Đầu mối công việc tư pháp xã rất nhiều nhưng họ chủ yếu mới tập trung được về hộ tịch, chứng thực còn công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật hay tham mưu văn bản còn hạn chế.

Khó giải quyết yêu cầu biên chế

Cùng với chất lượng hạn chế của CBTP cấp xã, một trong những nguyên nhân khiến công tác tư pháp địa phương gặp nhiều khó khăn là thiếu nhân lực. Hầu như số biên chế được giao ở các cơ quan tư pháp địa phương không tương xứng với nhiệm vụ dẫn đến quá tải trong công việc. Trước thực trạng này, ông Trương Quang Thêm (Giám đốc STP tỉnh Quảng Bình) kiến nghị về việc có nên phân loại STP để phân bổ cán bộ, công chức (CBCC) hay không.

Theo ông Trần Văn Quảng (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp), không dễ để phân loại STP vì khó có thể đánh giá UBND tỉnh nào nhỏ hơn tỉnh nào (trừ Hà Nội và TP.HCM) mà STP lại là cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Còn về “câu chuyện” biên chế cho tư pháp địa phương, ông Quảng cho biết, “cái khó” là ở chỗ UBND cấp tỉnh chứ không phải Bộ Tư pháp có thẩm quyền quyết định phân bổ số lượng CBCC cấp xã ở địa phương. Hơn nữa, ngay ở Bộ, việc “điều đình” với Bộ Nội vụ để tăng biên chế cũng rất khó khăn. Nhiều địa phương có số biên chế rất lớn nhưng để phân bổ cho ngành Tư pháp lại hạn chế. Do vậy, vấn đề ở đây là nhận thức của lãnh đạo địa phương về vai trò, vị trí của các ngành. Bộ rất quan tâm đến biên chế cho tư pháp địa phương nhưng không thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn. Biện pháp trước mắt theo ông Quảng là các cơ quan tư pháp địa phương phải sử dụng biên chế cho hợp lý và hiệu quả (1 người làm được nhiều việc), chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương về việc kiện toàn, củng cố CBTP cơ sở…

Trúc An

Thu hút nhân lực cho ngành, động viên, khuyến khích CBCC an tâm công hiến là vấn đề mà Bộ Tư pháp rất quan tâm và cố gắng thực hiện nhiều năm qua. Hiện Bộ đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng “Đề án đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn và đổi mới cơ chế, chính sách đối với CB thuộc ngành Tư pháp” để trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ vào giữa năm 2010.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện tiêu chuẩn hóa các chức danh đặc thù trong ngành, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ngạch chấp hành viên, thẩm tra viên, trợ giúp viên, công chứng viên… Trên cơ sở đó, các chức danh đặc thù này được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.