Dự thảo Luật Thủ đô: Quy định đặc thù để phát triển

24/02/2010
Theo kế hoạch, cuối tháng này, dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến. Dự luật được hy vọng có thể đủ khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc mà Pháp lệnh TĐ đã chịu “bó tay”.

Bài 1: Nâng tầm “chỗ dựa” pháp lý

9 năm “gánh vác” sứ mệnh của một văn bản pháp lý riêng cho Thủ đô, các quy định của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đã dần trở nên bất khả thi và không còn phù hợp. Bởi lẽ, Pháp lệnh là do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nên về thứ bậc hiệu lực pháp lý phải “nhường” Hiến pháp và các luật hiện hành. Sự ràng buộc thứ bậc này khiến việc Pháp lệnh trở nên hết sức khó khăn vì những quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước cho HĐND và UBND TP.Hà Nội, các bộ/ngành ở TƯ của Pháp lệnh lại trái với quy định của các luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cư trú...

Không những thế, nhiều chính sách và định hướng lớn trong Pháp lệnh TĐ không thực hiện được do tốc độ đô thị hóa của Hà Nội diễn ra quá nhanh, mạnh, trong khi cơ sở hạ tầng không theo kịp. Đặc biệt, sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính thì một số mục tiêu, phương hướng của TP.Hà Nội mới đã vượt khỏi “tầm kiểm soát” của Pháp lệnh. Những vấn đề thực tiễn của Hà Nội hiện nay và trong tương lai cần có một cơ chế chính sách đủ mạnh để giải quyết.

Vì vậy, cần thiết phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật để có một văn kiện pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TĐ Hà Nội và của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

“Chặt” nhưng “thoáng”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng cho rằng, xây dựng LTĐ phải “nhấn mạnh đến đặc điểm là đô thị “đầu não” của Hà Nội, phải xử lý được những “cái riêng” vốn làm nên TĐ Hà Nội. LTĐ cũng nên có những quy định mang tính “định hướng” để chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong tương lai để tránh phải liên tục sửa luật. Đặc biệt, LTĐ phải là cơ sở pháp lý hỗ trợ để xây dựng được một TĐ văn minh, hiện đại”.

Do đó, cùng với cơ chế, chính sách ưu tiên cho TĐ, dự thảo LTĐ cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với TĐ so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Việc phân cấp quản lý, tạo hành lang “thoáng” hơn cho TĐ cần quy định “chặt” hơn trong một số lĩnh vực nhằm đảm bảo có sự quyết định và tham gia của chính quyền TƯ vào việc xây dựng TĐ.

Đón đầu những vấn đề phát sinh khi những quy định mang tính đặc thù để áp dụng đối với Hà Nội có thể không phù hợp với các quy định pháp luật khác, Điều 8 của dự thảo Luật quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa LTĐ với các luật hiện hành có liên quan thì áp dụng quy định của LTĐ. Nhưng trường hợp các luật ban hành sau LTĐ có các quy định thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ TĐ thì áp dụng quy định của các luật ban hành sau đó để tránh khả năng áp dụng cơ chế cũ lạc hậu.

Dự thảo LTĐ gồm 4 chương 34 điều, quy định rõ vị trí, chức năng; mục tiêu xây dựng phát triển TĐ; nhiệm vụ xây dựng, phát triển bảo vệ TĐ; trách nhiệm của các cơ quan TƯ, Hà Nội và các địa phương, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TĐ. Đặc biệt tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng và phát triển TĐ, để Hà Nội có thể sử dụng và phát huy tối đa lợi thế của mình với tư cách là TĐ của cả nước. 

Định mức phân bổ ngân sách TƯ ban hành chưa tính tới yếu tố đặc thù đô thị nên Hà Nội đề nghị xác lập tỷ lệ điều tiết 50% cho ngân sách TP.

Hiện tại chưa hoàn chỉnh được tuyến đường vành đai theo quy hoạch, các nút giao thông lập thể là quá ít, hiện có 37 nút giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt hiện mới đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân.

Tệ nạn xã hội chưa được giải quyết hiệu quả, trên địa bàn hiện còn 24.000 người nghiện ma túy…

(Nguồn: Báo cáo tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội)

 

Sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tính đến tháng 10/2008, dân số Hà Nội đã có trên 6,5 triệu người; trong đó có 1.412.720 hộ, 5.618.349 nhân khẩu đăng ký thường trú tại nơi cư trú (chiếm 86% dân số); 93.603 hộ, 372.381 nhân khẩu đăng ký thường trú tại phường, xã, thị trấn khác thuộc TP Hà Nội nhưng đến cư trú ổn định tại địa bàn quản lý của cảnh sát khu vực, công an xã (chiếm 6% dân số);

37.316 hộ, 504.511 nhân khẩu (người tỉnh ngoài, lao động thời vụ, học sinh, sinh viên) đăng ký tạm trú, (chiếm 8% dân số); 10 hộ, 134 nhân khẩu sống lang thang trên địa bàn công cộng (chiếm 0,002% dân số; 2.958 hộ, 15.459 nhân khẩu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài tạm trú trên địa bàn TP (chiếm 0,2% dân số).

Mật độ dân số bình quân của toàn TP là 1.948 người/km2 với thành phần dân cư đa dạng; dân số ở 14 quận, huyện cũ của TP Hà Nội tiếp tục tăng, so với năm 2007 tăng 66.089 hộ (8%) và 155.385 nhân khẩu (4%).

(Nguồn: Công an TP.Hà Nội)

Bài 2: “Bệ phóng” cho Thủ đô

Bên cạnh tư cách là một địa phương như 62 tỉnh, TP khác trong cả nước, Hà Nội còn mang theo một trọng trách của một Thủ đô – một TP trung tâm về mọi mặt của cả nước. Vai trò đó đặt ra cho Hà Nội những yêu cầu rất khác, rất đặc thù của một địa phương đặc thù, cần được luật hóa để phát huy.

Quyết định chương trình giáo dục, đào tạo nâng cao

Đến nay, Hà Nội chưa có quy định riêng về chương trình đào tạo (ĐT) chất lượng cao để bắt nhịp cùng với nền giáo dục (GD) tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế. Hiện tại, một số trường chuyên của Hà Nội đào tạo chất lượng cao, nhưng vẫn theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, kết quả thí điểm theo chương trình 07 của Thành ủy về xây dựng một số trường thuộc các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao cho thấy Hà Nội có đủ khả năng để lựa chọn và quyết định chương trình nâng cao đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và thế giới.

Đó là những tiền đề quan trọng để dự thảo LTĐ giao Hà Nội thẩm quyền quyết định chương trình GD, ĐT nâng cao cho một số trường phổ thông do TP quản lý đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm phát triển đồng bộ hệ thống GD&ĐT để TĐ trở thành trung tâm ĐT nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, trung tâm GD&ĐT có uy tín ở khu vực và quốc tế trong tương lai.

Kiểm soát nhập cư tự phát

Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng của quá trình đô thị hóa, với bài toán “chưa thể có lời giải” về việc làm cho người lao động, hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự. Số lượng người nhập cư đến Hà Nội ngày một tăng nhanh theo cấp số nhân. Ước tính trong năm 2010, Hà Nội sẽ có từ 120-130.000 người di cư đến.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, cần có biện pháp kiểm soát việc nhập cư tự phát vào Hà Nội. Trong các dự thảo trước, LTĐ quy định những điều kiện cụ thể về nhập khẩu, lao động ở TĐ. Song Điều 23 dự thảo mới nhất của LTĐ quy định định hướng cho vấn đề quản lý dân cư trên địa bàn TĐ với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung, phù hợp đặc điểm của TĐ. Chính quyền Thủ đô (hoặc Chính phủ) quy định về quản lý dân cư, các biện pháp kiểm soát nhập cư tự phát trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là khu vực nội đô.

Nguồn vốn đầu tư cho phát triển

Tỷ lệ phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách từng địa phương (45% và 55%) hiện nay mới chủ yếu đảm bảo mặt bằng chung giữa các địa phương, chưa tính đến các yếu tố đặc thù của đô thị và chưa đáp ứng được yêu cầu của TĐ, đặc biệt từ 01/8/2008 Hà Nội được mở rộng. Dự thảo đã đề xuất để TĐ được «giữ lại tối thiểu 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp đơn vị hạch toán toàn ngành».

Một số nước còn lập Quỹ dự phòng của TĐ, bản chất là Quỹ tạm ứng để tiếp nhận các khoản tiền từ Quỹ hợp nhất của TĐ với số tiền do luật định và số tiền này do Phó Thủ hiến quản lý và quyết định cho tạm ứng khi cần; quy định cụ thể về từng khoản thu, chi của TĐ, trong đó có tiền do Ngân hàng chuyển đến, tiền thuế, phí, tiền hiến tặng, phần trăm trích lại từ tiền thu thuế, tiền phạt, tiền cho thuê động sản, bất động sản; quy định về hoàn trả cho TĐ những chi phí do TĐ thực hiện chức năng là TĐ của đất nước.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định để chính quyền TĐ tùy vào điều kiện và tình hình thực tế thì Chính quyền TĐ có quyền quyết định mức thu phí, lệ phí cao hơn (có thể gấp từ 2,5 đến 3 lần) so với mức thu theo quy định hiện hành nhằm tránh tình trạng bán phá giá, bán hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm trật tự và an toàn giao thông đô thị, duy trì các dịch vụ ở TĐ…

Được “giao quyền” ban hành VBQPPL

Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình với quy định giao cho Chính quyền TĐ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), song căn cứ từ chính yếu tố đặc thù của TĐ, dự thảo LTĐ vẫn quy định theo hướng cho phép trong trường hợp cần điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn chưa được PL điều chỉnh, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển quản lý, bảo vệ TĐ. Bởi từ thực tế, trong những năm qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong quản lý, điều hành của chính quyền TP.Hà Nội là do sự hạn chế về cơ sở pháp lýthiếu cơ sở pháp lý để ban hành VBQPPL theo thẩm quyền khi cần phải điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong xã hội hoặc cần có những quy định phù hợp, đặc thù hơn với thực tiễn đời sống đô thị.

Tuy nhiên việc ban hành VBQPPL trong trường hợp này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây là sự “giao quyền” hợp pháp nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với nguyên tắc của khoa học pháp lý là PL không thể dự liệu và điều chỉnh được hết những quan hệ xã hội, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Ngoài ra, dự thảo LTĐ còn giành cho TĐ những quy định cụ thể hóa “cơ chế đặc thù” trong các lĩnh vực để xây dựng, phát triển và bảo vệ TĐ. Đây là những viên gạch xây dựng nền tảng, gia cố cho cơ sở pháp lý  làm “bệ phóng” cho TĐ Hà Nội ngày càng phát triển xứng đáng với tầm vóc một TP “đầu não” của cả nước./.

Huy Anh

Hiện nay, các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ của TP như giáo dục, y tế, giao thông và dịch vụ công dường như không đáp ứng kịp thời với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào TĐ. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ suất di cư thuần của Hà Nội là 49,8‰. TP không có đủ kinh phí cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như là tăng khả năng cung ứng dịch vụ công cho người dân để đáp ứng được nhu cầu thực tế đang gia tăng đáng kể; Quỹ đất của nội đô rất hạn chế, diện tích ở bình quân đầu người là 20.8m2/người, với tỷ trọng nhà cho thuê hoặc mượn là 9,4%.

(Trích Dự thảo Bản thuyết minh chi tiết về dự án LTĐ)