Đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống: Dễ tùy chỗ - Khó mọi nơi

23/02/2010
Một quốc gia, một xã hội, một con người không thể một ngày thiếu pháp luật. Ở Việt Nam nếu việc làm luật theo tiêu chí “kéo luật vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào luật” khó một, thì việc đưa các đạo luật đó vào cuộc sống lại càng khó hơn gấp bội. Đôi khi chỉ bởi những lý do rất nhỏ, thậm chí là hình dung...

Mới đây, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ông Nguyễn Văn Tiên đã cho biết, ngay tại các Ủy ban của Quốc hội, việc tiếp thu chỉnh lý các dự án luật đã được QH góp ý kiến cũng rất kỳ công. Có những dự án luật sau khi ĐBQH góp ý xong phải họp vài ba chục cuộc, “tổ chức các hội nghị chuyên gia, cãi nhau như mổ bò vì mỗi người nhìn một cách, có khi cả ngày chỉ thống nhất  được 2-3 điều. Người ngoài nhìn vào nếu không hiểu lại tưởng cãi nhau đến nơi rồi...”. Khâu ở Quốc hội đã thế, khâu chấp bút xây dựng luật tại các cơ quan chuyên môn lại càng nhiều chuyện hơn. Vì vậy, chuyện nợ luật, nợ Nghị định, rồi chuyện “đặt gạch giữ chỗ”... trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã trở thành không hiếm và không quá ngạc nhiên. Từ đó, có thể thấy, chuyện làm luật ở nước ta không hề dễ chút nào. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia pháp luật cũng như những người có thâm niên công tác lâu năm trong lĩnh vực pháp lý, thì những khó khăn của chuyện xây dựng luật vẫn không thấm tháp gì so với chặng đường gian nan: đưa pháp luật vào cuộc sống. Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung lại mấy vấn đề chính: thiếu kinh phí để triển khai, thiếu người có kỹ năng để tuyên truyền và cứng nhắc quá so với cuộc sống nên không thể thực thi, hoặc nếu áp dụng về lâu dài sẽ “lợi bất cập hại”...

Có hai chữ “thiếu”

Với chữ “thiếu” đầu tiên, thiếu kinh phí để triển khai, đây cũng là câu chuyện không mới mẻ gì nữa. Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều đạo luật ban hành xong rồi thì để đấy vì thiếu kinh phí triển khai đưa luật vào cuộc sống. Hay nói cách khác, khi xây dựng luật, các nhà làm luật chỉ tính tới mốc luật được ban hành, còn những dự định về “cuộc sống” của nó trong thực tiễn thì không hề tính đến. Thế có khác nào “đem con bỏ chợ” theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT. Nhưng, cũng cần phải nói rằng, hiện nay, kinh phí xây dựng pháp luật mà chúng ta đang áp dụng vẫn còn quá eo hẹp (kinh phí cho hoạt động xây dựng VBQPPL vẫn đang được thực hiện theo Thông tư số 100/2006/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL, theo đó, kinh phí tối đa để xây dựng một văn bản hướng dẫn cấp Bộ là từ 5-7 triệu đồng, Nghị định của Chính phủ là từ 10-15 triệu đồng...) nên chuyện nuôi đạo luật đó khi nó đi vào cuộc sống cũng là chuyện rất khó. Nhìn ra quốc tế, khi bắt tay vào xây dựng một đạo luật, nhà làm luật phải nhìn thấy và lường trước mọi vấn đề, để “đứa con” tinh thần của mình không những ra đời mà còn lớn lên, khỏe mạnh. Hoạt động đánh giá tác động (RIA) sẽ phần nào giúp lượng hóa được vấn đề này. Ở Việt Nam, mặc dù quy định về RIA đã được đưa vào Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, nhưng việc thực hiện xem ra vẫn còn èo uột.

Với chữ “thiếu” thứ hai, thiếu người có kỹ năng để tuyên truyền phổ biến pháp luật. Thoạt nghe thì tưởng đùa, nhưng đây đang là vấn đề nhức nhối của rất nhiều các Bộ, ngành, các địa phương ở nước ta. Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ vừa kết thúc hoạt động điều tra, khảo sát kéo dài từ tháng 9-12/2009 về thực trạng cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các Bộ, ngành Trung ương. Kết quả tổng hợp sơ bộ từ 500 phiếu điều tra được gửi tới các cán bộ, công chức của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành Trung ương cho thấy hiện nay công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn chưa được các cấp lãnh đạo dành nhiều sự quan tâm. Vì thế, báo cáo viên pháp luật chủ yếu vẫn kiêm nhiệm và ít được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền. Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiện hành quá hạn hẹp (120.000/1 buổi giảng 3-4h) cũng là một cản trở không nhỏ. Vì không được quan tâm phát triển, đào tạo kỹ năng, vì thiếu kinh phí nên nhiều khi người tuyên truyền pháp luật cũng chỉ làm cho xong việc, chứ không hề tâm huyết. Có thể thấy sự thật vấn đề qua câu nhận xét của bà Trịnh Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre: “Cách thức theo dõi và chỉ đạo tập huấn pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đi được vào chiều sâu cần thiết. Khi triển khai tuyên truyền một VBQPPL, báo cáo viên thường bê nguyên xi các quy định ra đọc, thay vì cài nó vào các tình huống cụ thể để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Thế nên tuyên truyền tốn kém mà kết quả vẫn như không...”

Lý thuyết thì xám xịt...

Câu tổng kết nổi tiếng của Các Mác “Lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” là lý giải phù hợp nhất cho lý do vì quá cứng nhắc, quá lý tưởng nên chính sách luật khó đi vào cuộc sống, hoặc nếu áp dụng về lâu dài sẽ “lợi bất cập hại”.... Lấy đơn cử hai ví dụ gần với cuộc sống hàng ngày nhất diễn ra mới đây. Thứ nhất, đó là câu chuyện cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng vừa được triển khai từ đầu năm 2010. Đó là một quyết sách đúng, không những phù hợp với chủ trương của thế giới mà còn nhằm cứu vãn công dân Việt Nam - một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do thuốc lá cao. Thế nhưng, xem ra, sau một tháng triển khai, mọi chuyện có vẻ không suôn sẻ như dự tính ban đầu. Bởi lẽ, muốn xử phạt phải có người thực thi và bắt được hành vi, trong khi đó hút thuốc là hành vi rất dễ phi tang và ít bằng chứng, các cơ quan chức năng vốn đã lắm việc cũng không thể cắt cử thêm người để canh, xử phạt mọi nơi, mọi lúc. Rồi thì mức phạt quá nhẹ, cơ chế để ràng buộc người bị phạt bắt buộc phải nộp phạt cũng thiếu khiến cho mọi việc cứ “vẫn y nguyên” vậy thôi.

Khi bắt đầu lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng, không phải đã không có ý kiến cho rằng, việc này là khó khả thi, nên chăng phải làm dần từng bước một. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay cả ở những nước rất phát triển việc này cũng rất khó thực hiện vì thuốc lá, thuốc lào đều có thành phần các chất độc hại nhưng nó vẫn được phép lưu hành, nó không phải là chất độc hại bị cấm sử dụng hoàn toàn như ma tuý. Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng hẳn đã có lý khi đưa ý kiến: “Chúng ta đã hội nhập thì rất nên ban hành luật cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng như các nước đã làm. Song để việc cấm hút được người dân, đặc biệt là những người hút hưởng ứng cũng cần phải có quá trình. Nên mở các lớp tập huấn về bỏ thuốc lá trước khi ban hành luật cấm hút. Bên cạnh đó việc định hướng ngay từ ý thức những người đang hút thuốc lá là rất quan trọng. Nên lập nhiều biển báo cấm hút thuốc, tạo một số buồng hút cho những người hút thuốc lá tại nơi công cộng. Chính điều này sẽ khuyến khích họ bỏ thuốc lá nhiều”.

            Tiếp đến, là vấn đề chính sách pháp luật xung quanh chế độ nghỉ thai sản của chị em phụ nữ. Tính từ năm 1983 đến nay, đã có 4 lần điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản. Thời gian nghỉ thai sản của chị em từ 6 tháng điều chỉnh xuống 4 tháng vì một lý do rất đáng buồn: do chính chị em kiến nghị giảm vì sau khi nghỉ 6 tháng, nhiều chị em phải đối mặt với nguy cơ mất việc. Thời gian nghỉ bị rút đi không biết có hóa giải được nguy cơ mất việc hay không, nhưng tỉ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ em Việt Nam xếp vào loại cao nhất thế giới là đã thấy. Một trong những nguyên nhân là do chỉ có 17% số bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Có những đứa trẻ đã phải tập bú bình, ăn sữa ngoài ngay từ tháng đầu tiên để chuẩn bị cho việc mẹ đi làm. Bên cạnh đó, khi mẹ đi làm sớm, con phải có người trông, mà các trường mầm non lại rất ngại trông trẻ dưới một năm tuổi, buộc các phụ huynh không có điều kiện phải gửi con đến các nhóm trẻ gia đình. Hệ quả của việc chăm sóc nuôi dưỡng của các nhóm trẻ gia đình lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn.

            Mới đây, nội dung Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH đã quy định từ 13/02/2010 phụ nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nâng thời gian nghỉ từ 4 tháng lên 5 tháng. Đối tượng được thụ hưởng mới chỉ khoanh vùng ở đó, nhưng dù sao đây vẫn là tin đáng mừng vì chúng ta đã thấy sự “lợi bất cập hại” của việc quy định phụ nữ được nghỉ thai sản quá ngắn. Hay nói như ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: “Các bà mẹ được khuyên nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhưng thời gian nghỉ thai sản quá ngắn gây ra nhiều hậu quả không hay, đặc biệt là tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Do vậy, tăng thời gian nghỉ sinh cho phụ nữ sau sinh là giải pháp mà phải nên tính đến.”

Kết

            Nói như vậy, không có nghĩa là mọi đạo luật đều không thể đi được vào cuộc sống. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang sống và làm việc theo pháp luật đấy thôi. Thế nhưng, nói vậy để hiểu đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống không phải là vấn đề dễ dàng gì, hay nếu có dễ thì cũng chỉ dễ tùy chỗ mà khó mọi nơi. Vì thế cần phải có một sự hoạch định từng đường đi nước bước, thậm chí luật hóa một số khâu nếu thấy cần thiết. Khi đó, mọi khó khăn sẽ được hóa giải và người hưởng lợi sẽ là chính chúng ta - những công dân!

Xuân Hoa