Để thầy và trò cùng song hành

23/02/2010
Là mục tiêu lớn mà trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian gần đây đã hướng tới khi tăng tần suất cũng như chất lượng tổ chức cho sinh viên cơ hội gặp mặt lãnh đạo nhà trường, chuyên gia pháp lý, các luật sư, cán bộ tư pháp, tòa án... qua các buổi giao lưu. Đây là một cách làm mới, một hướng đi mới nhưng đã sớm cho thấy hiệu quả.

Các em đã không sai khi chọn luật

Khỏi nói cũng biết, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội vui mừng như thế nào khi trên bảng tin sinh viên có các dòng thông báo: Hiệu trưởng nhà trường sẽ trực tiếp đối thoại, giao lưu cùng sinh viên; Giao lưu định hướng nghề nghiệp với cán bộ tư pháp, tòa án, luật sư.... Bởi, dù là sinh viên mới vào năm thứ nhất, hay đã theo học được một, hai năm, trong lòng nhiều em vẫn không tránh nổi nỗi băn khoăn: Liệu mình có đúng không khi chọn học luật? Cũng không có gì khó hiểu khi sinh viên luật lại băn khoăn như vậy, vì không ít em đã tâm sự rằng mình bị bố mẹ cản trở, khuyên bảo khi quyết định thi vào trường luật. Với vô số lý do nghe rất có lý như: học luật ra rất khó xin việc, thời gian đầu tư cho một cán bộ pháp luật dài hơi hơn các ngành khác, nghề luật là nghề khó, khổ nhưng thu nhập còn hạn chế.... Thêm vào đó, chương trình học có vẻ hơi nặng nề, cứng nhắc, ít thực tiễn... cũng khiến cho nhiều em dao động. Và, khi đó chỉ có tình yêu đối với luật pháp sâu sắc đến thế nào mới giúp các em luôn “chung thủy” với giảng đường.

Vì thế, thầy Hiệu trưởng Hoàng Thế Liên (và cũng là Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp) tại buổi giao lưu, đối thoại với sinh viên đã tới tiếp nhận được những câu hỏi vừa như thắc mắc, lại vừa như tâm sự của các em: “Mấy năm gần đây, điểm tuyển sinh vào trường thường không có tính cạnh tranh cao vì lý do học ra khó xin việc. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đầu vào của sinh viên. Nhà trường có phương án nào để nâng cao?” hay “Nhà trường có nắm được con số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và có cách gì để cải thiện tình hình?”... Với tư cách là người thầy, người anh, người đi trước, thầy Hiệu trưởng đã làm an lòng sinh viên của mình bằng lời khẳng định, khoảng 70-80% sinh viên luật ra trường tìm được việc làm đúng chuyên môn. Khó khăn chỉ là những rào cản tạm thời, bởi mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền, sống và làm việc theo pháp luật nên tầm quan trọng của cán bộ pháp luật sẽ ngày càng được khẳng định trong cái nhìn của xã hội, cộng đồng. Nhưng, thầy vẫn không quên nhắc nhở, chính các em mới là người quyết định vận mệnh của mình. Và, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để sinh viên của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã vững kiễn thức, giỏi kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ pháp lý lưu loát (ĐH Luật Hà Nội đã trình lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề án thành lập Khoa Tiếng Anh pháp lý).

Không chỉ thầy Hiệu trưởng, mà một lần nữa những băn khoăn về việc chọn nghề của sinh viên đã được hóa giải khi các em có dịp tiếp xúc với các cán bộ Tư pháp, công chứng, luật sư, tòa án... tại buổi giao lưu “Nghề luật cho tương lai”. Những khách mời, tuy đã thành danh, nhưng cũng từng là sinh viên hoặc giáo viên của trường, nên hơn ai hết họ hiểu rất rõ các em, bởi đó cũng là hình ảnh của chính họ ngày xưa. Luật sư Ngô Ngọc Thủy - Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Thủy (nguyên là Chủ nhiệm Khoa Tư pháp, Khoa Pháp luật hình sự - ĐH Luật HN) nhắn nhủ: “Xã hội rất cần luật. Nghề luật là nghề của tương lai, các em đã đúng khi lựa chọn”

Yêu nghề và chịu khó làm việc

Tiếp xúc với người viết bài này sau các buổi giao lưu, nhiều sinh viên đã tâm sự rằng mình đã thấy yên tâm hơn, yêu ngành học và khát khao được công hiến hơn. Đó cũng chính là mong muốn của những người đã chủ trương và đứng ra tổ chức giao lưu. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Thế Liên tâm sự: “Trong quá trình làm việc tại Bộ Tư pháp và nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức, tôi thấy sinh viên luật tuy kiến thức rất vững nhưng chưa có tính hướng nghiệp, lại rất kém về kỹ năng. Đây cũng là phản hồi của nhiều cơ quan tư pháp, công ty luật. Điều này cản trở không nhỏ đến quá trình xin việc cũng như hòa nhập môi trường làm việc mới của sinh viên. Vì thế, khi nhận cương vị Hiệu trưởng, tôi đã tự đặt nhiệm vụ cho mình là phải cố gắng tối đa đưa thực tiễn đến với các em, bởi luật chính là đời. Như Bác Hồ đã từng nói “Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người”.

Tại các buổi giao lưu, sinh viên không những được hiểu hơn, gần gũi hơn với lớp đàn anh đi trước để có thể chia sẻ những nỗi niềm, mà các em cũng được nhận lại từ họ những kinh nghiệm, những bài học, những đúc rút để có được thành công ngày hôm nay. Chẳng thế mà, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã không ngại ngần “bật mí” bí quyết của mình cùng các em. Đó là yêu nghề và chịu khó làm việc. Cẩn thận hơn, ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp còn gửi tới các em lời khuyên, người làm nghề luật không nên chỉ biết mỗi luật mà còn phải vững kiến thức xã hội, văn hóa, kinh tế để hỗ trợ. “Thế nên các em đừng bỏ phí một phút giây nào khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để đọc và tìm hiểu”. Đúc rút từ mình, luật sư Ngô Ngọc Thủy yêu cầu sinh viên “phải tập sống và suy nghĩ bằng chính nghề nghiệp của mình”, khi đó thành công sẽ đến.

Không có nghề nào là không khó và nặng nề trách nhiệm, nhất là người làm nghề luật với cương vị thay mặt Nhà nước cầm cán cân công lý. Thế nên, Phó Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC Vũ Thế Đoàn đã dặn dò những người sẽ kế tiếp mình trong tương lai rằng, trách nhiệm của một người thẩm phán đối với xã hội rất lớn. Nếu tắc trách thì hậu quả sẽ không đơn giản chỉ là quyền lợi của công dân, tổ chức mà còn là uy tín của Tòa án, Nhà nước, quốc gia.... Cứ như thế, qua những lần gặp gỡ, lòng yêu nghề được hun đúc, tinh thần trách nhiệm được khởi động, và quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn là những gì mà đàn anh đi trước đã để lại trong lòng sinh viên. Và, không chỉ sinh viên, các giáo viên qua giao lưu cũng thấu hiểu sinh viên của mình hơn, ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình hơn trong việc truyền giảng kiến thức, dẫn dắt các em vào đời.

Sẽ là “ông bầu” cho sinh viên

Đó là lời khẳng định của thầy Hiệu trưởng Hoàng Thế Liên khi ông nhận thấy những buổi giao lưu đã bắt đầu có những tác dụng tích cực đến tâm lý, suy nghĩ, thái độ học tập của sinh viên. Tuy nhiên, ông vẫn rất khiêm tốn khi cho rằng đây không phải là sáng kiến hay cách làm mới của nhà trường, mà đơn giản chỉ là lãnh đạo nhà trường đang làm theo nguyện vọng của chính sinh viên. “Chúng tôi sẽ là “ông bầu” cho các em để các em có đủ kiến thức, kỹ năng và thực tiễn trước khi bước vào đời”. Lắng nghe, hiểu, chia sẻ cùng sinh viên - đó là con đường họ đã chọn.

Xuân Hoa

“Hãy coi chúng tôi như những người anh đi trước”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng đã mở đầu buổi gặp gỡ và đối thoại với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội vào tháng 3/2009 như thế và rất nhiều những khúc mắc, tâm tư nguyện vọng của sinh viên cũng như kinh nghiệm của người đi trước đã được Bộ trưởng lắng nghe, chia sẻ. Với nỗi lo của sinh viên về ít cơ hội việc làm đúng ngành, nghề sau khi tốt nghiệp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Việt Nam đang trên bước đường xây dựng nhà nước pháp quyền và cuộc sống không thể thiếu pháp luật nên không có chuyện sinh viên luật không có cơ hội việc làm, chỉ sợ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Về phần mình, ngành Tư pháp đã từ lâu rất quan tâm đến vấn đề này, thể hiện qua việc Bộ Tư pháp đang phối kết hợp với trường ĐH Luật Hà Nội thực hiện Đề án xây dựng trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm, trong đó vấn đề dạy - học lý thuyết, thực tiễn pháp lý được đặc biệt chú trọng.