Thực thi Luật Bình đẳng giới: Luật thôi chưa đủ!

26/02/2010
Sau hơn hai năm có hiệu lực Luật Bình đẳng giới (BĐG) đã tạo đà cho những chuyển biến tích cực về nhận thức, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự nghiệp phát triển con người và BĐG ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả ở tầm vĩ mô, vì trong cuộc sống, Luật BĐG đang trong tình trạng “có mà như không”.

Không thực hiện vẫn không sao!

Với một hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành “đủ lễ bộ”, pháp luật BĐG được “trang bị” từ Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành liên quan như Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính đến các chính sách theo quy định của pháp luật do các Bộ, ngành, đoàn thể ban hành. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức về giới và BĐG nói chung, công tác nữ công và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, Luật BĐG đang “trốn” đâu đó trong nhận thức của xã hội, thi thoảng hoặc xuất hiện trong một số hội thảo, tọa đàm, rồi lại “trở về quên lãng”. Do đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Luật BĐG, hoặc có thực hiện thì còn mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các quy định pháp luật về BĐG trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, mà chưa có biện pháp khắc phục.suốt 30 tháng qua, chưa thấy cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào bị xử lý hành chính vì vi phạm quyền BĐG, cũng bởi đến tận năm 2009 mới có Nghị định hướng dẫn về vấn đề này. Vậy là có luật cũng… để đấy mà thôi!

Biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng Luật BĐG chưa được thi hành triệt để là tỷ lệ phụ nữ tham gia các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở TƯ và địa phương còn thấp. Nguyên nhân của tình hình này theo nhận định của Uỷ ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) thì có nhiều, trong đó có một phần là do quy định về tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam và nữ đã tác động trực tiếp tới cơ hội cho phụ nữ trong việc bổ nhiệm, đề bạt, ứng cử… so với nam giới.

Quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (bao gồm cả cán bộ, công chức) ít hơn nam cùng ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn 5 tuổi là một chính sách của Đảng và Nhà nước ta tạo điều kiện để phụ nữ chăm lo gia đình, bảo vệ sức khoẻ, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, phù hợp với bối cảnh lịch sử khi chính sách ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, có thể được coi như là một "biện pháp đặc biệt tạm thời" nhằm bảo đảm bình đẳng nam và nữ. Song đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, tuổi nghỉ hưu của một bộ phận lao động nữ là vấn đề cần phải quan tâm.

Lúng túng công tác cán bộ

Thực trạng này là đương nhiên khi BĐG được coi là vấn đề mới, lại thiếu biên chế nên đến nay, việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và sắp xếp tổ chức, bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác BĐG còn chậm. Bộ máy các Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, huyện vẫn chưa được kiện toàn và các bộ, ngành còn lúng túng về mô hình tổ chức mà chưa có văn bản hướng dẫn.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BĐG còn mỏng, với 98 cán bộ làm công tác BĐG (tính trung bình mỗi sở có 1,5 cán bộ làm công tác BĐG, tuy nhiên phần đông vẫn là kiêm nhiệm). Cả nước mới có 7 Sở LĐTB&XH thành lập phòng BĐG độc lập hoặc ghép với chức năng khác (TP. HCM, Sóc Trăng, Bình Dương, Phú Yên, Cần Thơ, Hải Phòng và Hà Nam); 51 Sở đặt bộ phận làm công tác BĐG trong Văn phòng Sở, ngoài ra một số Sở giao các Phòng Lao động tiền lương, Phòng Tổ chức cán bộ kiêm công tác BĐG. Một số địa phương chưa phân công cán bộ chuyên trách về BĐG.

Trong khi đó, lực lượng này lại chưa được đào tạo kiến thức về giới, BĐG và kỹ năng lồng ghép giới, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BĐG cũng như Luật BĐG còn rất hạn chế.

Đã vậy, công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật BĐG cũng rất hình thức; còn tồn tại quan niệm coi BĐG đồng nhất với công tác phụ nữ, cho đây là trách nhiệm chính của cơ quan vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, của ngành LĐTB&XH, thậm chí của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, mà thiếu vắng sự chủ động, tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là hậu quả của việc Luật BĐG được thực thi “hời hợt”. Do đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để Luật BĐG đi vào cuộc sống, trước mắt phải tập trung bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giới và BĐG. Song đây thực sự sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”, kéo theo sự “quên lãng” Luật BĐG nếu “bất BĐG vẫn được nhìn nhận là vấn đề của phụ nữ, mà không được đánh giá đúng vị trí là vấn đề của xã hội” như nhận định của TS. Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen – TP.HCM)./.

Trúc An

TS. Nguyễn Đài Trang - giảng viên khoa Phụ nữ học (ĐH Toronto Scarborough, Canada): “BĐG không phải là vấn đề của giới nữ, của gia đình. Ở Việt Nam, rất ít con số thống kê, rất hiếm hoi những nghiên cứu thực nghiệm, nên vấn đề bất BĐG chưa thật sự được định lượng. Để giải quyết được tình trạng bất BĐG, có luật thôi chưa đủ mà cần một sự thay đổi có hệ thống, với nhiều giải pháp có tính khoa học”.