Đơn giản hoá 256 thủ tục hành chính ưu tiên: Tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng/năm

04/03/2010
Chiều 01/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là TCTCT), TCTCT đã có cuộc họp giao ban với các Bộ, ngành về giai đoạn rà soát - giai đoạn 2 của Đề án Đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30).

TCTCT thông báo, đến nay, các Bộ ngành và địa phương được giao nhiệm vụ đã hoàn thành việc rà soát và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án đơn giản hoá đối với 256 TTHC ưu tiên theo hướng từng bước tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tổ phó TCTCT Ngô Hải Phan cho biết thêm, trong quá trình thực hiện rà soát, nhiều Bộ, ngành đã tích cực, chủ động đưa ra các phương án cắt, giảm các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình. Nổi bật là các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, Bộ Tài chính là đơn vị có khối lượng TTHC được ưu tiên rà soát trong đợt nhiều nhất, chiếm tổng số 1/3 tổng số TTHC (86/256); các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 300 nghìn DN. Nhưng lại là ngành có chất lượng rà soát tốt nhất, bảo đảm mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC của Thủ tướng. “Riêng đối với lĩnh vực tài chính, nếu đề xuất đơn giản hoá được chấp thuận có thể giúp cắt giảm 2.100 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC đối với người dân và DN”, ông Phan nói.

Tại cuộc họp giao ban, đại diện Tổ công tác Đề án 30 của các Bộ ngành cũng đã mạnh dạn nêu ra những vướng mắc của mình. Theo Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 30 của Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quá trình tham vấn, rà soát đã có nhiều TTHC mới được ban hành thì các thủ tục đó có cần phải tiếp tục rà soát không hay chúng không nằm trong phạm vi giai đoạn 2 của Đề án 30. Đến từ Tổ công tác Đề án 30 của Bộ LĐTB&XH, bà Đào Hồng Lan thì cho rằng, chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các Bộ, ngành dẫn đến “đầu vào” của một TTHC ở bộ này lại do một bộ khác tính chi phí gây khó khăn cho người dân và DN. Chẳng hạn, để hoàn tất hồ sơ của thủ tục gia hạn, thay đổi giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại Bộ LĐTB&XH thì phải xác định được chi phí của giấy chứng hành nghề y dược tư nhân mà đây thuộc phần việc của Bộ Y tế. Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 30 của Bộ TNMT Trần Quý Kiên thẳng thắn thừa nhận, vấn đề kinh phí Bộ dành cho Tổ là rất hạn hẹp. “Thấy Bộ Tài chính tổ chức tập huấn, hội thảo ở Hạ Long, Quảng Ninh mà thèm nhưng quả thật chúng tôi không biết lấy kinh phí đâu ra”, ông Kiên bộc bạch.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Phúc khẳng định: “Kết quả rà soát 256 TTHC ưu tiên cho thấy nếu triển khai thực sự có chất lượng, lợi ích của việc đơn giản hoá TTHC là rất lớn, giúp tiết kiệm tới trên 6 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, lợi ích tiềm năng của việc đơn giản hoá trên 5.400 TTHC còn lại còn lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm nếu chúng ta đưa ra được các phương án cải cách tích cực, vừa tạo thuận lợi cho người dân và DN, đồng thời vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý của nhà nước”. Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng và nặng nề của Đề án 30 trong năm 2010 là việc rà soát 5.400 TTHC còn lại nhằm phát hiện những thủ tục không cần thiết, không hợp lý và không hợp pháp để trình Chính phủ xem xét loại bỏ hoặc đơn giản hoá các TTHC này. Vì vậy, ông Phúc đề nghị, mục tiêu trước mắt đối với các Bộ, ngành từ nay đến cuối tháng 3/2010 là hoàn thiện các phương án rà soát đối với các TTHC còn lại cũng như tiến hành tính toán chi phí tuân thủ TTHC để cắt giảm được 30% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng Bộ, ngành.

Thục Quyên