Cấp dưỡng nuôi con  theo Luật Hôn nhân - Gia đình: Vì sao trở thành “nợ khó đòi”?

10/03/2010
Trong nhóm điều khoản của Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 liên quan đến vấn đề cấp dưỡng, có một điều khoản thường xuyên được áp dụng, đó là nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con khi ly hôn (Điều 56). Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực thi  điều khoản này còn rất nhiều vấn đề vướng mắc có nguyên nhân khách quan từ chính những người trong cuộc, cũng như nguyên nhân chủ quan của những quy định pháp luật.

Trọng tiền, nhẹ con

Quá bức xúc, chị Nguyễn Thị Tuyết ở Phú Yên tìm đến một Trung tâm tư vấn pháp lý để bộc bạch nỗi ấm ức của mình. Theo lời chị kể sau 10 năm chung sống, vợ chồng chị đã ra tòa ly hôn. Phán quyết của tòa án giao cho chị nuôi hai con nhỏ 5 và 9 tuổi, còn người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1 triệu đồng. Thế nhưng kể từ thời điểm có phán quyết của toà là tháng 1/2006 đến nay, chị chưa hề nhận được một đồng tiền cấp dưỡng nào từ người chồng cũ, dù đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan có thẩm quyền. Vừa qua, do một đứa con bị tai nạn, chị đã phải bán nhà chữa chạy cho con và hoàn toàn rơi vào tình cảnh bế tắc về kinh tế. Thế nhưng khi chị tìm đến nhà chồng cũ đã bị vợ chồng anh này xua chó ra sủa đuổi ầm ĩ...

Tình cảnh của chị Tuyết cũng là tình cảnh của hàng trăm nghìn người phụ nữ khác đang phải đối mặt sau khi ly hôn. Đành rằng, Luật Hôn nhân-Gia đình và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân-Gia đình năm 2000 đã quy định “người không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con” và đây là nghĩa vụ của cha, mẹ nên không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Thế nhưng, trong thực tế không phải người có nghĩa vụ cấp dưỡng nào cũng nhiệt tình với việc mở hầu bao cho những đứa con máu mủ của mình. Còn với người trực tiếp nuôi con thì quả đây là một món nợ khó đòi.

Vướng mắc từ pháp luật

Mức tiền cấp dưỡng nuôi con 1triệu đồng/tháng ở ví dụ trên có thể nói là những mức tương đối khá khẩm so với thực tế về cấp dưỡng hiện nay. Bởi, đã và đang tồn tại những mức cấp dưỡng 150.000 đồng/ tháng, rồi thậm chí 30.000 đồng tháng trong thời gian kéo dài đến tận năm 2015 (!) khi đứa trẻ được cấp dưỡng đủ 18 tuổi. Tại sao lại có những mức cấp dưỡng thấp một cách kỳ cục và bất hợp lý so với mặt bằng cuộc sống đến vậy? Nghiên cứu quy định của luật cho thấy mức cấp dưỡng cho con do cha mẹ thỏa thuận và nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa giải quyết. Cũng về vấn đề này, Khoản 2 Điều 16 của Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân – Gia đình quy định, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh...Có thể thấy, quy định của tòa án về mức cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Mà hầu hết các vụ án ly hôn, con cái còn ở lứa tuổi rất nhỏ, phải 14-16 năm sau mới đủ 18 tuổi. Trong quãng thời gian dài đó, cuộc sống có nhiều biến động mà mức cấp dưỡng lại bất di bất dịch nên đã trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi con.

Một quy định nữa của pháp luật là khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì cơ quan thi hành án phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp trả tiền lương, tiền công lao động cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng (Khoản 3 Điều 20 Nghị định 70). Thế những trên thực tế, có những trường hợp theo đơn yêu cầu của người trực tiếp nuôi con, chấp hành viên đã phải đi năm lần bảy lượt đến cơ quan, tổ chức nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang công tác nhưng hầu như lần nào cũng nhận được sự từ chối vì cho rằng đó không phải là nghĩa vụ của họ. Nhưng, trên thực tế chủ yếu là do họ ngại va chạm, nhất là khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng lại là những người có máu mặt trong cơ quan.

Từ những bất cập trên có thể thấy, các quy định về cấp dưỡng vẫn còn rất chung chung, thiếu cụ thể. Điều này khiến cho tòa án khi phán xử chỉ còn biết căn cứ và điều kiện thực tế cụ thể của từng trường hợp. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà mức cấp dưỡng mỗi nơi, mỗi vẻ. Mặt khác, việc thiếu các chế tài cứng rắn hơn để ràng buộc những người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phải có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan tư pháp thực hiện cũng là một cản trở không nhỏ, biến cấp dưỡng nuôi con thực sự trở thành món nợ khó đòi.

Xuân Hoa

Mức cấp dưỡng căn cứ vào mức tiền lương tối thiểu

Để khắc phục bất cập của luật, có ý kiến cho rằng nên pháp luật nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu làm định khung để quy định mức cấp dưỡng (kể cả trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không phải người làm công ăn lương). Để đến khi có sự thay đổi về mức lương thì căn cứ vào đó cơ quan thi hành án áp dụng vào từng thời điểm thi hành án thì mới có thể bảo đảm quyền lợi cho người được cấp dưỡng và tránh thiệt thòi cho người trực tiếp nuôi con.

 

Cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn - cũng khó thực thi

Ngoài quy định về cấp dưỡng cho con, Luật Hôn nhân - Gia đình còn có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn (Điều 60). Tuy nhiên. khác với việc cấp dưỡng nuôi con, cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn được quy định chặt chẽ là người được cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và bản thân họ phải có yêu cầu và  yêu cầu đó phải có lý do chính đáng...Thế nhưng, trên thực tế điều luật này cũng không được thực hiện vì lý do đương sự không biết có quy định như vậy hoặc biết, có yêu cầu nhưng bên kia chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi con. Đây cũng là một điều luật khó thực hiện vì thiếu chế tài ràng buộc.