Từ chuyện Hà Nội phạt nặng hành vi đổ rác sai quy định: Xây dựng Luật Đường phố - tại sao không?

10/03/2010
Từ ngày 03/3, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng hình thức phạt hành chính đối với hành vi đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định. Mức phạt cao nhất lên đến 15 triệu đồng. Từ việc làm này của Hà Nội, không ít nhà hoạch định và xây dựng luật nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc cần có một đạo luật để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến đường phố

Phạt nặng thì Hà Nội mới sạch?

Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tại cuộc vận động “Toàn dân không vứt rác, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng” diễn ra vào tháng 11/2009.  Đây có thể coi là một cuộc vận động lớn nhất từ trước tới nay của Hà Nội về vấn đề rác. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ rác sinh hoạt thải ra tại khu vực đô thị từ hai thành phố Hà Nội và Hà Đông là khoảng trên 3000 tấn/ngày. Để thu gom được số rác thải trên, Hà Nội đã phải chi ra một lượng tiền không nhỏ. Các cán bộ, công nhân của công ty vệ sinh môi trường cũng làm việc hết sức vất vả. Tuy nhiên, do ý thức kém của một bộ phận người dân dẫn đến việc vứt, đổ rác bừa bãi, đô thị Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều khu vực ô nhiễm, mất mỹ quan do rác. Và, điều đáng buồn là người ta đã quen với những lỗi vi phạm, và cho nó là điều hiển nhiên nên tất cả những hành vi đổ rác ra đường đều được thực hiện một cách công khai, giữa ban ngày ban mặt, trước mặt thiên hạ mà không hề bị phản đối.

Nhận định của lãnh đạo thành phố cho thấy, việc tuyên truyền đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ thu gom là rất quan trọng. Nhưng vì trong một thời gian dài người dân Hà Nội đã “trót” quen với hành vi vô tư xả rác nên bên cạnh việc tuyên truyền thành phố nhất thiết bổ sung các quy định chế tài, xử phạt. Nói là làm, bắt đầu từ ngày mai-3/3 thành phố Hà Nội sẽ áp dụng hình thức phạt hành chính đối với hành vi đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định. Mức phạt cao nhất lên đến 15 triệu đồng. Đây chính là các mức xử phạt được thực hiện theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quan lý phát triển nhà và công sở và các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Rõ ràng rằng bên cạnh việc tuyên truyền, chủ trương của Hà Nội là từ đây sẽ phạt thật nặng các hành vi làm bẩn thành phố. Hay nói cách khác, phải phạt nặng thì Hà Nội mới mong sạch, đẹp. Thế nhưng, ai sẽ là người trực tiếp đi rong ruổi các tuyên phố, theo dõi để thực thi chuyện xử phạt thì chưa thấy nói tới. Đó là chưa tính đến sẽ có hàng loạt các vấn đề phát sinh phải giải quyết như không chịu nộp phạt, cự cãi với người thực hiện... (chuyện này đã từng xảy ra không ít giữa người dân và các công nhân môi trường) thì chế tài xử lý là thế nào?

Nên nghĩ tới một đạo luật cho đường phố

Từ cách đặt vấn đề trên, có thể thấy, việc làm của Hà Nội tuy rất hay, rất thiết thực vào thời điểm này nhưng cũng chỉ là một giải pháp tình thế, chứ không giải quyết được tận căn nguyên của vấn đề. Không chỉ là vấn đề rác thải, Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước nói chung (toàn quốc hiện có 754 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III) hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trước tốc độ phát triển như vũ bão của dân số, giao thông... Tình trạng tăng dân số quá nhanh ở các đô thị lớn làm cho hệ thống hạ tầng quá tải và nhanh chóng xuống cấp, trong khi việc cải tạo, chỉnh trang chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động xây dựng trên đường phố trong đô thị nên việc xây dựng công trình không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lộn xộn trong treo biển quảng cáo, dây điện, dây cáp, đào đường, hè bừa bãi gây mất an toàn, ùn tắc giao thông do chưa có văn bản quản lý thống nhất hoạt động xây dựng trên đường phố trong đô thị...

Chính vì thế, hơn một lần các nhà hoạch định và làm luật đã đề xuất ý kiến cần nghiên cứu xây dựng Luật Đường phố. Riêng về vấn đề rác, luật có thể đưa ra những quy định cụ thể vể các thùng rác công cộng vì có vẻ như Hà Nội và các thành phố lớn trên đất nước hiện nay vẫn thiếu các thùng rác công cộng, cũng như khoảng cách cần thiết giữa các nơi đặt thùng rác vì trên thực tế có nhiều nơi có vài ba thùng rác đặt sát gần nhau, trong khi những chỗ khác lại chẳng thấy chiếc nào.  Một vấn đề nữa là chế tài đối với những người bị bắt quả tang vứt rác bừa bãi.  Thay vì các biện pháp phạt khác, những người phạm tội nhỏ nhặt có thể thu gom rác rưởi như một hình phạt làm dịch vụ công ích. Điều này giúp nâng cao ý thức của mọi người và là một cách để biến cộng đồng trở nên sạch hơn.

Hồng Minh

Từ 3/3, cá nhân và hộ gia đình đổ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi qui định sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải rắn trong quá trình thu gom, vận chuyển; phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ chất thải rắn thông thường không đúng nơi qui định...