Đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến: Tạo thuận lợi cho người dân

12/03/2010
Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) đã đề cấp đến một số vấn đề chung về thủ tục đăng ký trực tuyến.

Đáp ứng quy luật phát triển

Hình thức đăng ký trực tuyến các GDBĐ bằng động sản đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia có hệ thống ĐKGDBĐ phát triển từ nhiều năm trước đây. Ở nước ta, nhiều giao dịch cũng đã được thực hiện thông qua cơ chế điện tử hoá, góp phần hiện đại hoá các phương thức thanh toán, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như chất lượng của các loại hình dịch vụ.

Theo đánh giá của nhiều khách hàng tại các Trung tâm ĐKGD tài sản (Cục ĐKQGGDBĐ – Bộ Tư pháp), thủ tục ĐKGDBĐ hiện nay “làm mất nhiều thời gian” của khách hàng. Vì vậy, với những tiện ích của phương tiện điện tử, việc đăng ký trực tuyến được thực hiện “sẽ góp phần giảm thời gian, chi phí cho người dân khi có yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin về GDBĐ, cũng như đi đúng quy luật phát triển” là nhận định của bà Đinh Hồng Ngân (Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội – Habubank).

Bên cạnh đó, hình thức đăng ký trực tuyến cũng bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đăng ký, góp phần phòng chống tham nhũng, hạn chế tình trạng quan liêu, cửa quyền của cán bộ đăng ký và thay đổi tư duy về cơ chế “xin”, “cho” của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, hình thức đăng ký trực tuyến cũng là cơ sở để xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDBĐ – là một bước đột phá, đổi mới phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký và tìm hiểu thông tin về GDBĐ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước thống nhất về ĐKGDBĐ.

Lường trước vấn đề phát sinh

Khẳng định ủng hộ 100% việc áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến, ông Nguyễn Văn Trung (Ngân hàng TMCP Quân đội – MB) vẫn lo ngại về một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của hình thức này như xác định tính chân thực của thông tin, tính tự nguyện và năng lực hành vi của người đăng ký, khả năng bảo mật thông tin, xác định lỗi trong quá trình đăng ký, xử lý các hành vi lừa đảo qua đăng ký trực tuyến...

Thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nước ta hiện nay cơ bản cũng đáp ứng được yêu cầu về đăng ký trực tuyến. Dù vậy, không thể tránh xảy ra những trường hợp lỗi mạng, nghẽn mạng khiến việc đăng ký không thực hiện được đúng thời điểm, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Hơn nữa, như nhiều khách hàng khác, bà Đinh Hồng Ngân băn khoăn về các yếu tố kỹ thuật có thể khiến khách hàng không tin tưởng hoạt động đăng ký trực tuyến mà vẫn phải kiểm tra lại bằng các hình thức trực tiếp. Như vậy sẽ gây lãng phí thời gian và nếu xảy ra nhiều lần sẽ làm mất niềm tin của khách hàng đối với hình thức vốn được kỳ vọng làm thay đổi hoạt động ĐKGDBĐ này.

Bảo mật thông tin ở mức độ tối đa

Đó là mong muốn của nhiều khách hàng đối với hình thức đăng ký trực tuyến mà dự thảo NĐ thay thế NĐ 08 đề cập đến. Dự thảo NĐ mới quy định việc bảo mật và sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến, song khách hàng lại rất quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin ĐKGDBĐ. Việc cung cấp thông tin ĐKGDBĐ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về ĐKGDBĐ nói riêng. Song bà Đinh Hồng Ngân đề nghị, mức độ cung cấp thông tin phải được quy định rõ hơn trong dự thảo NĐ và có chế tài về bảo mật thông tin để thông tin liên quan đến tài sản, giao dịch của người đăng ký không bị tự động truy cập, sử dụng.

Với kinh nghiệm thực tiễn của một cán bộ pháp chế ngân hàng, ông Nguyễn Văn Trung còn thấy rằng, cơ chế kiểm tra thông tin sau khi đăng ký cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo tối đa tính ổn định của giao dịch. Và không chỉ quy định chặt chẽ về vấn đề bảo mật thông tin, dự thảo NĐ và các văn bản hướng dẫn sau khi NĐ được ban hành còn phải quan đến “phạm vi đăng ký đối với những giao dịch liên quan đến những tài sản tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, có thể liên quan đến an ninh quốc gia (như tàu bay, tàu biển...) thì nên yêu cầu trực tiếp.

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến đăng ký trực tuyến cần phải giải quyết. Vì vậy, sau khi NĐ thay thế NĐ 08 được ra đời, cùng với các  Thông tư hướng dẫn thi hành sẽ là hành lang pháp lý để cơ quan quản lý Nhà nước về ĐKGDBĐ xây dựng Đề án triển khai áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến trên cả nước, phát huy hiệu quả của hình thức đăng ký này, đáp ứng sự tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trúc An

Tính từ ngày 01/01/2004 đến ngày 01/12/2009, các Trung tâm ĐKGD tài sản đã tiếp nhận và giải quyết 497.098 đơn yêu cầu đăng ký.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2002 đến đầu tháng 9/2009, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký được 45 giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, từ năm 2002 đến đầu tháng 9/2009, số lượng tàu biển được đăng ký thế chấp, cầm cố là 1.194 trường hợp.