Pháp lệnh ngoại hối: Cũng cần theo kịp thị trường!

15/03/2010
Khi nền kinh tế bị rơi vào vào tình trạng “đôla hóa” thì “nạn nhân” đầu tiên bị đưa ra luận tội là Pháp lệnh Ngoại hối với qui định tại Điều 22 và Khoản 2 Điều 24. Nhưng theo nhiều chuyên gia pháp luật, Pháp lệnh đang bị “oan” dù cũng đã “đuối sức” trước sự phát triển của qui luật thị trường...

Qui định chặt chẽ

Điều 22 và Khoản 2 Điều 24 bị cho là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi Điều 22 cấm mọi giao dịch bằng ngoại tệ thì Khoản 2 Điều 24 lại cho gửi rút tiết kiệm bằng ngoại tệ. Nhưng xem xét kỹ 2 điều này mới thấy Điều 22 cấm sử dụng ngoại hối (trong đó có ngoại tệ) trong “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú” trên lãnh thổ Việt Nam, trừ “các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”. Còn giao dịch gửi rút tiết kiệm bằng ngoại tệ chính là giao dịch với tổ chức tín dụng - một chủ thể được Pháp lệnh cho phép hoạt động ngoại hối. Vậy là “không có gì mâu thuẫn” như nhận định của LS.Lê Vinh (VPLS Chương Dương) - người từng nhiều năm làm cố vấn pháp luật cho một công ty tài chính.

Từ góc độ một nhà nghiên cứu luật pháp, cũng như kinh nghiệm giảng dạy môn Pháp luật Tài chính - Ngân hàng, ông Võ Đình Toàn (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp) đánh giá, pháp luật hiện hành của chúng ta không cấm sở hữu tài sản là ngoại tệ, mà chỉ cấm những giao dịch không được phép mà thôi (tại Điều 22 của Pháp lệnh). Sở hữu và giao dịch là hai phạm trù khác nhau tương ứng với việc gửi và rút tiết kiệm bằng ngoại tệ không giống với giao dịch bằng ngoại tệ. Do đó, Pháp lệnh Ngoại hối không có lỗi trước tình trạng “đôla hóa” nền kinh tế và những quy định của Pháp lệnh cũng được khá chặt.

Bản chất khi mà kinh tế lạm phát thì giá trị của đồng nội tệ bị sụt giảm và trong giao dịch nếu các nhà kinh doanh không lấy phương tiện thanh toán quốc tế làm chuẩn thì không có lãi- ông Toàn phân tích. Năm 1985, nước ta cũng đã cho nâng giá đồng nội tệ nhưng thất bại. Ngoại tệ mạnh hiện đang được lấy làm thước đo của giá trị các tài sản, ngay cả đối với các giao dịch có giá trị như giao dịch thị trường bất động sản cũng không thể nói là nền kinh tế đã bị “đôla hoá”. Cần phải xem xét đến cả yếu tố về quản lý, điều hành thị trường và tâm lý của người dân “sính” ngoại tệ do độ ổn định tương đối cao của chúng. “Không phải cái gì cũng đổ lỗi cho qui định pháp luật, tình trạng “đôla hóa” nền kinh tế thực chất xuất phát từ yếu tố kinh tế nhiều hơn” - LS.Lê Vinh nhận xét.

Vẫn “vô tình” sai qui luật thị trường

Tuy nhiên, điểm yếu của Pháp lệnh lại ở chính những trường hợp ngoại trừ ở điều 22. Đây là “cánh cửa không hẹp” để đồng ngoại tệ “ngang nhiên” bước vào nền kinh tế nước ta, “chèn ép” đồng nội tệ. Thậm chí, qui định này bị TS.Ngô Huy Cương (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá là “quá ưu đãi hoạt động ngân hàng, gây bất hợp lý cho người dân và doanh nghiệp khác do Nhà nước chưa tính toán hết”.

Cho dù căn cứ vào pháp luật, khi có tranh chấp phải giải quyết tại tòa án thì những điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ đều bị tuyên vô hiệu, nhưng do quy định cấm giao dịch bằng ngoại hối là không phù hợp với quy luật của thị trường nên “cấm cũng không được”. Thị trường giao dịch ngoại tệ (chủ yếu là đôla Mỹ - USD) luôn sôi động và ngoại tệ xuất hiện với tần xuất rất dày trong mọi giao dịch trên thị trường, thông qua các hoạt động ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu, thậm chí cả mua bán bất động sản, động sản giữa các cá nhân.

Vậy là Pháp lệnh đã “hồn nhiên” tạo điều kiện cho “ngoại tệ chợ đen” phát triển. Trong khi theo qui định của pháp luật về ngoại hối, nếu đi làm thủ tục tại ngân hàng liên quan đến ngoại hối thường phải rườm rà về thủ tục, thì ngược lại khi mua bán ngoại hối (nhất là ngoại tệ) ở thị trường tự do quá dễ dàng, nhanh chóng và chưa mấy ai bị mua phải đô la giả cả. Đến đây, Pháp lệnh bị cho là “chứa toàn qui định có hiệu lực... trên giấy

 Luật cần linh hoạt!

Trước thực tế đó, một chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể sửa Pháp lệnh theo hướng “gửi tín dụng bằng ngoại tệ nhưng phải rút ra bằng đồng nội tệ”. Mới nghe có vẻ đây là một ý kiến rất phù hợp để đẩy lùi ảnh hưởng của ngoại tệ, nhất là USD, ra khỏi thị trường Việt Nam. Nhưng theo TS.Ngô Huy Cương (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhà nước muốn sử dụng nguồn ngoại tệ của dân thông qua việc thu hút tín dụng. Nếu qui định chỉ cho rút lãi suất bằng đồng nội tệ thì “không khuyến khích gửi tiền và đưa ngoại tệ vào Việt Nam do ảnh hưởng của tỷ giá”.

Từ đó cho thấy, muốn phát huy tác dụng của Pháp lệnh thì điều quan trọng là lượng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước phải mạnh, ổn định được giá trị của đồng nội tệ, kiểm soát “giao dịch chợ đen” (dù rất khó), kiểm soát nguồn gốc thu nhập của người dân, mạng lưới bảo vệ pháp luật phải hoạt động hiệu quả. Pháp lệnh chỉ tạo ra hành lang pháp lý, còn thực tế áp dụng lại là cả một quá trình.

Bài toán này đặt ra yêu cầu phải cân đối giữa qui luật thị trường, nhu cầu quản lý Nhà nước và tính ổn định của hành lang pháp lý. Do đó, TS.Cương thấy rằng, sửa đổi Pháp lệnh là điều nên làm nhưng chỉ nên tiến hành sau khi đã có tính toán kỹ. Trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi, “đang tập làm ăn” thì nên sửa Pháp lệnh theo hướng linh động, với những chính sách linh hoạt cho từng thời kỳ để khuyến khích nền kinh tế phát triển. Cần cân nhắc, vấn đề nào cần luật hóa, vấn đề nào nên giao Chính phủ qui định cho phù hợp với từng thời kỳ. Không nên vì 1 mục tiêu mà qui định điều chỉnh cả một lĩnh vực, không nên dựa vào yêu cầu của một thời điểm để điều chỉnh lâu dài, tránh phát sinh những bất hợp lý trong thực tiễn thi hành./.

Huy Anh