Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm

18/03/2010
Trong những năm vừa qua, hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta đã phát huy được vai trò trong việc công khai và minh bạch các giao dịch bảo đảm, giúp cá nhân, tổ chức có nguồn thông tin để tra cứu, tìm hiểu trước khi xem xét, quyết định giao kết hợp đồng nói chung và đầu tư, cho vay vốn nói riêng, đồng thời có căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp cần xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hệ thống văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phân tán, một số quy định trùng lặp, mâu thuẫn, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn; thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm chưa thực sự đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Mặt khác việc đăng ký và tìm hiểu thông tin hiện nay hầu hết còn được thực hiện bằng giấy, nên chưa kịp thời, đôi khi làm mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn của cá nhân, tổ chức và gây tốn kém cho các bên liên quan.

Nhằm khắc phục những nhược điểm nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, cải cách, hoàn thiện về thủ tục đăng ký, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từng bước xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đăng ký được tiến hành thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi tối đa cho cá nhân và tổ chức trong quá trình đăng ký và tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm… trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm (thay thế Nghị định 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm).

Dự thảo gồm 5 chương với 56 điều được bố cục như sau:

- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 16).

- Chương II: Quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 17 đến Điều 23).

- Chương III: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 24 đến Điều 49).

Mục 1: Quy định chung về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 24 đến Điều 26).

Mục 2: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay (từ Điều 27 đến Điều 30).

Mục 3: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển (từ Điều 31 đến Điều 34).

Mục 4: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất (từ Điều 35 đến Điều 38).

Mục 5: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản khác (từ Điều 39 đến Điều 44).

Mục 6: Quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (từ Điều 45 đến Điều 49)

- Chương IV: Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (từ Điều 50 đến Điều 53).

- Chương V: Điều khoản thi hành (Điều 54 đến Điều 56).

Sau đây, xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm:

1) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Xuất phát từ quan điểm kế thừa và pháp điển hóa các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phù hợp, ổn định qua thực tiễn áp dụng mà hiện nay đang được quy định chủ yếu ở các Nghị định và Thông tư, đồng thời xây dựng một số quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đảm bảo tính hợp hiến, khả thi, thống nhất và đồng bộ với văn bản pháp luật có liên quan, dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

2) Về đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3)

Để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo Nghị định tập hợp, liệt kê các trường hợp đăng ký bắt buộc (khoản 1 Điều 3) và đăng ký tự nguyện (khoản 2 Điều 3) trên cơ sở đã có các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

3) Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 6)

Dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định chung về thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm, là thời hạn được tính từ thời điểm đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.

4) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 7)

Với mục tiêu cơ bản của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là công khai hoá thông tin về giao dịch bảo đảm và ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, dự thảo Nghị định quy định thời điểm thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

a) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.

b) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào trong Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

c) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định này thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

5) Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký và trách nhiệm quản lý nhà nước (Điều 17, 18, 19, 20, 21)

 Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, đồng thời quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp quản lý và trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương mình, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trong việc xây dựng Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm.

6) Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (Chương III)

Dự thảo quy định chung về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm từ đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký, sửa chữa sai sót đến xoá đăng ký, trong đó khái quát các thủ tục chung được áp dụng đối với đăng ký các loại giao dịch bảo đảm như kê khai, nộp hồ sơ đăng ký, thời hạn giải quyết và nghiệp vụ của người thực hiện đăng ký.

Đồng thời, xuất phát từ một số điểm đặc thù của mỗi loại đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo có quy định riêng về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.

Với phương pháp điều chỉnh như trên, dự thảo không chỉ đảm bảo quy trình, thủ tục chung thống nhất, mà còn chú trọng các điểm đặc thù của mỗi loại giao dịch bảo đảm. Do đó, việc điều chỉnh tập trung về đăng ký giao dịch bảo đảm trong một văn bản Nghị định thể hiện tính khoa học và thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng. 

Ngoài ra, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công, dự thảo trong quy định một số vấn đề chung về thủ tục đăng ký trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

7) Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (Chương IV)

Dự thảo quy định quyền tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương thức tra cứu, tìm hiểu thông tin và nội dung thông tin được cung cấp, nhằm cụ thể hoá nguyên tắc công khai, minh bạch các thông tin về giao dịch bảo đảm.

Thu Thủy