Phổ biến pháp luật cho thanh niên: Không nên chạy theo phong trào!

29/03/2010
Tình hình phạm tội do thanh niên gây ra trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh niên còn nhiều bất cập.

Làm được nhiều...

Nòng cốt trong công tác PBGDPL cho thanh niên là TƯ Đoàn TNCS HCM. Đây là hoạt động cần nhiều thời gian “vun trồng” mới có thể “hái quả”. Do vậy, trong các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, TƯ Đoàn đều nhấn mạnh đến hoạt động PBGDPL cho thanh niên.

Với những hoạt động tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền, đưa thanh niên tham gia vào các hoạt động liên quan đến PL, xây dựng các mô hình hoạt động tại cộng đồng... do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức, từ năm 2004 đến nay, mỗi năm đã có gần 10 triệu lượt thanh niên được PBGDPL thông qua 20.000 buổi tuyên truyền học tập, sinh hoạt chi đoàn và các hoạt động khác do Đoàn tổ chức.

Từ nhận thức đến hành động, Đoàn Thanh niên các cấp đã huy động được 30.000 Đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ các địa phương phối hợp và hỗ trợ tích cực với lực l­ượng công an trong việc PBGDPL, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ ng­ười hoàn lương ở cộng đồng cho 50% thanh niên phạm pháp (khoảng 7.000 đôi tượng),... Thông qua các hoạt động này, bản thân mỗi thanh niên cũng tự nâng cao được ý thức PL của mình và trở thành những nòng cốt cho việc PBGDPL tại cơ sở.

Không chỉ có vậy, thông qua các mô hình hoạt động tại cộng đồng như trên 11.000 câu lạc bộ tuổi trẻ với PL (và nhiều tên gọi khác), mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho thanh niên, hình Đội giáo dục đồng đẳng..., các kiến thức PL đã được tuyên truyền sâu rộng, hỗ trợ thiết thực để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, để PL không còn xa lạ đối với đại bộ phận thanh niên - lực lượng lao động chính của xã hội.

Nhưng âu lo còn đó

Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, nhưng nhìn chung ý thức chấp hành PL của thanh thiếu niên chưa được như yêu cầu đặt ra. Số liệu thống kê của Bộ Công an về tình hình phạm tội của thanh niên 6 tháng đầu năm 2008 đã đưa ra những con số báo động. Khoảng 20% tổng số vụ vi phạm hình sự trong thời gian này là do người chưa thành niên gây ra, trong đó, lứa tuổi phạm tội cao nhất từ 16 đến dưới 18 tuổi (nằm trong lứa tuổi thanh niên theo qui định tại điều 1 Luật Thanh niên), chiếm khoảng 60%.

Kết quả nghiên cứu và điều tra xã hội học trong những năm gần đây đã cho thấy, sự hiểu biết về PL của thanh niên nước ta còn hết sức hạn chế. Đáng chú ý là “đa số thanh niên hiện nay vẫn chưa có kiến thức về một số lĩnh vực PL “sát sườn” với họ, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của PL đối với đời sống xã hội cũng như đối với bản thân thanh niên, chưa trở thành nhu cầu thiết yếu để phục vụ ngay chính bản thân để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình” như nhận định của ông Nguyễn Hồng Kiên (Ban Tuyên giáo – TƯ Đoàn TNCS HCM).

Dù không đóng vai trò là nguyên nhân chính, trực tiếp, song công tác PBGDPL đối với thanh thiếu niên cũng đang phải “gánh trách nhiệm” trước thực trạng này. Thực tế cho thấy, công tác PBGDPL cho thanh niên đã được triển khai, nhưng chưa đều, rộng khắp. Ngoài công tác tập huấn nội dung văn bản PL, vẫn có những địa phương còn chủ yếu PBPL dưới hình thức “cấp trên... phát VB cho cấp dưới” (!?). Đó cũng là hậu quả từ việc thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác PBGDPL cho thanh niên thời gian qua.

Đánh giá thẳng thắn về công tác PBGDPL cho thanh niên, TƯ Đoàn TNCS HCM nhìn nhận, các hoạt động PBGDPL đối với thanh niên chủ yếu diễn ra theo các đợt hoạt động cao điểm; không ít hoạt động còn mang tính hình thức, nội dung dàn trải, chưa sát với nhu cầu của các đối tượng thanh niên, hình thức, phương pháp PBGDPL chưa sinh động, hiệu quả. Sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong PBGDPL cho thanh niên chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả... Nên hoạt động PBGDPL mới chủ yếu tác động vào những thanh niên tích cực. Những đối tượng thanh niên đặc thù (như thanh niên di cư, thanh niên vùng sâu, vùng xa, thanh niên trong các khu công nghiệp, chế xuất...) chưa thụ hưởng được nhiều hiệu quả của công tác PBGDPL.

Bên cạnh đó, một khó khăn khiến công tác PBGDPL không phát huy được hiệu quả chính là từ việc thiếu văn bản hướng dẫn thi hành. Lấy ví dụ Luật Thanh niên (có hiệu lực từ 1/7/2006), nhưng đến nay (tháng 3/2010) sau gần 4 năm, các văn bản hướng dẫn vẫn chưa hoàn thiện, khiến Luật Thanh niên với rất nhiều chính sách dành cho thanh niên trở thành “chính sách trên giấy”. Vì thế, dù Luật Thanh niên đã được triển khai đến từng cơ sở, nhưng chính thanh niên - những đối tượng chính của Luật Thanh niên - cũng chẳng buồn quan tâm đến văn bản luật dành riêng cho mình, vì... có thực hiện được đâu!

Tập trung xây dựng ý thức PL

Trước thực trạng, tình hình phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội của thanh niên vẫn không ngừng gia tăng, bà Nguyễn Thúy Hiền (Thứ trưởng Bộ Tư pháp) nhận định, đại bộ phận thanh niên có nhận thức PL tốt vì họ đã được tiếp cận các văn bản PL dưới nhiều hình thức, cách thức và qua các phương tiện truyền thông, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên “biết luật mà vẫn vi phạm” với những lý do hết sức đơn giản như ý thích thể hiện, bất cần, thách thức lực lượng chức năng và xã hội, ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường...

Do đó, nguyên nhân chính không phải từ chính PL hay công tác PBGDPL mà phải xuất phát từ việc thanh niên còn thiếu ý thức PL. Hiện nay ở nước ta đã có cả Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 25 của BCH Trung ương Đảng khoá X về công tác thanh niên và các văn bản chính sách khác liên quan đến lực lượng quan trọng này của xã hội.

Các văn bản này đều đề cập và coi hoạt động PBGDPL cho thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, từ nhiều năm nay, công tác PBGDPL cho thanh niên đã được coi là một tiêu chí để đánh giá thi đua đối với các cấp Đoàn cơ sở. Hiện Bộ Tư pháp, TƯ Đoàn và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cũng đang phối hợp để xây dựng Đề án "Tăng cường PBGDPL nhằm nâng cao ý thức PL cho thanh thiếu niên".

Bà Lê Thị Lam Hương (Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam) cho rằng, việc tuyên truyền PBGDPL là nhằm giúp thanh niên nhận thức, hiểu biết để thực hiện hoặc tham gia thực hiện pháp luật, chính sách. Tuy nhiên, có những văn bản PL, chính sách thanh niên đã được hiểu biết nhưng chưa thực hiện được do chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Như vậy để góp phần cho công tác tuyên truyền PBPL đến thanh niên đạt hiệu quả cao đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quan tâm hơn trong công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành để các chính sách, PL về thanh niên và liên quan thanh niên được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống của thanh niên.

Dù được tiến hành theo hình thức nào thì PBGDPL không thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức, vì đây là hoạt động cần đến sự bền bỉ, kiểu "mưa dầm thấm lâu". Hoạt động này cũng rất khó đánh giá về mặt định lượng nhưng nó lại đem đến những hiệu quả xã hội vô cùng to lớn. Vì thế, cùng với việc các cơ quan chức năng tăng cường PBGDPL cho thanh niên thì gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân thanh niên cũng phải bồi dưỡng, xây dựng ý thức PL - nền tảng để có một xã hội tuân thủ PL./.

Huy Anh