Giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng: “Chuyên nghiệp hóa” hoạt động hòa giải

29/03/2010
Hòa giải là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng được đánh giá cao về tính hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, biện pháp này lại chưa được các doanh nghiệp (DN) “ưa chuộng”.

Có qui định nhưng sơ sài

Hệ thống pháp luật về hòa giải hiện hành chủ yếu điều chỉnh hoạt động hòa giải trong tố tụng và hòa giải các tranh chấp, bất đồng dân sự ở cơ sở, đời sống cộng đồng. Riêng hòa giải với tính chất là một biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng là một khái niệm mới được ghi nhận tại khoản 2 Điều 317 Luật Thương mại 2005. Nhưng tất cả chỉ vẻn vẹn qui định, “hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải” là hình thức giải quyết tranh chấp, mà không có văn bản hướng dẫn cụ thể khi hòa giải phải làm theo qui trình, thủ tục nào, nội dung và hiệu lực của phương thức giải quyết tranh chấp này ra sao.

Chỉ duy nhất Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) đặt cạnh Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hiện thức hóa qui định tại khoản 2 Điều 317 Luật Thương mại thành Qui tắc hòa giải của VIAC (20 điều, có hiệu lực từ 10/9/2007). Nhưng cũng chỉ là bộ qui tắc “nội bộ”, áp dụng cho các DN có nhu cầu đề nghị VIAC làm trung gian hòa giải. Còn ở các trung tâm trọng tài khác nếu được DN yêu cầu làm trung gian hòa giải thì chỉ có nước “bó tay” vì không có cơ sở pháp lý.

Rõ ràng, dù hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại được đánh giá là có nhiều ưu điểm về thời gian giải quyết ngắn, chi phí tương đối thấp, thủ tục đơn giản và giữ được hòa khí của các bên tranh chấp song thực tế, pháp luật lại thiếu những qui định công nhận pháp lý chế định hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại, không có thiết chế bắt buộc thực hiện kết quả hòa giải... Điều đó khiến hoạt động hòa giải tranh chấp thương mại ở nước ta thiếu đi tính chuyên nghiệp và qui định hòa giải (như một biện pháp giải quyết tranh chấp) vẫn luôn “vắng bóng” trong các hợp đồng giao thương giữa các DN trong nước với nhau và giữa DN trong nước với DN nước ngoài.

“Chuyên nghiệp hóa” hòa giải

GS.Kobayashi Levin (Đại học Kyushu - Nhật Bản) cho biết, sự mất cân bằng giữa hòa giải do Nhà nước và tổ chức xã hội tiến hành ở Nhật là 1/10. Vì thế, Nhật Bản đã ban hành luật về hòa giải, qui định áp dụng hình thức hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại nhưng vì không rõ ràng nên khi áp dụng trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều hình thức hòa giải (cả theo truyền thống Nhật Bản và phương Tây). Thực trạng này dẫn đến sự rối loạn và không phát huy được hiệu quả của biện pháp hòa giải, thậm chí tạo ra phản ứng lại việc áp dụng biện pháp hòa giải để giải quyết tranh chấp. Từ kinh nghiệm đó của Nhật Bản cho thấy, cần có luật điều chỉnh hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng phải cụ thể, rõ ràng, cũng như hoàn thiện cơ chế pháp lý áp dụng đối với các thiết chế tư pháp và bổ trợ tư pháp (luật sư, trọng tài thương mại, công chứng, giám định tư pháp) để hỗ trợ các DN xử lý tranh chấp khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế.

Đồng thời, để hòa giải có thể được các DN lựa chọn như một biện pháp giải quyết tranh chấp cần có cơ chế hỗ trợ tư pháp đối với việc giải quyết các tranh chấp theo hướng kết quả hòa giải có thể được tòa án có thẩm quyền công nhận để đảm bảo khả năng thi hành trên thực tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng được một đội ngũ hòa giải viên có năng lực và các trung tâm hòa giải chuyên nghiệp./.

Huy Anh

Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) đang tiến hành Dự án điều tra cơ bản “Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của DN Việt Nam và vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp” nhằm cung cấp những căn cứ thực tiễn để hoàn thiện cơ chế pháp lý về giải quyết tranh chấp thương mại và áp dụng đối với các thiết chế tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Trong số 367 DN Việt Nam (tại Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, TP.HCM, Kiến Giang) đã gặp tranh chấp thương mại quốc tế có 100 DN từng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải (tỷ lệ 26,9%) - cao hơn so với số DN chọn phương thức trọng tài và tòa án.

(Nguồn: Số liệu điều tra qua phiếu hỏi của của nhóm thư ký Dự án điều tra cơ bản “Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của DN Việt Nam và vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp”)