Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XI: Hướng đến một tổ chức uy tín trong nghề luật

04/01/2010
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XI: Hướng đến một tổ chức uy tín trong nghề luật
Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia (HLG) Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2009-2014 đã được khai mạc, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, HLG, các Bộ, ban, ngành TƯ và Hà Nội, cùng các đại biểu đến từ các cấp hội, chi hội trên cả nước.

Tự hào một nhiệm kỳ thành công

Tự hào với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua của các cấp Hội, Chủ tịch HLG Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định, HLG Việt Nam là nơi tập hợp đông đảo nhất lực lượng các luật gia ngày càng phát triển và mở rộng. Đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X, HLG Việt Nam có 28.400 hội viên thì đến năm 2009 đã có 40.500 hội viên (tăng 42%), mở rộng tổ chức Hội tới 62/63 tỉnh, thành phố và 57 chi hội trực thuộc.

Bằng uy tín và năng lực của mình, các cấp Hội đã tích cực tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật, góp ý, xây dựng pháp luật, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý, nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tham gia các hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội và an ninh trật tự, an toàn xã hội…, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Trong điều kiện hội nhập của đất nước, HLG Việt Nam cũng đã mở rộng quan hệ quốc tế với các Hiệp hội luật các nước Đông Nam Á và các tổ chức luật của nhiều nước trên thế giới. Qua đó giúp nâng cao nhận thức và kinh nghiệm lãnh đạo tổ chức trong hợp tác về nghề luật với giới luật gia quốc tế và khẳng định được vị trí của mình trong các Hội về luật của khu vực và thế giới….

Củng cố uy tín, phát triển tổ chức

 Với những thành tích đã đạt được, Đại hội lần thứ XI đã nhất trí phương hướng hoạt động của HLG Việt Nam trong nhiệm kỳ 2009-2014 là phấn đấu để trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, coi trọng hơn nữa công tác giám sát việc thi hành pháp luật và cải cách tư pháp; tham gia tích cực và có hiệu quả công tác hoà giải, góp phần giải quyết tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố, kiện toàn tổ chức của Hội để Hội là chỗ dựa tin cậy của hội viên về chính trị, là trung tâm đoàn kết, thu hút đông đảo những người làm công tác pháp luật trở thành một tổ chức lớn mạnh, có uy tín trong hệ thống chính trị pháp lý của nước nhà.

Trong nhiệm kỳ tới HLG sẽ tiếp tục tập trung củng cố tổ chức và năng lực hoạt động của Hội, phấn đấu để các cấp Hội hoạt động hiệu quả, khuyến khích phát triển các chi hội tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học,...

Đại hội thành công

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và khẩn trương, ngày 31/12, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia (HLG) Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2009-2014, đã thành công tốt đẹp, với việc bầu Ban Chấp hành HLG Việt Nam khóa XI (gồm 107 ủy viên) và thông qua Nghị quyết Đại hội.

Tại phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành HLG Việt Nam đã nhất trí tiếp tục bầu Ban Thường vụ gồm ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch HLG Việt Nam khóa X - làm Chủ tịch HLG Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014. Đồng thời, với 100% số phiếu tán thành, 8 ủy viên đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch HLG Việt Nam khóa XI, trong đó ông Nguyễn Văn Hiện (UVTW Đảng, Phó Chủ tịch HLG Việt Nam khóa X) đồng thời được bầu làm Bí thư Đảng đoàn HLG Việt Nam khóa XI, ông Lê Minh Tâm (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội) được bầu kiêm Tổng Thư ký HLG Việt Nam khóa XI.

Đại hội cũng đã thảo luận và thông qua Điều lệ HLG Việt Nam (sửa đổi). Theo đó, cùng với nhiều quy định khác được sửa đổi, bổ sung, tiêu chuẩn để được kết nạp hội viên HLG Việt Nam đã được mở rộng đến các “công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, tán thành Điều lệ của Hội và tự nguyện hoạt động cho Hội”. Đồng thời, những người có công đóng góp cho Hội theo Điều lệ cũ thì “có thể được mời làm Hội viên danh dự hoặc Hội viên tán trợ của Hội” thì nay “có thể được “công nhận là Hội viên danh dự của Hội” như quy định của Điều lệ sửa đổi.

Đại hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Chiến lược xây dựng và phát triển của HLG Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và nhất trí để Ban Chấp hành khóa XI tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược này nhằm nâng tầm và vị thế của HLG trong cộng đồng pháp lý trong nước cũng như quốc tế. “Phấn đấu đến năm 2020 HLG Việt Nam sẽ trở thành một tổ chức lớn mạnh, có uy tín trong hệ thống chính - pháp lý nước nhà với chức năng, nhiệm vụ cơ bản là tham gia tích cực xây dựng nền pháp lý Việt Nam tiên tiến và hiệu quả; bảo vệ nhân quyền, công bằng và công lý; có vị trí, vai trò và tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực hoạt động của các nghề luật ở Việt Nam và trong các quan hệ quốc tế; một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự chủ được về tài chính”.

Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Phạm Quốc Anh cho rằng, Đại hội đã thành công nhờ nỗ lực của các hội viên, các tỉnh, thành, chi hội trên cả nước, cũng như các đại biểu tham dự Đại hội. Đặc biệt, Đại hội lần này còn có ý nghĩa quan trọng vì là một bước chuẩn bị cho HLG Việt Nam bước sang tuổi 55 năm vào năm 2010, cũng như những bước phát triển tiếp theo của Hội trong tương lai./.

H.Giang

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: “HLG Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội, nghề nghiệp của những người đã và đang làm công tác pháp luật trên cả nước. Nhiệm kỳ vừa qua, HLG Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 của Hội. Những kết quả hoạt động đó đã nâng vị thế và khẳng định vai trò của HLG Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh thành tích của Hội trong nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh những ưu điểm và thành tích đã đạt được, Hội cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng và chiều sâu của công tác tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, giúp mọi công dân sống và làm việc theo hiến pháp pháp luật, nhân rộng hiệu quả hoạt động của Hội cho thật đồng đều, phát huy cho tốt uy tín và vị thế của mình ở một số nơi, một số lĩnh vực, đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm, nhận thức của một số cán bộ, hội viên, năng lực điều hành các cấp hội và nêu cao tính kỷ luật, tình đoàn kết, quan hệ công tác; đổi mới cơ chế điều hành, phối hợp, chế độ báo cáo thông tin cho thật hoàn thiện.

Thời gian tới, HLG Việt Nam cần tiếp tục phấn đấu để Hội là trung tâm tập hợp, đoàn kết các tổ chức xã hội nghề luật khác để cùng góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN”.


Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HLG tỉnh Yên Bái: “Vấn đề đặt ra lúc này là Đại hội này phải tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ trên mọi phương diện, đặc biệt là tổ chức bộ máy của hội từ TW đến địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở phải đủ mạnh thì mới có thể nói vị thế của hội mới tạo đà cho những bước phát triển trong những năm tới”.


Ông Quản Văn Minh, Chi hội trưởng Chi HLG Công ty Luật số 5 Quốc gia: “Để các chi hội hoạt động tốt, nhất là những chi hội nhỏ, cần có sự quan tâm của chính đơn vị quản lý chi hội và TƯ HLG. Ngược lại, mỗi luật gia cần phải tự mình vận động để tạo được mối quan hệ mật thiết giữa các thành viên chi hội với TW Hội. Nếu không có sự gắn kết chặt chẽ thì sẽ rất khó khăn cho sự phát triển của chi hội. Thực tế trong thời gian gần đây vai trò của các chi hội đang rất lỏng lẻo, nên cần có một sự gắn kết để tạo ra sự chia sẻ của 3 bên: TƯ Hội, Chi hội và hội viên”.


Bà Hà Thị Thảo - Phó Chủ tịch HLG huyện Bá Thước (Thanh Hóa): “Đại hội lần này đánh dấu bước cải cách mới trong hoạt động Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội có nhiều phương thức hoạt động và nâng cao vị thế của HLG trong toàn xã hội. Đặc biệt là cơ chế từ TW phát triển sâu rộng ra các địa phương, hoạt động hội phối hợp với các tổ chức xã hội, các trung tâm về mặt pháp lý, có cơ sở nâng cao vị thế của mình. Mong mỏi của các chi hội cơ sở nhất là tại các huyện vùng núi, vùng sâu vùng xa là tăng cường hơn nữa vai trò của hội tại các địa phương”.