Luật Thanh tra sửa đổi: Chú trọng chế định thanh tra chuyên ngành!

29/12/2009
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thanh tra sửa đổi đang đưa ra hai phương án về thanh tra chuyên ngành. Hai phương án trên quán triệt mục đích cải cách bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tăng cường tính hiệu quả của thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, còn nhiều vấn đề lý luận cần được Ban soạn thảo làm rõ.

“Quy” thanh tra Tổng cục, Cục, Chi cục về một mối

Tại Hội thảo về Luật Thanh tra sửa đổi được tổ chức vào ngày 28/12, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đỗ Gia Thư cho biết, Luật Thanh tra sửa đổi có 2 phương án về thanh tra chuyên ngành. Phương án 1 là Tổng cục, Cục có thanh tra chuyên ngành và giao việc quy định thành lập cho Thủ tướng. Theo đó, Thanh tra Tổng cục, Cục, Chi cục là bộ phận trực thuộc Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra Sở. Phương án 2 là chỉ thành lập Thanh tra Tổng cục ở một số Tổng cục lớn có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, chuyên môn sâu. Thanh tra Tổng cục thực hiện 2 chức năng là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Việc phân định này đơn giản là sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành, chứ không làm phát sinh thêm tổ chức các cơ quan thanh tra

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải, vấn đề quan trọng là Ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm lý luận như thế nào là thanh tra chuyên ngành, khác với thanh tra hành chính ở điểm nào; thế nào là Thanh tra Tổng cục ở một số Tổng cục lớn có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, chuyên môn sâu; nếu trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thì địa vị pháp lý của thanh tra chuyên ngành nên xem xét dưới góc độ là một bộ phận của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ, chứ không phải của Tổng cục vì Tổng cục hiện nay không có chức năng quản lý nhà nước. Ông Khải nhấn mạnh, có như vậy mới phù hợp với hoạt động cải cách hành chính và thống nhất hoạt động thanh tra. “Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, thanh tra chuyên ngành được đề cao theo hướng bộ, ngành nào quản lý thì phải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của ngành đó, đồng thời quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của những người đứng đầu và đội ngũ thanh tra viên chuyên ngành…”, ông Khải dẫn giải.

Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố đồng tình với dự luật khi quy định phân rõ thanh tra trách nhiệm (hay còn gọi là thanh tra hành chính) và thanh tra chuyên ngành. Ông Phố nhấn mạnh, quy trình thanh tra của chúng ta hiện hành là một quy trình ngược, cho phép thanh tra cấp dưới xem xét lại kết luận của thanh tra cấp trên. Ngoài ra, việc tách bạch sẽ tránh được sự chồng chéo, kiểu như cùng một dự án mà cả Thanh tra Sở và Thanh tra Huyện đều vào thanh tra. Ông Phố cũng kiến nghị, đối với đô thị loại 2 nên có Thanh tra cấp quận, một số đô thị loại đặc biệt thì có thanh tra cấp phường.

Thanh tra Chính phủ chỉ có chức năng “giám sát hành chính”

Ông Khải cho rằng, khi đã có hệ thống thanh tra chuyên ngành mạnh ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì phạm vi hoạt động của Thanh tra Chính phủ cũng phải hẹp đi, tránh trùng dẫm, cồng kềnh và đề cao được trách nhiệm của từng chủ thể. Mặt khác, cần có bộ phận để theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra nói chung cho các tổ chức thanh tra chuyên ngành các bộ, ngành nhưng không can thiệp vào chuyên môn sâu của các ngành kinh tế - kỹ thuật, hành chính - chính trị. Vì trên thực tế, chỉ có bộ, ngành quản lý nhà nước từng lĩnh vực mới nắm và hiểu chuyên môn, các biện pháp thanh tra, kiểm tra và đây cũng là điều kiện tăng thêm tính chủ động cho thanh tra chuyên ngành ở các Bộ, Tổng cục, Cục. “Nên chăng, Thanh tra Chính phủ chỉ có chức năng “giám sát hành chính” với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại một số vụ việc mà Thủ tướng thấy cần thiết xem lại”, ông Khải đúc rút.

Chuyên gia Bộ Tư pháp Trương Khánh Hoàn lại cho rằng, cần phải đảm bảo sự chỉ đạo của Tổng thanh tra Chính phủ đối với các cơ quan thanh tra, tránh tình trạng biến cơ quan thanh tra là công cụ gần như thụ động của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. “Thanh tra Chính phủ phải vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng tham nhũng, vừa là cơ quan thực hiện thanh tra hành chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ”, ông Hoàn đề xuất.

Còn Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tất Tiến mạnh dạn, để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu mô hình tổ chức các cơ quan thanh tra theo khu vực. Mặc dù chưa nghĩ ra tên gọi cụ thể ra sao nhưng ông Tiến không nhất trí với việc dự luật phân biệt hoạt động của các cơ quan thanh tra thành hoạt động thanh tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra hành chính, hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội. “Việc phân định trên chưa ổn vì hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội tại các tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn nhà nước cũng là thanh tra trách nhiệm về chấp hành pháp luật chứ”, ông Tiến băn khoăn.

Thục Quyên