Gỡ “vướng” cho Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC

25/12/2009
Đánh giá 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10), Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý cho rằng, việc triển khai là khá bài bản, từng bước đi vào nề nếp.

Cũng theo bà Lý, Thông tư liên tịch số 10 đã kịp thời cụ thể hóa một số quy định của Luật TGPL, được liên ngành tổ chức thực hiện, góp phần mang lại những tác động tích cực trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp. Tổng hợp các kiến nghị của các Hội đồng cấp tỉnh và các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác này, bà Lý nhấn mạnh một đề xuất đáng lưu ý là trường hợp người tiến hành tố tụng không giải thích, hướng dẫn về quyền được TGPL của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thuộc diện được TGPL, không ghi nội dung giải thích vào biên bản thì phải được xác định là vi phạm thủ tục tố tụng và vụ án phải được xem xét lại. Khá nhiều thành viên của Tổ giúp việc rất đồng tình như ông Huỳnh Quốc Hùng (VKS quân sự), Phạm Việt Hà (Tổng cục Cảnh sát)…

Liên quan đến vấn đề phát huy vai trò của luật sư (LS) trong các vụ án mà đối tượng thuộc diện được TGPL, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn thông tin, hiện nay, mới chỉ có khoảng 10% vụ án hình sự nói chung là có LS. Vì vậy, trong Điều lệ của Liên đoàn LS Việt Nam cũng như về phía Vụ đã và sẽ chú trọng tới công tác bồi dưỡng, đào tạo LS để nâng cao chất lượng đội ngũ LS cộng tác viên tham gia tố tụng. Ông Bốn mong muốn, sắp tới thành viên của Liên đoàn được tham gia vào Hội đồng TƯ, thành viên của các Đoàn LS địa phương được tham gia vào Hội đồng cấp tỉnh.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, liên ngành cần nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa LS cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, cần mẫu hóa một số giấy tờ, chẳng hạn giấy chứng nhận người bào chữa có thể có ô để mỗi lần người bào chữa đến làm việc thì các cơ quan tiến hành tố tụng điền vào.

Ông Hùng khẳng định, nếu vụ việc có LS sẽ góp phần phản ánh chất lượng của kiểm sát viên, đòi hỏi kiểm sát viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Khổng Ngọc Sơn (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) băn khoăn, theo Nghị định 89, người bào chữa chỉ được gặp đương sự không quá 1 tiếng/lần, có địa phương hướng dẫn trong trường hợp cần thiết có thể gặp hơn nhưng có địa phương phản đối. Vì vậy, liên ngành cần xem xét hướng dẫn thống nhất và ông Sơn mạnh dạn đề xuất, nên quy định có thể gặp nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Hà phản đối rằng nếu cho gặp một cách cởi mở, không kiểm soát, sẽ dẫn đến lộ hết thông tin điều tra vụ án. Theo ông Hà, tỷ lệ LS tham gia án hình sự 10 hay 20% thấp không phải là một tồn tại mà nên chú trọng thống kê trong các vụ án bắt buộc phải có LS thì tỷ lệ là bao nhiêu hay có bao nhiêu vụ LS thực sự tâm huyết, vụ LS chỉ chăm chăm “chạy án”. “Có trường hợp chúng tôi không cho LS gặp thì không phải là gây khó khăn mà đã được Luật quy định. Do đặc thù, Việt Nam không thể cứ theo nước ngoài, đương sự bị bắt là alo đòi gặp LS ngay”. Theo ông Hà, trong số các vụ án mà đối tượng thuộc diện được TGPL thì có tới 80% vụ là có LS. Bởi thế, ông Hà cho biết, về lâu dài, nên hướng tới việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.

Qua việc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, ông Nghĩa hoan nghênh, TGPL đã được nhiều địa phương chú trọng, nếu có lãnh đạo liên ngành tham gia thì hoạt động TGPL càng được quan tâm hơn nữa. Một số địa phương có cách làm hay như cập nhật hộp tin TGPL. Về tài chính, ông Nghĩa khẳng định, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương nhưng ông cũng hy vọng, từng ngành TƯ lại phải có hướng dẫn trong ngành mình.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng – ông Hà Tuấn Huy thừa nhận thực trạng trong Hội đồng liên ngành địa phương, lực lượng quân đội chưa tham gia được nhiều. Ngoài ra, cán bộ trong quân đội chưa nắm vững các quy định pháp luật về TGPL mặc dù đã được tập huấn. Ông Huy kiến nghị sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 10 vì nếu theo Thông tư thì hoạt động TGPL trong quân đội sẽ khó được mở rộng, hạn chế việc phát huy đội ngũ cán bộ làm cộng tác viên trong bộ đội biên phòng. “Bởi Thông tư liên tịch số 10 chủ yếu bó trong hoạt động tố tụng, trong khi hoạt động này ở khu vực biên giới rất phức tạp”, ông Huy lý giải.

Thục Quyên