Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” khởi động từ ngày 01/01/2010: Sẽ có các tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật

30/12/2009
Pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh. Trong khi công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những thành tựu quan trọng, thì công tác thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết. Đây là nguyên nhân chính và bước đầu để Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, và khởi động Đề án thực hiện nhiệm vụ này.

Thí điểm tại 5 Bộ, ngành và 6 địa phương

Ngày 22/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Một trong những chức năng mà Bộ Tư pháp được giao thực hiện là chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo dõi thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới, nhưng cũng rất quan trọng đối với không chỉ ngành Tư pháp, mà còn với các Bộ, ngành khác và địa phương. Chính vì vậy, để công tác theo dõi thi hành pháp luật được triển khai một cách bài bản, nề nếp và có hiệu quả, phải có quá trình nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết với những bước đi và lộ trình phù hợp, trong đó có việc thực hiện thí điểm ở một số lĩnh vực pháp luật và ở một số Bộ, ngành, địa phương, sau đó tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Vì thế, việc xây dựng Đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” là cần thiết và cấp bách. Ngày 30/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật”. Theo đó, việc theo dõi thi hành pháp luật theo Đề án trước mắt sẽ được tiến hành ở các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và Y tế; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An. Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Đề án từ việc theo dõi thí điểm trên Đề án cũng vạch ra 3 mục tiêu cụ thể là xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật; đánh giá tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực đã thí điểm để tiến tới chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại một số Bộ, ngành và địa phương.

Đề án được thực hiện trong thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 01/2010 và kết thúc vào tháng 6/2011.

Vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật là động lực của Đề án

Là đơn vị chuyên môn thuộc Bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Đề án, ông Lê Thành Long - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đã có đôi nét hình dung về công việc sắp diễn ra trong thời gian tới khi  hoạt động theo dõi thi hành pháp luật sẽ được tiến hành thí điểm ở một số Bộ, ngành và địa phương. Cụ thể,  theo ông Long thực tiễn thi hành pháp luật hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập trên nhiều lĩnh vực, để có thể đánh giá một cách toàn diện về tình hình thi hành pháp luật, cần phải có chương trình điều tra, khảo sát một cách tổng thể trên mọi lĩnh vực. Hoạt động điều tra, khảo sát chính là nhằm đánh giá thực trạng tình hình thi hành pháp luật, tìm ra những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập đó, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Vì thế, theo ông Long, các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi pháp luật chính là đối tượng của việc điều tra, khảo sát cho nên bản thân chúng không ảnh hưởng lớn đến tiến độ cũng như tính khả thi của Đề án.

 Hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lâu dài nhất thiết đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp. Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư và Đề án hoàn thành, một trong những kết quả của Đề án là Nghị định của Chính phủ về công tác này (trong đó có các tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật). Để đạt được các mục tiêu, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật sẽ phải xác định một số nguyên tắc cơ bản như: công tác theo dõi thi hành pháp luật cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương; phải gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp việc theo dõi theo ngành, lĩnh vực với theo dõi ở phạm vi từng địa phương... ông Long cho biết.

Mặt khác, để làm tốt nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật này, việc củng cố, kiện toàn hoặc thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ được chú trọng.

Xuân Hoa