Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: Công văn số 2544/BXD-QLN không có quy định cấm!

31/12/2009
Xung quanh nội dung Công văn số 2544/BXD-QLN, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn. Ông Sơn cho biết:

Nội dung Công văn số 2544/BXD-QLN lưu ý một số địa phương bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư, các hộ dân, chủ sở hữu căn hộ chung cư, những người sinh sống trong chung cư, cố gắng khắc phục những hạn chế hiện nay trong các nhà chung cư không có gì phải băn khoăn nhiều. Thực ra, nếu đọc hết điều văn của Công văn, tôi thấy Công văn viết có sự cân nhắc, tuy nhiên, khúc mắc chính của Công văn là ở câu “một số căn hộ chung cư được chủ sở hữu chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang làm văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh là trái mục đích sử dụng”. Cụ thể, “trái mục đích sử dụng” do văn bản nào quy định thì Công văn lại không nêu được.

* Chính vì vậy, dư luận cho rằng, Công văn cấm không được sử dụng nhà chung cư làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh?

- Công văn không có quy định nào cấm mà ngược lại đã phân loại như sau: “Trường hợp nhà nhiều tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp mà có thể tách riêng các văn phòng với khu ở thì cần bố trí và quản lý các văn phòng như đối với công trình kinh doanh, dịch vụ. Trường hợp văn phòng không đảm bảo điều kiện làm việc theo Quy chuẩn xây dựng và Tiêu chuẩn quy định thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời”. Không nên bắt bẻ câu chữ trong Công văn 2544 mà chúng ta nên chú trọng vấn đề thực thi, tức là cần phải xử lý những văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh nào. Muốn vậy, phải xuất phát từ thực tiễn!

Dư luận cứ tập trung tất cả mà không phân biệt các văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong khi Công văn có phân biệt như tôi vừa phân tích ở trên. Nói cách khác, Công văn không “gom” tất cả văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh đều là trái mục đích sử dụng để chấn chỉnh và bắt đưa hết ra khỏi chung cư mà chỉ nói là “đảm bảo quyền lợi của cả chủ đầu tư và các hộ dân”.

* Nghĩa là, theo ông, người dân có quyền được chuyển đổi mục đích sử dụng nhà chung cư?

- Sử dụng nhà chung cư làm văn phòng hay làm cơ sở sản xuất, kinh doanh là quyền cơ bản của chủ sở hữu bất động sản. Họ chỉ bị hạn chế quyền khi việc sử dụng quyền đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sống trong chung cư. Nếu sử dụng làm văn phòng ở nơi ít người qua đi, không gây ảnh hưởng hay tiếng ồn gì cả thì không cần thiết bắt đóng cửa. Về cơ sở sản xuất, kinh doanh thì có khác nhau, có loại cơ sở sản xuất, kinh doanh gây tiếng ồn, mất trật tự trị an, gây ô nhiễm, mất vệ sinh…, nói chung là gây mất ổn định cuộc sống bình thường của người dân, dứt khoát phải đưa ra ngoài nhà chung cư. Song nếu sản xuất kinh doanh nhỏ, chủ yếu phục vụ tại chỗ và được người dân đồng tình và thấy có lợi thì cũng không cần phải “bắt” người ta đóng cửa. Vấn đề là chính quyền địa phương phải vào cuộc, trước hết phải tuyên truyền vận động, giúp người ta phân biệt được trường hợp nào làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng của những chủ sở hữu bất động sản liền kề để yêu cầu người ta ra hoặc có thể xử phạt đối với những hành vi đó. Nếu vẫn không được, việc xử lý đóng cửa, ngừng hoạt động là hoàn toàn đúng. Văn minh, hiện đại với bảo đảm trật tự trị an, yên tĩnh, vệ sinh là bắt buộc phải thế ở mọi nơi, chứ không chỉ riêng nhà chung cư.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thư (thực hiện)