Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô: Cơ chế đặc thù phải hợp lý, khả thi

16/09/2010
Tán thành việc cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội nhưng Ủy ban Pháp luật cũng đặc biệt lưu ý những cơ chế đặc thù đó phải “hạn chế đến mức thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật” và chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính hợp lý, hiệu quả và khả thi. Hôm qua (15/9) lần đầu tiên Dự án Luật Thủ đô được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và thẩm tra, song dự thảo mới cũng gây nhiều tranh cãi quyết liệt.

Phạt cao hơn 5 lần

Một trong những cơ chế đặc thù được đề xuất áp dụng cho Thủ đô là áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong khu vực nội thành cao hơn (không quá 5 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước) nhưng chỉ “gói” trong các lĩnh vực: văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Có hai lý do để dự thảo Luật thiết kế như nêu trên, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thứ nhất Hà Nội đang phải đối mặt với những vấn đề bức xúc trong nhiều năm nay, đặc biệt là ùn tắc giao thông. Thứ hai, Pháp lệnh Xử lý VPHC và các Nghị định trong lĩnh vực này quy định mức phạt tiền áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt nông thôn hay thành thị. Nghị định số 34/CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng áp dụng thí điểm mức phạt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cao hơn 2 lần so với mức phạt chung của cả nước.

Tuy nhiên, khi thẩm tra Dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật lại “phê” quy định xử phạt như trên là chưa rõ ràng về mục đích cũng như cơ sở pháp lý. Và “tại sao chỉ có 6 lĩnh vực mà không phải là tất cả”?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đồng tình: cách đặt vấn đề của Chính phủ chưa hợp lý. Ví dụ tình trạng ùn tắc giao thông là do nhiều nguyên nhân trong đó có yếu kém trong quản lý đô thị. “Xử phạt cao không phải là giải pháp hay, đừng làm theo kiểu cái gì ta không quản được thì phạt nặng”, chủ nhiệm Hiền lập luận.

Còn chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, nâng phạt hành chính là cần thiết nhưng băn khoăn: phạt cao quá thì người ta lẩn trốn, hoặc ăn chia làm “hụt” ngân sách. Ông Hiển đề nghị “nên cân nhắc về mức phạt để đảm bảo hợp lý”.

Riêng vấn đề thu phí trong nội thành, Dự thảo cũng quy định giao HĐND TP quy định nhưng cao hơn không quá 3 lần so với mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ hơn và lường trước những bức xúc trong xã hội do người dân không đồng thuận. “Hiện nay người dân tại Thủ đô đang phải chịu nhiều khoản lệ phí cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác, ví dụ lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ, lệ phí cấp biển số xe máy…”, ông Thuận nói thêm.

Hạn chế cư trú ở nội thành

Dự thảo Luật giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành.

Một số thường vụ băn khoăn liệu việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp hay không? Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường sau khi phân tích và dẫn chứng Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, Hiến pháp, thực tế của Hà Nội và tham khảo kinh nghiệm của một số nước đã khẳng định “quy định như Dự thảo Luật là cần thiết và hợp lý”. Còn Ủy ban Pháp luật thì đề nghị cân nhắc vấn đề giao Chính phủ quy định về điều kiện cư trú ở nội thành từ kinh nghiệm của xây dựng Luật Cư trú trước đây.

Ngoài việc hạn chế dân cư ở nội thành, Dự thảo Luật quy định không xây dựng mới ở nội thành khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp; trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; bệnh viện và không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành. Theo Chính phủ, mục đích của các quy định cấm này là nhằm giảm tình trạng quá tải hiện nay ở nội thành về giao thông, môi trường, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phần đất còn lại ở nội thành sẽ được quy hoạch để sử dụng cho các dịch vụ văn hóa, không gian mở.

Phần lớn các thường vụ đều nhất trí cao quy định nói trên của Dự thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng “dự thảo đủ điều kiện trình ra Quốc hội”.

Thu Hằng

Dự thảo Luật quy định 20 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền. Đại đa số thường vụ cho rằng quy định về cơ chế đặc thù là cần thiết song cần có sự lựa chọn thực sự đúng đắn để Hà Nội không thể “lẫn” với các địa phương khác. Cơ chế đó phải tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm với Thủ đô cả nước. Nhiều thường vụ cũng đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết của từng cơ chế, chính sách và tính hợp lý, hiệu quả, khả thi của những quy định mới này.