Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Khánh Hòa: Bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan

14/09/2010
Ngày 08/9, Đoàn kiểm tra liên ngành về Trợ giúp pháp lý (TGPL) của Trung ương do ông Trần Huy Liệu - Phó Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh Khánh Hòa, công tác triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra cho thấy hoạt động của Hội đồng phối hợp ở Khánh Hòa bước đầu đạt được một số kết quả như sau:

Công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả cao

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Ông Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp tỉnh cho biết: 3 năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã cung cấp 59 bảng thông tin về TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT); trụ sở UBND cấp huyện và một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cấp 5100 mẫu đơn yêu cầu TGPL cho cơ quan THTT; phát 56.000 tờ gấp và tài liệu liên quan về TGPL cho người dân; cung cấp công khai danh sách, số điện thoại, địa chỉ cơ quan của Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), Luật sư là cộng tác viên (gọi tắt là CTV) gửi đến các cơ quan THTT để liên hệ khi cần thiết. Trong 2 năm 2008 - 2009, Trung tâm đã mở 4 lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng TGPL và Thông tư liên tịch số 10 cho 290 lượt người tham gia là cộng tác viên TGPL, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký tòa án; cử CTV tham gia tố tụng 247 vụ việc; phối hợp với Báo - Đài ở địa phương để phổ biến Thông tư liên tịch số 10… nên hiệu quả mang lại rất khả quan.

Thượng tá Phạm Trọng Cường - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) tỉnh cung cấp thêm thông tin: “Qua thăm dò dư luận từ nhiều kênh khác nhau, đội ngũ CTV của Trung tâm khi đến các cơ quan CSĐT từ huyện đến tỉnh thực hiện công việc của mình đều được tạo điều kiện rất thuận lợi, chưa có phản ảnh nào về việc gây khó khăn trong tiến hành thủ tục. Việc thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 10 trên địa bàn nhìn chung diễn ra khá tốt”. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh cũng có cùng quan điểm này.

Cần mở rộng mạng lưới Chi nhánh của Trung tâm

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn mà theo ông Nguyễn Văn Hinh - Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tỉnh cho biết: kinh phí chi trả thù lao cho Luật sư (LS) chỉ định theo quy định tương đối thấp, lại phân bổ ở từng cơ quan THTT nên có trường hợp LS được chỉ định làm qua loa, đại khái, chưa làm hết sức. Vấn đề LS nhận tiền bồi dưỡng của cả 2 nơi (cơ quan THTT và Trung tâm) có thể xảy ra nhưng khó kiểm tra. Ông Hinh đề nghị Trung ương nghiên cứu, nên có hướng quy định cụ thể hơn để tiện cho việc đáp ứng kinh phí và kiểm tra chất lượng công việc của LS chỉ định. Ông Huỳnh Duy Thương - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL bổ sung: Trung tâm muốn cử TGVPL tham gia tố tụng nhiều hơn nhưng hiện TGVPL của Trung tâm chỉ có một người, nguồn bổ nhiệm TGVPL hạn chế do nhân sự của Trung tâm thời gian qua có nhiều thay đổi, số cán bộ tuyển mới hiện còn thiếu so với chỉ tiêu được giao và cũng chưa đáp ứng yêu cầu của công việc.

Mặt khác, công tác phối hợp liên ngành chỉ mới chú trọng trong lĩnh vực hình sự, còn những lĩnh vực như dân sự, lao động, hành chính… chưa được thực hiện. Nguyên nhân là ngoài lĩnh vực hình sự, nếu nguyên đơn, bị đơn không có yêu cầu, cán bộ Tòa án không hướng dẫn (trên thực tế vẫn có nhiều thư ký, thẩm phán chưa quan tâm đến quy định của Thông tư liên tịch số 10 ở các lĩnh vực ngoài hình sự) thì đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… sẽ không được hưởng quy định của Thông tư liên tịch số 10.

Để khắc phục tình trạng trên, các thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Thông tư liên tịch số 10, cung cấp các loại biểu mẫu TGPL, thường xuyên tập huấn, quán triệt cho tất cả những người THTT ở cơ quan THTT từ huyện đến tỉnh… để những đối tượng trong quy định được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí có thể kịp thời yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Đặc biệt, theo ông Phạm Trọng Cường thì “Cần mở rộng mạng lưới chi nhánh Trung tâm ở các huyện, thị xã - nhất là nơi có mật độ dân cư đông, số lượng án nhiều nhằm giúp cho đối tượng ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng”.

Thay mặt Đoàn kiểm tra, ông Trần Huy Liệu ghi nhận những kết quả mà tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong thời gian qua, và các kiến nghị của Hội đồng phối hợp tỉnh. Đồng thời, cũng đề nghị Hội đồng phối hợp tỉnh chú trọng hơn nữa những hoạt động trong công tác tuyên truyền Thông tư liên tịch số 10, trong việc xây dựng kinh phí ở từng ngành… để việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 trong thời gian tới đạt được nhiều kết quả cao hơn.

Hải Dương