Đề nghị miễn toàn bộ thuế đất làm muối và trồng lúa

14/09/2010
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với đối tượng và phạm vi miễn, giảm như đã thực hiện trong giai đoạn 2003 - 2010. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chiều qua (13/9) Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020.

Khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: thực hiện Nghị quyết 15/2003 của Quốc hội, từ năm 2003 đến 2010, mỗi năm đã miễn giảm cho 11.249.076 hộ với diện tích miễn giảm trên 5,4 triệu ha. Tổng số thuế miễn giảm quy thành tiền là 2837 tỷ đồng.

“Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống, bảo đảm bình đẳng trong việc điều tiết thu nhập và góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp”, Bộ trưởng Ninh đánh giá.

Hiện cả nước có khoảng 39.414 doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn, chiếm 30% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản chỉ là 1454 DN với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 32,1 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (chỉ 1,63% tổng số vốn dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của cả nước)

“Nếu tiếp tục chính sách này trong giai đoạn tiếp theo (2011 - 2020) sẽ giảm khó khăn cho nông dân và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” Bộ trưởng Ninh nói.

Miễn giảm phải bình đẳng

Một trong những đề xuất mới của Chính phủ đạt được sự đồng thuận cao của nhiều thường vụ đó là đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích làm muối và trồng lúa (không phân biệt diện tích trong và ngoài hạn mức). “Khi nguồn thu không đáng kể, thậm chí thu không đủ bù đắp chi phí hành thu, thì không nên thu là đúng” - ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nói thêm.

Bên cạnh đất làm muối và trồng lúa, Ủy ban Tài chính ngân sách còn đề nghị miễn toàn bộ số thuế phải nộp với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất thử nhằm hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp. Theo dự thảo Nghị quyết, có 4 nhóm đối tượng được miễn thuế, ngoài ra đối với hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, chỉ nên chia làm hai nhóm đối tượng. Thứ nhất diện miễn: với cá nhân miễn đối với người cao tuổi, người nghèo, tàn tật. Còn hộ gia đình thì miễn cho hộ nghèo, ở các xã đặc biệt khó khăn. Nhóm thứ hai, giảm 50% cho các đối tượng khác, “nếu miễn cả thì dẫn đến cào bằng” - ông Thuận nói.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội KSo Phước đề nghị, cần đánh giá đúng tác động của chính sách miễn, giảm, trong đó có lưu ý đến vấn đề tích tụ đất để đảm bảo sự công bằng.

Riêng việc sử dụng đất ở một số nông, lâm trường, theo Ủy ban Tài chính ngân sách đang là vấn đề bức xúc trong dư luận do việc không kiểm soát được quỹ đất, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng trục lợi từ đất đai, thất thoát nguồn thu cho NSNN. Do đó, Ủy ban này đề nghị, đi đôi với việc ban hành chính sách cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là đất của các nông, lâm trường, đồng thời quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về việc chỉ thực hiện miễn, giảm thuế cho diện tích đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích; kiên quyết thu hồi và áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí.

Bình An

Về thời hạn miễn, giảm thuế, trong khi Chính phủ và cơ quan thẩm tra đều đề nghị thực hiện trong 10 năm nhưng một số thường vụ lại cho rằng chỉ nên thực hiện trong 5 năm, sau đó sẽ xem xét cho phù hợp trong tình hình mới.