Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường: Sẽ mở rộng phạm vi?

14/09/2010
Báo cáo tổng kết bước 1 thực hiện thì điểm không tổ chức HĐND huyện quận, phường của Chính phủ đã chỉ ra những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít đại biểu còn băn khoăn “bỏ” HĐND sẽ gây ra những “khoảng trống” về giám sát.

Tiết kiệm cho ngân sách 85 tỷ đồng/năm

Đánh giá hiệu quả của việc không tổ chức HĐND huyện, quận phường, Chính phủ nhấn mạnh: bước đầu đã tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính; giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND quận, huyện, phường nhưng bảo đảm quản lý nhà nước trên địa bàn. Tính bình quân tại một huyện giảm 370 triệu đồng, quận giảm 445 triệu đồng, phường giảm 95 triệu đồng; ước tiết kiệm chi cho ngân sách hàng năm là 85 tỷ đồng.

Chính phủ cũng cho biết: số liệu điều tra về giải quyết các khiếu nại tố cáo của UBND huyện, quận, phường thì điểm cho thấy số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan này trong năm thí điểm giảm so với trước thí điểm. Trong đó tại huyện giảm 3,5%, quận 7,9%, phường thuộc quận giảm 4,5%... Số đơn thư giải quyết cũng đạt tỷ lệ cao hơn trước thí điểm.

“Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã đạt các mục tiêu, yêu cầu, tạo được một bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước…”  báo cáo của Chính phủ chỉ rõ.

Mở rộng toàn quốc: Phải sửa ngay Hiến pháp

Đồng tình với nhiều đánh giá rất thực tế và sát sao của Chính phủ trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tuy nhiên còn nhiều ý kiến lo ngại khi “bỏ” HĐND quận, huyện, phường sẽ tạo ra “khoảng trống về giám sát”.

“Trong số 46 vị đại biểu HĐND của TP Đà Nẵng hiện chỉ có 4 vị hoạt động chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Trong điều kiện đó thì việc tổ chức triển khai các hoạt động giám sát theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND đã là quá tải, nay tiếp nhận thêm nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện quận (chức năng này trước đây vốn là của HĐND) thực sự là bài toán nan giải” - Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chia sẻ.

 Ở Đồng Nai, mặc dù có cách làm hay là “chuyển” chức năng giám sát cho các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh và tổ chức Ban HĐND cấp xã, tuy nhiên theo ông Trần Đình Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai thì mô hình này cũng còn những hạn chế, trong đó có việc theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát một số nơi chưa triệt để.

Khác với Đà Nẵng và Đồng Nai, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo lại rất lạc quan về thành công từ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường của TP này. Bà Thảo cho rằng, sẽ không sợ “khoảng trống về giám sát” nếu các tổ đại biểu HĐND TP tăng cường tiếp xúc cử tri; lắng nghe ý kiến của họ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể để tập hợp, xử lý tốt những kiến nghị của người dân.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng nhấn mạnh: cần tăng cường vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội ở địa phương và HĐND cấp tỉnh.

Là chủ trương mới, lại thực hiện trong thời gian ngắn, nhiều đại biểu đề nghị Trung ương cần sớm tổ chức tổng kết việc thực hiện thí điểm; từ đó đưa ra cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND cũng như các Luật liên quan.

Trước mắt, để chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào tháng 5/2011, Chính phủ đã đề xuất 3 phương án: Thứ nhất là xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011. Nếu theo phương án này thì trong đợt bầu cử vào tháng 5 tới sẽ không bầu đại biểu HĐND huyện, quận, phường. Thứ hai là xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội mở rộng phạm vi thí điểm trong cả nước trong nhiệm kỳ 2011 -  2016 cho đến khi sửa đổi tổng thể Hiến pháp và các Luật liên quan. Phương án 3 là tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành vừa thí điểm.

Thu Hằng

Theo một kết quả điều tra xã hội học ở một số tỉnh, TP cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quạn, huyện, phường. Ví dụ tại TP.HCM: 70,37% ý kiến đồng ý không nên tổ chức HĐND cấp này; 6,2% đồng ý nên tiếp tục; 1% đề nghị tiếp tục tổ chức HĐND cấp này một thời gian nữa trong khi hoàn thiện bộ máy mới ở địa phương; kết quả điều tra về thí điểm tại Nam Định: 51,6% ý kiến đánh giá tốt hơn; 37,9% đánh giá vẫn giữ nguyên như cũ; chỉ có 1,9% ý kiến đánh giá kém hơn.

(Nguồn: Chính phủ)