Lao động ở nước ngoài theo hợp đồng: Tăng cường quản lý để dân đỡ… thiệt

15/09/2010
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều qua (14/9), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Cả người dân và doanh nghiệp đều thiếu thông tin

Báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Từ năm 2001 đến nay mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng trên 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thu nhập của họ không những cải thiện đời sống cho gia đình mà còn bổ sung nguồn vốn đầu tư rất lớn cho xã hội (mỗi năm người lao động gửi về nước khoảng 1,6-2 tỉ USD)

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, trong đó có công tác tuyên truyền nhiều nơi chưa đến được với người dân dẫn đến việc bị kẻ xấu lừa đảo, thu tiền bất chính. Tình trạng này cũng do những yếu kém trong công tác quản lý, một số cơ quan Trung ương do thiếu thông tin nên công tác quản lý chưa sâu sát, cấp địa phương quản lý chưa chặt chẽ để một số tổ chức, cá nhân không lừa đảo người lao động chậm bị phát hiện và xử lý.

Còn theo báo cáo của Đoàn giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội, tính đến tháng 6/2010, có 167 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, 50% hoạt động trung bình và 20% hoạt động kém hiệu quả - số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Một trong những khó khăn chung của các doanh nghiệp cũng là vấn đề thiếu thông tin. Đoàn giám sát cho rằng, các cơ quan nhà nước hữu quan chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt, dự báo nhu cầu thị trường, hệ thống pháp luật, phong tục tập quán, văn hóa của từng nước lao động đi làm việc.

Quản lý người lao động: khó mấy cũng phải làm

Vấn đề quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung được nhiều thường vụ “chất vấn” Chính phủ trong chiều qua. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình nêu thực tế: hiện tượng người lao động hết thời hạn theo hợp đồng nhưng vẫn ở lại, gây ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam. Những trường hợp đó phải xử lý như thế nào? “Còn các doanh nghiệp không đủ năng lực chuyên môn vẫn đứng ra tuyển lao động, rồi môi giới, lừa đảo người lao động… chưa thấy báo cáo “động đến”. Ông Bình bổ sung.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng tình: những người hết hợp đồng không về nước thì hệ quả như thế nào, Chính phủ và đoàn giám sát chưa đề cập.

Trước “truy vấn” của nhiều thường vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi nói rõ hơn cơ chế xử lý đối với những trường hợp hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, đồng thời cũng thừa nhận: đã theo dõi vấn đề “hậu xuất khẩu” nhưng chưa đầy đủ. Bộ trưởng Ngân cũng thẳng thắn tình trạng lao động bị cò mồi, lừa đảo, doanh nghiệp thì “đem con bỏ chợ” và nguyên nhân “trách nhiệm của cơ quan nhà nước chưa thật sự sâu rộng. Người lao động thiếu thông tin nên mất khoản tiền qua môi giới”.

Đặc biệt, Bộ trưởng Ngân cũng cho biết: chi phí cho việc đi xuất khẩu lao động dù được công khai trong các văn bản pháp luật nhưng người dân vẫn phải chịu những chi phí “ngoài luồng”. Có những xuất đi chỉ có 699 USD mà phải trả đến 60 triệu. Nhưng “truy” thì cũng không biết đích xác “thủ phạm” vì chính bản thân người lao động cũng không biết. Về những biện pháp sắp tới, người đứng đầu ngành LĐTBXH khẳng định: sẽ kiên quyết với những trường hợp vi phạm, có thể rút giấy phép hoặc đề nghị cơ quan pháp luật xử lý.

Cũng trong cuộc họp này, Chính phủ đề nghị, để thúc đẩy hoạt động này ngày càng hiệu quả, bền vững cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ lớn như bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chỉ đạo tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp và địa phương triển khai dạy nghề và tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài.

Thu Hằng