Quốc hội thảo luận Đồ án quy hoạch Thủ đô: Nên để Ba Vì là “lá phổi xanh” của Thành phố

18/06/2010
“Không ai đưa Chính phủ lên tận Ba Vì - là nơi “sơn cùng thủy tận”, cũng không ai làm trục Thăng Long “chọc” thẳng vào Ba Đình, vừa không hợp phong thủy, vừa gây lãng phí”, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phản ứng rất “dữ” khi Quốc hội thảo luận Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội vào ngày 15/6/2010.

Không có chuyện “dời đô”

Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều về Đồ án nói trên nên vào đầu giờ sáng trước khi thảo luận tại hội trường, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung về Đồ án này.

Theo Chính phủ, không có khái niệm Trung tâm Hành chính (TTHC) Quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện dời đô” như một số ý kiến còn băn khoăn. Sau khi phân tích các yếu tố, Chính phủ khẳng định, chắc chắn và mãi mãi Ba Đình vẫn sẽ là Trung tâm Chính trị” (TTCT) của đất nước và trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, tại khu vực Ba Đình không có điều kiện để xây dựng tập trung tất cả trụ sở của các cơ quan đầu não của bộ máy hành chính Quốc gia, mà thực tế phải bố trí phân tán ở nhiều khu vực khác nhau trong thành phố Hà Nội. Và Ba Vì là địa chỉ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, cũng giống như khi thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH vẫn không đồng tình với chủ trương này.

ĐB Vũ Hồng Anh cho rằngviệc lựa chọn Ba Vì của Chính phủ là “không thuyết phục và thiếu luận cứ khoa học”. ĐB Anh phân tích vấn đề trên các yếu tố pháp lý, kinh tế và cho rằng, việc chuyển trụ sở của Chính phủ và các Bộ, ngành lên Ba Vì thì làm xa thêm khoảng cách giữa TTHC với vùng trọng điểm kinh tế, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý điều hành và đặt câu hỏi trong khi hiện nay chúng ta đã và đang bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng trụ sở các cơ quan Nhà nước xung quanh khu vực Mỹ Đình của Hà Nội thì có nên lãng phí như vậy không?

Đồng tình, ĐB Rcom Sa Duyên, Gia Lai lo ngại, nếu di dời TTHC quốc gia lên Ba Vì trong tương lai vậy có phải phủ định giá trị 1000 năm Thăng Long hay không? Lịch sử trước kia đã ghi lại việc vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, vì sao lại chọn nơi đó?

Còn ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thì “mừng vì qua báo cáo Bộ Xây dựng đã cải chính chuyện không phân biệt TTHC với TTCT và không có chuyện dời TTHC lên Ba Vì, nhưng “phê” Bộ này vẫn chưa dứt khoát, vẫn “lưu luyến” dự án cũ. Không đồng tình với Bộ Xây dựng, ông Thuyết xin lỗi QH và dẫn chứng, “ngay trong nhà mình, mình dời bàn thờ đi khoảng 1 mét là cũng thành vấn đề đại sự rồi. Bây giờ mình bảo chuyển cơ quan hành chính lên trên đấy mà mình bảo vẫn ở trong ranh giới Thủ đô Hà Nội thì tôi cho rằng không ổn”.

Về mặt phong thủy, ông Thuyết quyết liệt hơn “không ai đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thủy tận, trừ trong trường hợp chiến tranh và dựa lưng vào núi như thế thì không có hậu”

Tán thành với ông Thuyết, nhiều ĐBQH cho rằng, Ba Vì chỉ nên giữ làm “lá phổi xanh” cho TP sẽ hợp lý hơn nhiều.

Trục Thăng Long: Chỉ nên tồn tại trong tâm thức?

Được Chủ tịch Quốc hội cho phép nói “quá giờ” (10 phút), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đứng lên giải trình thêm một số vấn đề về Đồ án trong đó có trục Thăng Long.

Ông Thảo khẳng định “không có một chủ trương, một sự chỉ đạo nào về việc dời đô như một số ý kiến đã nêu”. Ông Thảo lý giải, trục Thăng Long trước tiên là một trục về không gian, về kiến trúc cảnh quan đô thị. Trục này để thực hiện mục tiêu kép, đó là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì, tạo thành “điểm nhấn” trục kiến trúc cho Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, nếu chỉ vì cái “điểm nhấn” đó mà chúng ta tốn kém vậy thì không nên. Là ĐBQH của Hà Nội nhưng ông Nguyễn Ngọc Đào cũng tỏ ra quan ngại: trục Thăng Long chỉ tồn tại trong tâm thức chứ không nên thể hiện ở tên gọi cụ thể, nó sẽ bị lợi dụng để lôi cuốn các nhà đầu cơ bất động sản, dân ta với nhận thức chưa rõ về mặt thông tin có thể bị lợi dụng.

ĐB lê Quốc Dung, Thái Bình lại nhấn mạnh chuyện lãng phí. Không phải cứ đưa TTHC lên Ba Vì, rồi làm trục Thăng Long đó để “kết nối văn hóa”. Ông Dung cho rằng kết nối văn hóa Việt Nam là kết nối Bắc - Nam. Đó là cách kết nối mạnh mẽ và tốt nhất, không có trục nào tốt hơn và đúng là phong thủy, “Chúng ta làm cái đó vừa lãng phí tiền, vừa lãng phí đất đai, nước ta còn nghèo mà “chơi sang” thế là không nên” ông Dung kết luận.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, cần cân nhắc thêm sự cần thiết của trục đường Thăng Long và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn nhân dân ở các vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng các hình thức khác nhau và thực hiện công khai dự kiến Đồ án quy hoạch bằng các hình thức hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: “Quy hoạch chung không thể nhìn một góc độ”

- Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng đưa TTHC lên tận Ba Vì là quá xa, gây rối rắm, lãng phí, ông nghĩ sao?

Ưu điểm của Ba Vì là nơi có quỹ đất tốt, vùng gò đồi, thuận lợi cho việc xây dựng các trụ sở của các cơ quan hành chính. Thậm chí có thể là một khu như Hồ Tây hiện tại. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó: ưu điểm và nhược điểm. Nếu chúng ta quản lý không tốt đến lúc không làm được TTHC nữa mà thay vào đó là vài cái “ông dự án” chăn nuôi gia súc… chẳng hạn. Đấy, như thế lại trở thành yếu điểm. Và nữa, tốt hay xấu nó còn phụ thuộc vào yếu tố quản lý.

- Qua thảo luận ở tổ và cả hội trường, vẫn nhiều ĐBQH đặt câu hỏi, cái trục Thăng Long ấy là trục giao thông, tâm linh… hay trục gì, ông giải thích thế nào?

Người ta quy hoạch trục Thăng Long ấy với nhiều ý nghĩa, nhiều chức năng. Nó là một trục phát triển, một trục cảnh quan, tạo ra điểm nhấn cho kiến trúc đô thị. Nhưng nó không lãng phí như người ta lo ngại mà nó chỉ có một con đường lớn thôi, còn lại là những đường bình thường. Mặt khác nó có thể sẽ được phân kỳ đầu tư, làm theo từng giai đoạn chứ không phải cấp tập. Khi đã sinh ra một khu vực quy hoạch như thế nó có nhiều chức năng ở trong đô thị, mình thấy hợp lý, tốt thì mình làm.

- Chúng ta làm trục Thăng Long trong khi đã có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, có đường 32, ta phải thuyết phục dư luận thế nào để làm trục đường này thưa ông?

Sao mà trùng nhỉ? Ví dụ trong đô thị mà hai con đường cách nhau 4 km đâu phải là gần. Còn chuyện ĐB lo ngại hiện có nhiều dự án quanh trục Thăng long, sợ hết đất rồi tôi nghĩ đây lại là một phạm trù khác. Mình làm quy hoạch đương nhiên mình phải tính toán xem tính khả thi của cái quy hoạch đó đến đâu; nhưng trước hết, làm quy hoạch phải nhìn trên cái bình diện tổng thể và lâu dài chứ. Còn giả sử có trùng với các dự án khác thì xét xem cái nào quan trọng hơn, cần thiết hơn để điều chỉnh lại.

- Có ĐB cho rằng, khu Tây Hồ Tây đẹp thế mà không được chọn, vì sao vậy?

Đẹp đó là theo tầm nhìn của mỗi người. Anh nói đẹp đấy là anh nghĩ. Khi làm quy hoạch đó là quy hoạch chung, nhất là quy hoạch trên bình diện mấy nghìn cây số vuông, cách tư duy, cách đặt vấn đề và tiếp cận vấn đề phải khác. Không phải chỉ nhìn trong một góc độ. Ta nên nhớ Hà Nội trước đây chỉ có khoảng 45 km2 thôi.

Bình An (ghi)


Nhóm PV