Hướng dẫn Nghị định số 61/2009/NĐ-CP: Để sớm triển khai thí điểm thừa phát lại

01/06/2010
Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61 về thực hiện thí điểm Thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM. Do thấy có một số vấn đề chưa được Nghị định 61 quy định cụ thể nên Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng 2 Thông tư liên tịch (TTLT) với dự kiến sẽ ban hành sau ngày 15/6 để chế định TPL sớm được triển khai thí điểm trong thực tiễn.

Vi bằng có giá trị chứng cứ

Dự thảo TTLT giữa Bộ Tư pháp, TANDTC và VKSNDTC về thủ tục thực hiện công việc của TPL quy định, TPL được quyền tống đạt các văn bản, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp TA xét xử vắng mặt đương sự của TAND các cấp tại TP.HCM (trừ Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM); Quyết định về THA, giấy báo, giấy triệu tập của Cục Thi hành án dân sự (THADS) và của các Chi cục THADS tại TP.HCM. Việc tống đạt, giao nhận văn bản tống đạt giữa văn phòng TPL với TA và Cơ quan THADS phải được ký kết bằng hợp đồng dịch vụ theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Các bên có thể thỏa thuận thực hiện ngay việc tống đạt kể cả ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính.

Về giá trị pháp lý của vi bằng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, vi bằng do TPL lập có giá trị chứng cứ để TA xem xét khi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, TA có thể triệu tập TPL để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Ngoài ra, TPL được sửa những lỗi kỹ thuật khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng miễn là việc sửa chữa không ảnh hưởng đến tính xác thực của vi bằng.

Tại buổi làm việc liên ngành mới đây do Bộ Tư pháp tổ chức, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc quy định như trên của dự thảo là phù hợp. Vì tuy đã có chủ trương xã hội hóa hoạt động THADS nhưng phải tiến hành từng bước, chứ không thể ngay cùng lúc trao toàn bộ quyền năng của Chấp hành viên cho TPL. Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh lại e ngại, việc thiếu quy định về trực tiếp THA của TPL là chưa hướng dẫn thật đầy đủ Nghị định 61.

Không ấn định mức phí thực hiện công việc

Theo dự thảo TTLT hướng dẫn về chi phí thực hiện công việc của TPL và chế độ tài chính đối với văn phòng TPL giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và TANDTC, cơ quan THADS các cấp, TAND các cấp tại TP.HCM (trừ Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM) thỏa thuận với văn phòng TPL về chi phí thực hiện việc tống đạt. Cụ thể là, trong phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở TA, cơ quan THADS không quá 50 nghìn đồng/việc. Ngoài phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở TA, Cơ quan THADS không quá 100 nghìn đồng/việc. Đây là chi phí đã bao gồm việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà pháp luật quy định phải niêm yết công khai. Chi phí tống đạt do ngân sách nhà nước chi trả, trừ những trường hợp do đương sự phải chịu như tự mình xác minh điều kiện THA, định giá lại tài sản, việc xây ngăn, phá dỡ theo bản án, quyết định đã tuyên, yêu cầu TA áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ án dân sự, thương mại, hành chính. Ông Bình đề xuất, hợp đồng dịch vụ giữa TA, Cơ quan THADS với văn phòng TPL không nên quy định cứng mức chi phí là 50 và 100 nghìn, cần tính đến yếu tố thị trường, đồng tiền mất giá. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng tán thành và yêu cầu tổ biên tập nghiên cứu nghiên cứu thêm về vấn đề trượt giá.

Điều 6 dự thảo TTLT quy định, văn phòng TPL do một TPL thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng TPL do từ 2 TPL trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Chế độ tài chính của văn phòng TPL được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng. Ông Danh kiến nghị, nếu đã coi văn phòng TPL là một doanh nghiệp, thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì thông tư cần phải hướng dẫn vấn đề này cụ thể hơn nữa.

Cẩm Vân