Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Tăng cường vai trò cơ quan thanh tra

01/06/2010
Sáng qua (31/5), Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội. Theo chương trình, ngày 9/6, QH sẽ thảo luật về dự án Luật này.

Thanh tra là phương thức bảo đảm pháp chế

Đó là một trong những qui định của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền nêu rõ, Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục được những bất cập của Luật Thanh tra hiện hành và đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra hiện nay, đề cao trách nhiệm của cơ quan thah tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra. Theo đó, thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, các chế định này, một mặt làm rõ vị trí, mối hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động thanh tra trong quản lý nhà nước.

Phân biệt hoạt động thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành, Luật đã làm rõ tính chất, đặc điểm, nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra của hai loại hình hoạt động này và bổ sung, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra để khắc phục những bất cập của Luật Thanh tra hiện hành và đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra hiện nay. Đối với những hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thì trong quá trình thanh tra, Luật cho phép tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà người ra quyết định thanh tra xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo các hình thức sau: xử lý vi phạm hành chính; xử lý kỷ luật đối với cá nhân là cán bộ, công chức; truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật QH - đánh giá, các quy định sửa đổi Luật Thanh tra sẽ làm rõ vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta hiện nay.

Chánh thanh tra chủ động ra quyết định thanh tra

Trong thời gian tới, đất nước ta vẫn đang trong thời kỳ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, sẽ có thể nảy sinh nhiều sai phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là những chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, việc đền bù giải phóng mặt bằng, việc cổ phần hoá, thị trường vốn, thị trường lao động, các chính sách an sinh xã hội.... Vì vậy, quy định cho Chánh thanh tra các cấp quyền chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đánh giá là là cần thiết, sẽ tạo được sự nhanh nhạy, kịp thời trong việc phát hiện, xử lý những hành vi sai phạm trong quản lý, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước; tạo nên tính tích cực, chủ động trong hoạt động thanh tra.

Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra là việc thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra không được thực hiện nghiêm chỉnh. Do đó, việc bổ sung những quy định về xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm hoạt động thanh tra được tiến hành đúng tiến độ, chính xác, khách quan, dân chủ, kịp thời.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nhưng không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, nhất là trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền. Với các quy định này thì việc thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra sẽ được bảo đảm trên thực tiễn, qua đó kết quả của hoạt động thanh tra sẽ được phát huy, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên, theo ông Truyền, việc thực hiện hiệu quả các quy định này trên thực tế còn phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước./.

H.Giang