Dự thảo Luật Thuế Bảo vệ môi trường: Lo ngại ‘đội” giá hàng hóa!

01/06/2010
Thảo luận tổ chiều qua (31/5) về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (TBVMT), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã không khỏi lo ngại sẽ có thêm một gánh nặng thuế “đè” lên vai người dân.

“Lưới” giăng chưa đủ rộng!

Chính phủ dự kiến đưa 5 nhóm hàng hoá vào diện chịu TBVMT gồm: Xăng dầu (xăng các loại, nhiêu liệu bay, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); than; môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC); túi nhựa xốp (túi ni lông); thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Đây là các nhóm hàng hoá được xác định khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng.

Song Chủ nhiệm UB tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến không tán thành việc xác định 5 nhóm hàng hoá áp thuế như trên vì “vô tình” loại bỏ nhiều mặt hàng gây ô nhiễm khác (đặc biệt các loại hoá chất như chất tẩy rửa, hạt níc…), không đảm bảo tính khái quát, công bằng của luật.

ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) lấy ví dụ từ thực trạng môi trường ở khu vực Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Mỗi tuần Nhà máy này chỉ thải khí (do sử dụng các chất tẩy bột giấy) ra môi trường 2 lần cũng đã khiến không khí ô nhiễm. ĐB Hùng băn khoăn: “Còn nhiều sản phẩm độc hại hơn xăng như chất tẩy rửa trong công nghiệp, hóa chất tiêu thụ tại các khu công nghiệp… chưa được xem xét tính thuế. Trong khi đó, các chất này thường được nhập khẩu với số lượng lớn, thải ra đậm đặc, làm ô nhiễm không khí cả vùng”.

Đó cũng là ý kiến của nhiều ĐB đến từ Kom Tum, Lào Cai, Trà Vinh… ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo Luật TVMT là nhằm tạo nguồn lực tài chính cho BVMT khi vấn đề này đến nay còn hạn chế, chưa ngăn chặn được các hành vi gây ô nhiễm… thì với 5 đối tượng chịu thuế như dự thảo sẽ không thể đáp ứng yêu cầu này.

ĐB Lan cho rằng, phải đánh thuế cả đối với một số sản phẩm công nghiệp, những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm lớn hay những cơ sở sản xuất ra những sản phẩm sẽ gây ô nhiễm khi sử dụng (như bơm, kim tiêm dùng trong y tế), các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

Xem xét để qui định các đối tượng chịu thuế được công bằng. Đảm bảo khi luật có hiệu lực thì môi trường phải được cải tạo tốt hơn” – ĐB Hùng đề nghị.

Thuế cao là gánh nặng kinh tế

Các tiêu chí xây dựng khung thuế theo luật cũng chưa thuyết phục đại biểu, chưa thống nhất. Theo đó, mức trần khung thuế suất với xăng là 25% tính trên giá bán trong khi với than chỉ bằng 1%, túi xốp nhựa lại “vống” lên 100%... Biên độ khung thuế với từng nhóm hàng cũng được đánh giá quá rộng.

Biên độ khung thuế với xăng dầu rộng, mức trần 4.000 đồng/lít quá cao vì hiện giá xăng dầu đã “gánh” nhiều loại thuế, phí, chiếm tới hơn 40% giá thành. Cơ quan thẩm tra dự án luật yêu cầu tính lại hợp lý để tránh đẩy giá bán xăng dầu, tác động đến đời sống, khả năng kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô.

Cũng có ý kiến chỉ ra “nghịch lý” thuế với xăng từ 1.000-4.000 đồng, cao hơn thuế với dầu diezel 500-2.000 đồng trong khi sử dụng xăng ít gây ô nhiễm hơn dầu. ĐB Hùng lưu ý: “Chưa chắc đánh thuế xăng dầu sẽ giảm lượng tiêu thụ vì các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu này ngày càng nhiều”. Còn ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) khẳng định: “Thuế xăng dầu cao thì giá thành sản phẩm sẽ tăng, người tiêu dùng chịu thiệt”. Đồng tình, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lo ngại, chính sách thuế này có khi lại làm gánh nặng cho nền kinh tế khi tăng thuế quá cao.

 Quan trọng là cơ chế khuyến khích

Các ĐB đều nhận thấy, đánh thuế chỉ là một biện pháp cụ thể, chứ không thể là giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang “ngày càng xuống cấp nghiêm trọng”. Bởi theo dự thảo Luật TBVMT, các cơ sở sản xuất nếu có áp dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường mà sử dụng các nguyên liệu chịu thuế như xăng, dầu… thì cũng bị thu thuế môi trường không khác gì các cơ sở áp dụng công nghệ lạc hậu.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) dẫn chứng: “Sử dụng hóa chất như nhau nhưng xử lý tốt hơn thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường ít hơn. Có phải dùng nhiều hóa chất thì gây ô nhiễm nhiều hơn?”. Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Ngô Thị Minh cũng nhận thấy, các qui định của dự thảo “không khuyến khích các doanh nghiệp nhập công nghệ hiện đại để khắc phục hay bảo vệ môi trường và khiến người dân phải gánh chịu”.

Nguyên nhân của mâu thuẫn này chính là việc dự thảo đánh thuế vào sản phẩm (xăng, dầu, than…), mà không tính thuế theo đối tượng là cơ sở sản xuất. Từ góc độ người dân, bà Minh đánh giá “dự luật TBVMT chưa đáp ứng yêu cầu”.

Các ĐB cũng băn khoăn khi dự thảo Luật chưa đề cập đến việc sử dụng tiền thuế thu được trong cải tạo, BVMT. ĐB Giàng Phu Thè (Lào Cai) nhắc nhở: “Thu tiền rồi mà môi trường vẫn ô nhiễm thì người dân sẽ có ý kiến”.

H.Giang

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Theo lộ trình cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, đến năm 2018, nước ta sẽ hoàn toàn bỏ các loại thuế này. Như vậy, nếu áp các loại thuế khác (có thuế BVMT) lên sản phẩm mà nặng thì sẽ giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài, thậm chí sẽ ‘thua” so với hàng nước ngoài.

Vì vậy, khi tính thuế phải tính đến khả năng này cũng như khả năng chịu đựng của người dân. Trong giai đoạn quá độ, dù biết qui định về thuế BVMT có ảnh hưởng đến người dân nhưng phải chấp nhận để đạt được mục tiêu “sống khỏe, sống sạch, ăn ngon, ăn sạch” khi thế giới đang hướng đến “thế giới xanh, sạch”. Đồng thời, cần có qui trình áp dụng phù hợp trong điều kiện từng nước.

Riêng đối với dự thảo Luật TBVMT, tôi tán thành qui định “vét” (trường hợp khác) để UBTVQH căn cứ từng giai đoạn để qui định cụ thể, tránh bỏ sót vì đây là luật thuế “dài hơi”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

“Giá bán xăng dầu sẽ không chịu tác động gì khi thuế môi trường được áp dụng. Vì khi Luật TBVMT có hiệu lực thi hành thì sẽ không tiếp tục thu phí xăng dầu nữa mà mức thuế được quy định sẽ bằng mức phí xăng dầu hiện hành. Mặt hàng chịu tác động nhiều nhất là nilon. Còn đối với các sản phẩm như máy tính, ắc quy… sẽ thực hiện theo cơ chế “đặt cọc - thu hồi”, nghĩa là yêu cầu nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm sau khi sử dụng theo quy định tại Luật BVMT nên không đưa vào diện chịu TBVMT”/.

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng:

Chia sẻ về Dự thảo luật TBVMT, GS. Nguyễn Lân Dũng - ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, luật không nên mở quá rộng trong khi có những điểm không phù hợp với thực tế như việc đánh thuế đối với bao ni long. Nhưng quan trọng hơn là phải đánh thuế vào việc nhập khẩu các sản phẩm thuốc trừ sâu độc hại như lân hữu cơ và Clore hữu cơ. Hiện nay, tình hình khá là nghiêm trọng. Các thuốc trừ sâu này phun một cái là sâu chết ngay, người nông dân rất thích. Tuy nhiên, bản thân nông dân nhận thức rất rõ, họ không bao giờ ăn rau đã phun hai loại thuốc trừ sâu này. Vấn đề thuốc trừ sâu độc hại là vô cùng nguy hiểm nhưng rất khó đánh thuế.

Ngoài ra, chuyện đưa khí thải lên bầu trời phải kèm theo giải pháp. Phải có giải pháp rồi mà họ không thực hiện thì mới đánh thuế. Chưa có giải pháp mà đã tìm cách đánh thuế thì không thu được gì đâu, vì họ sẽ lí luận: tôi chẳng có giải pháp gì cả!

Còn chuyện làm ô nhiễm thành phố thì theo tôi phải đánh thuế nghiêm, từ việc xe chở vật liệu vào TP không có che đậy kín hay thói quen vứt xác chuột chết đánh bẫy ra giữa đường, chuyện đào bới TP như hiện nay… Từ  những ví dụ nêu trên, tôi nghĩ đưa ra các mức phạt trong luật TBVMT phải là những gì bình thường; chứ nếu quá mức bình thường thì khó thực hiện được.

Trước khi xử lý nên điều tra tình trạng ô nhiễm môi trường và việc xử lý ô nhiễm môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh lại quan điểm của tôi: phải cho các doanh nghiệp giải pháp đã rồi hãy tính đến chuyện xử lý./.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên:

“Bản chất số một của thuế môi trường không phải là thu tiền như những loại thuế khác. Mục đích chính của thu thuế tài nguyên không phải là thu tiền mà là dùng công cụ kinh tế để hạn chế ngăn chặn người tiêu dùng sử dụng quá mức các sản phẩm gây ô nhiễm trong cuộc sống, kể cả sinh hoạt, để giảm ô nhiễm môi trường.

Và mục đích lớn hơn là không để gây ô nhiễm môi trường. Nếu đánh thuế mà vẫn để gây ô nhiễm môi trường thì đó không phải là mục đích chính. Ai gây ô nhiễm thì phải bỏ tiền để khắc phục sự cố môi trường. Đó mới là thu thuế.

Trong lĩnh vực môi trường có trường hợp phải đánh thuế, có trường hợp phải thu phí, nhưng có những trường hợp phải thu cả thuế và phí. Phí đánh vào quá trình sản xuất, thuế để áp dụng cho các trường hợp đã sử dụng, thải ra môi trường. Nên khi sản xuất đã thu phí môi trường thì khi người tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp, sử dụng và thải ra môi trường thì vẫn phải chịu thuế môi trường”.

H.G (ghi)